Cuộc đời Tướng Trần Tử Bình qua ngòi bút con trai
Con phố Trần Tử Bình vốn dĩ rất quen thuộc với người dân Hà Nội, nhưng mãi đến bây giờ, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông mới được tái hiện đầy đủ, chi tiết và đầy tình cảm qua ngòi bút của tác giả Trần Việt Trung, người con trai út.
Cuốn sách mang tên “Người Công giáo cộng sản” vừa được NXB Văn học giới thiệu, đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12.
Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907-1967) là một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 1-1948). Ông là người lãnh đạo phong trào công nhân cao su Phú Riềng 1930, một trong những cốt cán của Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội tại cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945. Sau Cách mạng tháng Tám ông đã được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ của quân đội và Nhà nước như Phó Giám đốc Chính ủy trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (1946), Phó Bí thư Quân ủy Trung ương (1947), Chính ủy trường Lục quân tại Trung Quốc (1950-1956), Tổng Thanh tra Quân đội kiêm Phó Tổng thanh tra Chính phủ (1956-1958), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1959-1967). Sáu mươi năm cuộc đời oanh liệt của tướng Trần Tử Bình từ lúc được sinh ra ở Đồng Chuối cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vì một cơn bạo bệnh đã được tái hiện sinh động, đậm nét và gần gũi trên trang sách. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết “Người công giáo cộng sản” hiện lên không chỉ như một người anh hùng của thời đại mà còn đậm chất đời, chất tình của một người cha khả kính, người chồng mẫu mực.
Là con trai của Thiếu tướng Trần Tử Bình, tác giả Trần Việt Trung vốn là một võ sư kiêm lương y và doanh nhân, không có ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đây đã là cuốn sách thứ tư trong vòng bảy năm của ông. Ông mượn cây bút để giãi bày những trải nghiệm của mình với đời sống, những tâm sự dành cho gia đình, dòng họ, bạn bè, môn phái... Thế nhưng những tác phẩm của Trần Việt Trung lại có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến người đọc.
Buổi ra mắt giới thiệu sách có sự tham gia của các diễn giả như nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà thơ Hữu Việt, đại tá Trịnh Hồng Anh (con trai nhà cách mạng Lê Liêm), tác giả Trần Việt Trung… và một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học cùng đông đảo bạn đọc. Đặc biệt còn có sự hiện diện các con của những nhân chứng lịch sử là bạn chiến đấu của tướng quân Trần Tử Bình: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Lê Quang Đạo, Đinh Đức Thiện, Lê Liêm... Đây cũng là sự kiện để chào mừng kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam của hai đơn vị đồng tổ chức là Nhà xuất bản Văn học và Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Tác giả Trần Việt Trung cho biết, một người bạn đã gợi ý cho ông viết một cuốn sách về cha mình, sau các cuốn sách viết về thầy dạy võ và thầy dạy nghề y. Để viết được cuốn tiểu thuyết, ông đã ghi lại những câu chuyện trong gia đình, từ các anh chị em, những câu chuyện trải dài suốt cả cuộc đời ông, cũng như tìm gặp các bạn đồng chí, đồng đội cũ của cha, cùng con của họ để nghe kể về những kỷ niệm trong cuộc đời, sự nghiệp chiến đấu của cha mình. Ông cũng đã phải xử lý một khối lượng tư liệu, tài liệu khổng lồ về cha, quay trở lại cả trăm năm trong quá khứ, trải dài qua nhiều giai đoạn lịch sử, đặc biệt là những tư liệu từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
“Viết cuốn sách này là một thử thách, nhưng cũng là động lực đối với tôi… Mỗi ngày, tôi vẫn làm việc bình thường nhưng dường như có một phần của bộ não vẫn vận hành để rồi vào mỗi buổi sáng, thức dậy sau một giấc ngủ dài đầy năng lượng, tôi lại bắt tay vào viết một mạch, viết không cần phải nghĩ gì, bởi vì tôi đã dành cả thời gian trong ngày để nghĩ” – tác giả Trần Việt Trung chia sẻ.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho biết, thường thì ông khá e dè với văn học lịch sử, bởi ngoài tính văn riêng, văn học lịch sử còn có bối cảnh… Nhưng đối với “Người Công giáo Cộng sản”, ông đã đọc quên ăn quên ngủ, đắm mình trong lịch sử, trong một giai đoạn của đất nước, đắm mình trong một thế hệ vừa tài năng vừa nhân cách. Khi đọc xong, bằng những cảm giác tươi mới, nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã đến gặp tác giả Trần Việt Trung, nói hết những suy nghĩ của mình với tác giả. “Tác giả kể mà như không kể, như là sự bung phá trong cõi hồn của người viết, bằng những ký ức về người cha. Nhưng quan trọng hơn, là bằng những ký ức về lịch sử dân tộc, chặng đường mà tất cả chúng ta đều tự hào” – nhà văn chia sẻ.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng là người tiếp xúc với các anh chị em, gia đình của tác giả Trần Việt Trung nhiều. Ông chia sẻ, phần viết về gia đình trong cuốn sách rất sâu đậm. Hình ảnh về người mẹ, về gia đình được viết ra gần gũi, giản dị, được viết ra từ cõi lòng, hoàn toàn thuần túy là tình cảm.
Cuốn sách, là một nén tâm nhang của người con trai dành tưởng nhớ cha mình – một vị tướng, đặc biệt đáng quý khi ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nguồn: Cuộc đời Tướng Trần Tử Bình qua ngòi bút con trai - Báo Nhân Dân (nhandan.com.vn)
Không có nhận xét nào