Top Banner

Tìm kiếm


Xung đột giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế: Di sản không có lỗi

Kinhtedothi - Hà Nội là địa phương được các nhà khoa học đánh giá cao trong việc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế. Nhưng Hà Nội cũng bị nhắc đến với những bài học đau xót về việc phá hỏng di sản.







Ra sức thu lời từ di sản
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, không phải lúc nào vấn đề bảo tồn và phát triển cũng được giải quyết hợp lý. Việc quá coi trọng phát triển kinh tế, khai thác nguồn tài nguyên quá mức, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết mà không chú ý đến nhu cầu bảo tồn giá trị di sản văn hóa có thể tạo ra những khủng hoảng, cản trở sự phát triển bền vững. “Đang có nhiều di tích bị đập đi xây mới, tình trạng tôn tạo di tích “quá tay”, đặc biệt, nhiều địa phương tồn tại tâm lý háo danh, “sính danh” khi chỉ cố gắng để di sản được vinh danh nhưng sau đó lại bỏ quên di sản hoặc khai thác quá mức…” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Có thể dẫn dụ việc các địa phương đua nhau tôn tạo, làm mới di tích, nâng cấp di sản bằng các sự vụ: Năm 2012, chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) bị trùng tu, tôn tạo theo kiểu “làm mới di tích” hay hàng loạt trường hợp trùng tu, tôn tạo không quan tâm đến yếu tố gốc như Lăng Ngô Quyền tại Đường Lâm, Sơn Tây Hà Nội (2014), Tam quan chùa Bổ Đà (2017), Bia Quốc học Huế (2017), xây mới tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 trên núi Sam (2017)… Người ta thậm chí còn dám làm động giả, chùa giả, “biến không thành có” để thu lời, kiếm chác. Vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An từng ngang nhiên bị xẻ núi dựng cột bê tông làm đường dài hơn 1km với hơn 2.200 bậc… Nhiều chuyên gia cho rằng thật đau lòng khi phải nói về hiện tượng háo danh trong di sản nhưng đó là sự thật. Nhiều nơi, nhiều địa phương “sính danh” nhưng thậm chí không biết trách nhiệm của mình sau khi di sản được vinh danh như thế nào.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng không phải cứ bảo tồn là làm biến dạng di sản. GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhắc đến những viện dẫn về việc giải quyết hài hòa, phù hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam như việc tiến hành khai quật khảo cổ học quy mô lớn tại Khu di tích 18 Hoàng Diệu. Nơi đây bảo tồn, lựa chọn các hố khai quật khảo cổ tiêu biểu nhất để làm bảo tàng tại chỗ, kết nối với Khu thành cổ Hà Nội và các khu di tích xung quanh tạo thành Công viên lịch sử văn hóa đáp ứng nhu cầu của công tác nghiên cứu khoa học cũng như du khách.
Khu di tích khảo cổ học ở ngã năm Ô Chợ Dừa (Hà Nội) được xác định là khu vực Đàn Xã Tắc xưa, nằm trên nút giao thông đô thị nên ngay sau khi kết thúc khai quật khảo cổ học đã thực hiện giải pháp cắm mốc giới, đặt biển giới thiệu về di tích và đưa toàn bộ những tư liệu, hiện vật từ hố khai quật về bảo quản, trưng bày, phát huy giá trị tại bảo tàng. Khu di tích khảo cổ học nằm trên các nút giao thông đường Cầu Giấy, Văn Cao, Đào Tấn cũng thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị tương tự.

Giải bài toán hài hòa

Bản chất của bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội không phải là sự xung đột mà là do nhận thức và thiếu sự phối hợp để giải quyết hài hòa. Chẳng hạn, khi bảo tồn Khu phố cổ Hà Nội - một phức hợp di sản sống, cần nhìn phố cổ Hà Nội từ không gian đa chiều, với tất cả những yếu tố tổng hòa tạo nên nét đặc trưng riêng, tính kế thừa và phát triển của Khu phố cổ Hà Nội.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh: “Người ta vẫn lầm tưởng, giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội có hàm chứa các mặt mâu thuẫn. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta sẽ bảo tồn di sản văn hóa như thế nào, bằng phương tiện nào nếu không có cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như nguồn đầu tư cần thiết do phát triển kinh tế - xã hội đưa lại. Do đó, phải coi việc bảo tồn di sản văn hóa là vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cũng là nhu cầu tự thân của ngành di sản văn hóa”.

Di sản văn hóa phải được tiếp cận theo một tinh thần hoàn toàn mới: Không chỉ bảo tồn một cách bất biến các giá trị của di sản mà phải thiết lập các hình thức quản lý hoạt động bảo tồn để các giá trị nhân văn trong di sản trở thành “một bộ phận hiện đại” của xã hội mới, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.

Nguồn: Xung đột giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế: Di sản không có lỗi (kinhtedothi.vn)

Không có nhận xét nào