Đọc 'Thương nhớ miền Trung' - thương từ ký ức thương đi...
Những trang viết thấm đẫm yêu thương ra đời trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt: từ một cuộc thi mang tên Thương nhớ miền Trung do Báo Thanh Niên tổ chức, từ một năm vô cùng đặc biệt với đại dịch thế giới Covid-19 và mùa bão lũ lịch sử 2020 bao đau thương...
Những con chữ từ tận đáy lòng
Không khó để tìm được những cuốn sách viết về các vùng miền, thành phố lớn nổi tiếng như Sài Gòn, Hà Nội nhưng một cuốn sách gom hết thảy tình yêu thương đối với dải đất miền Trung, từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận... lên đến cao nguyên với Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai... như Thương nhớ miền Trung thì có lẽ là hiếm hoi.
100 bài viết trong tập sách là 100 tản văn cô đọng, mỗi bài viết như một lát cắt mang đến một khoảng lặng xúc động, để từ đó thấy rưng rưng chia sẻ, dù bạn có là người con của miền Trung hay không, có đang sống ở mảnh đất này hay không.
Bạn biết về miền Trung với độ sâu trầm hơn, như Huế không chỉ là vẻ đẹp của sông Hương, núi Ngự, “Một nàng thơ đài các bí ẩn trong tà áo tím sau chiếc nón bài thơ. Một nàng thơ tư lự lãng đãng hoài niệm giữa rêu phong lăng tẩm” (Cố đô vô thường - Đỗ Thanh Thu), mà còn là khoảnh khắc lặng thầm của một Ga Huế và những chuyến tàu chợ (Hoàng Công Danh), khi “Gió từ sông Hương thổi lên, gió từ Nguyệt Biểu tràn xuống, gió từ Nam Giao thoảng về. Đêm ga Huế dù mùa nào cũng cảm giác se lạnh”. Một Huế không chỉ lộng lẫy vàng son với “Đóa pháp lam mang riêng hơi thở Huế, chỉ bừng nở rực rỡ với thời gian bằng một kiếp người” (Cốt đồng - Phát Dương), mà còn có Chợ quê mùa lụt (Hoàng Phước), nơi người ta đi chợ, ngoài bán mua còn để “Gặp ai mạ cũng hỏi:“Nước lên ngang mô?”,“Nhà có thiệt hại chi không?”…
Và như tác giả Phạm Thị Hải Dương viết trong Vết dấu không tên: “Tôi nghĩ nhiều đứa trẻ miền Trung giống tôi. Không phải ai cũng lớn lên bên cạnh những danh thắng tên tuổi”, đọc cuốn sách này ta biết đến những địa danh không có trong bản đồ du lịch nhưng đậm đặc chất miền Trung, lam lũ mà gắn kết ruột rà: “Xóm Câu trong tôi đâu chỉ có những ngày nồm nam mát rượi mà còn có cả những ngày mưa dầm gió bấc. Cả nhà quây quần vá lưới rôm rả chuyện xóm, chuyện làng. Bữa cơm ngày biển động không có cá nhưng có mắm. Mắm cá thu, cá hồng, cá lẹp thơm cứ nức mũi...” (Người xóm Câu - Phan Viết Dũng); và nhiều địa danh hình thành đúng nghĩa cưu mang như “Vùng đất dựa rừng mai nhìn ra biển đang dần hình thành cái xóm nhỏ toàn dân nghèo di dân tha phương cầu thực nghiễm nhiên có tên Xóm Mới. Cha mẹ tôi sinh ra và lớn lên tại nơi này, cùng là những đứa trẻ Xóm Mới đầu tiên. Những đứa trẻ ấy nay đều đã ngoài tám mươi, chưa bao giờ thôi nhung nhớ về cái xóm nhỏ bên động cát trắng mênh mông trông ra biển lớn” (Tới đây đất nước lạ lùng - Duy Dương).
Có lẽ vì cảm xúc khởi đi từ sâu thẳm ký ức như thế nên các bài viết trong tập sách này, ngay chỉ những cái tựa thôi cũng đã chạm vào tim người đọc: Miền Trung lũ lụt, suốt đêm không ngủ, Thương mùa mưa thơ dại, Đứt ruột với miền Trung, Thương nhiều khoai deo xứ cát, Muối thương…
Hình ảnh mẹ
Trong Thương nhớ miền Trung, có thể nhận thấy hai chủ đề được chú trọng: thiên tai, khí hậu khắc nghiệt và hình ảnh mẹ. Gió Lào cát trắng, mùa gió nam cồ, lũ lụt… là tính chất khí hậu thường niên của dải đất miền Trung, vốn cũng là nguyên do hình thành nên chất giọng “đặc sản” (Giọng Nghệ yêu thương - Cao Văn Quyền, Nhớ “xóm Quảng Ngãi” giữa Sài Gòn - Nguyễn Xuân Phương, Giọng nói - Trương Quốc Toàn…). Nhưng trong chính những vất vả gian truân, những kỷ niệm, ký ức đượm buồn ấy lại bật lên khí chất, sự can trường, nghị lực của người dân dải đất này, và những bài học từ gian khó luôn gắn liền với hình ảnh người mẹ.
