Chủ đầu tư chưa tiếp cận được tín dụng xanh
(Xây dựng) - Khuyến khích phát triển công trình xanh là một trong những yếu tố giúp bảo đảm ngành Xây dựng phát triển bền vững, cũng là góp phần đáng kể phát triển bền vững quốc gia. Tuy nhiên, chủ đầu tư công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng chưa tiếp cận được với nguồn tín dụng xanh từ các ngân hàng.
Trường THCS và THPT Phan Chu Trinh, xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương là một trong những công trình thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng nhận giải thưởng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam năm 2012. |
Chính phủ khuyến khích phát triển nhà ở xanh
Các chuyên gia cho biết, ngành Xây dựng, đặc biệt là trong phát triển đô thị có thể tiêu thụ tới 70% vật liệu tự nhiên và 40% năng lượng quốc gia, 30% nguồn nước sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời gây ra ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất và chất thải rắn, sản sinh ra khoảng 30% “khí nhà kính” gây ra biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Chính phủ rất lưu tâm đến vấn đề này; Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/2012/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, nêu rõ mục tiêu, quan điểm tăng trưởng xanh của Việt Nam, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ các cộng đồng phát triển mô hình đô thị sinh thái, mô hình nhà ở xanh, nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng…
Trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 403/2014/QĐ-TTg ngày 20/3/2014, quy định nguồn lực tài chính cho việc thực hiện các kế hoạch là từ ngân sách Nhà nước, kinh phí hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu, hỗ trợ kỹ thuật quốc tế, của cộng đồng và DN…
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam với mục tiêu từng bước tăng tỷ trọng vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh…
Khó tiếp cận tín dụng xanh
Tuy nhiên, đối với ngành Xây dựng, đến thời điểm hiện nay, phản ánh của nhiều chủ đầu tư cũng như đơn vị tư vấn thiết kế công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng cho thấy, họ gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh từ hệ thống ngân hàng mặc dù có không ít ngân hàng đã xây dựng và ban hành khung tiêu chí xanh của riêng họ (cơ sở pháp lý để giải ngân tín dụng xanh), như: Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng OCB, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)…
Đặc biệt, VPBank có hẳn khung tín dụng xanh của riêng ngân hàng này; trong đó, đối với Tòa nhà xanh, VPBank cấp vốn cho xây dựng và các khoản vay thế chấp hoặc tái cấp vốn cho các tòa nhà đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận Công trình Xanh: EDGE, LEED (hạng Gold trở lên), BREEAM (hạng Excellent), DGNB (hạng Gold trở lên), GREEN STAR (từ hạng 5 trở lên), hoặc hệ thống chứng nhận công trình xanh nổi tiếng quốc tế tương đương do (các) Bên cho vay Khoản vay xanh (hay còn gọi là “Đối tác tài trợ xanh”) phê duyệt hoặc có chứng từ chứng minh tiết kiệm được 20% lượng năng lượng tiêu thụ so với mức cơ sở của các tòa nhà không được thiết kế theo phương án hiệu quả năng lượng.
Thế nhưng, mặc dù chủ đầu tư công trình xanh đáp ứng tất cả các yêu cầu của ngân hàng thì vẫn rất khó để tiếp cận được nguồn tín dụng xanh từ ngân hàng này.
Thậm chí, có ngân hàng còn yêu cầu người dân cam kết khi mua sản phẩm nhà ở công trình xanh mặc dù chủ đầu tư đã cam kết đáp ứng yêu cầu của ngân hàng.
Một chủ đầu tư công trình xanh cho biết, nguồn vốn ưu đãi tín dụng xanh theo tiết lộ của một số ngân hàng là khá phù hợp với chủ đầu tư; tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng xanh mà các ngân hàng nhận được từ các tổ chức tài trợ quốc tế chảy về đơn vị, ngành hàng xanh nào khác có lợi thế ưu tiên hơn chúng tôi hay không; nhưng đối với chủ đầu tư là khách quan, mặc dù đáp ứng đủ các điều kiện của ngân hàng vẫn rất khó để tiếp cận.
Tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2020, một đại diện của Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, hiện nay cơ cấu tín dụng xanh của hệ thống các tổ chức tín dụng có các lĩnh vực như: nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, chưa có dư nợ tín dụng đối với công trình xanh.
Theo một chuyên gia, Bộ Xây dựng nên có một định nghĩa rõ ràng về công trình xanh trong Luật Xây dựng và chấp nhận một số bộ công cụ đang phổ biến trên thị trường Việt Nam; các ngân hàng thương mại có nguồn vốn tín dụng xanh cũng nên chấp nhận các bộ công cụ đã có trên thị trường và chủ động xây dựng khung tín dụng xanh cho chính ngân hàng để khuyến khích các chủ đầu tư phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng.
Thanh Nga
Nguồn: Chủ đầu tư chưa tiếp cận được tín dụng xanh | Kinh tế (baoxaydung.com.vn)
Không có nhận xét nào