Cuốn sách Thương nhớ miền Trung dày 367 trang, tập hợp 100 bài viết của 100 tác giả từ cuộc thi Thương nhớ miền Trung do Báo Thanh Niên tổ chức. Sách do Vanlangbooks, Báo Thanh Niên và Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành; ra mắt bạn đọc quý 1/2021.
Đó là những người phụ nữ trong Ngóng biển (Lê Ngọc), là người mẹ tảo tần trong Những chuyến nguồn của mẹ (Phan Đình Dũng), mà khi đọc ta không khỏi xót xa: “Đường đi nguồn từ làng Tây Yên lên Trà My có ngọn đèo Ba Hương mà mỗi chuyến mẹ tôi phải dốc sức rất nhiều. Đèo cao, dốc đứng trong khi quảy gánh nặng nhưng phải cố giữ thăng bằng để nồi chè, trách cá, hũ mắm, chai tương... và các thứ khác không bị xô lệch, đổ hư, vừa bám chân trên những bậc đá hoặc mô đất trơn cả khi lên, khi xuống”. Bởi “Đàn ông hầu hết đều phải rời làng đi làm thuê làm mướn nơi xa, mọi vất vả lo toan dồn hết lên vai những người phụ nữ ở lại với bầy con thơ dại”, nên “Gánh phân ra bón ruộng, gánh khoai lúa về nhà, gánh rau đi phiên chợ sớm đều trên đôi vai các bà các mẹ. Áo mẹ tôi bao giờ cũng sờn bạc đầu tiên ở hai vai, hết tấm vá này đến tấm vá khác dày lên cùng với vết lõm xuống nhẵn bóng mồ hôi nơi đòn gánh” (Mẹ gánh con đi - Trần Thị Tú Ngọc).
Nhưng hình ảnh mẹ luôn làm ấm lòng con: “Trong những ngày lụt chồng lụt, mưa triền miên nhão đất, má gom đám củi ướt chất dày quanh kiềng bếp để chụm hết lớp này thì lớp củi tiếp theo cũng được hong khô ít nhiều” (Mấy mùa củi ướt ai về mà hong - Nguyên Hậu) để ngọn lửa được nhen lên mãi, bất chấp gió mưa; hay “Khi màn đêm xuống, mẹ đem chiếc đèn là chiếc đĩa nhỏ, làm bằng gốm được treo lên cái giá nhỏ. Mẹ rót dầu vào và thả tim vào cho dầu thấm. Đầu bấc được khêu lên và mẹ châm lửa. Một làn khói mỏng bay lên với vầng sáng tỏa xung quanh…” (Ngọn đèn dầu quê - Lê Đức Đồng)...
Ở một góc độ khác, Thương nhớ miền Trung mang đến cho bạn đọc sự thương quý, cảm phục với dải đất mà chỉ cái vị “vừa mặn vừa thơm cay” của lá nén muối rang cũng giúp đi qua ngày đói khổ (Một đời lá nén muối rang - Ny An). Những người con thế hệ sau với tính cách thủy chung, “uống nước nhớ nguồn” luôn nhìn vào nghị lực của người đi trước để học hỏi và tin tưởng: “Chỉ cần lòng mình giữ một mạch yêm là được rồi!... Chỉ cần lòng giữ được một mạch nước! Phải chăng với mạch nước mang tên hy vọng ấy, bác tôi, rồi bao nhiêu người nông dân nữa ở xứ này đã đi qua những mùa hạn khắc nghiệt nhất” (Bóng râm giữa “sa mạc” - Văn Hiến).
Kết quả cuộc thi viết Thương nhớ miền Trung
- 1 giải nhất: Bóng râm giữa “sa mạc” - Văn Hiến.
- 1 giải nhì: Một đời lá nén muối rang - Ny An.
(BTC rút giải nhì còn lại - Nhớ những ngôi nhà không đóng cửa của Thủy Vũ vì vi phạm quy cách tác phẩm dự thi).
- 3 giải ba: Nơi miền đất khát - Khánh Liên; Ai về Phan Thiết - Hoàng Mai; Mẹ gánh con đi - Trần Thị Tú Ngọc.
- 10 giải khuyến khích: Những bến đò ngang qua sông Hương - Phi Tân; Tiếng chim quê ngoại - An Sinh; Chợ quê mùa lụt - Trần Như Hoàng; Tiếng trống làng mùa lũ - Thanh Ling; Ngôn ngữ đất - Trần Quốc Toàn; Ngọn đèn dầu quê… - Lê Đức Đồng; Những chuyến nguồn của mẹ - Phan Đình Dũng; Ngóng biển - Lê Ngọc; Thương mùa mưa thơ dại - Nguyễn Hữu Tấn; Mấy mùa củi ướt ai về mà hong - Nguyễn Hậu.
- Giải bài viết được bạn đọc yêu thích (tổng lượt like và view trên Thanh Niên Online): Người miền Trung là thế - Nguyễn Xuân Phương (tác giả đoạt giải ban đầu là Nguyễn Thị Quỳnh Sen với bài Rau nhót quê tôi xin rút giải vì lý do cá nhân).
Lễ trao giải dự kiến sẽ được diễn ra tại TP.HCM vào tháng 1.2021.
N.V
Nguồn: Đọc 'Thương nhớ miền Trung' - thương từ ký ức thương đi... | Văn hóa | Thanh Niên (thanhnien.vn)
Không có nhận xét nào