Những đường hầm khủng
(Xây dựng) - Kiến trúc độc đáo không chỉ thể hiện ở những công trình nhà ở, khách sạn, nhà hàng mà còn thể hiện qua những công trình đường hầm xuyên lục địa, vừa có giá trị giao thông, vừa có giá trị cảnh quan đặc biệt.
Đường hầm Channel Tunnel
Ngày 06/5/1994, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Tổng thống Pháp Francois Mitterand đã chính thức cắt băng khánh thành siêu dự án Channel Tunnel - đường hầm đường sắt dài 50,45 km nằm bên dưới Eo biển Manche.
Kỹ sư người Pháp Albert Mathieu là người đầu tiên đề xuất xây dựng một đường hầm bắc qua Eo biển Manche. Những đề xuất sau đó đã được xem xét bởi Vua Napoleon III vào năm 1856 và cựu Thủ tướng Anh William Gladstone vào năm 1865. Đến năm 1919, cựu Thủ tướng Anh David Lloyd George đã một lần nữa đề cập đến ý tưởng này tại Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919.
Công cuộc xây dựng Channel Tunnel có tổng giá trị tương đương 12 tỷ bảng của ngày nay, cao hơn 80% so với mức dự kiến và tổng thời gian xây dựng là 6 năm (1988-1994). Channel Tunnel là một tổ hợp gồm ba tuyến đường ngầm - hai tuyến đường hầm dành cho tàu hỏa và một tuyến dịch vụ nhỏ hơn được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Chiếc tàu con thoi chạy qua Channel Tunnel dài 775 m - bằng với chiều dài của tám sân bóng đá cộng lại, với thời gian di chuyển là khoảng 35 phút. 11 máy khoan với sức nặng tổng cộng 12.000 tấn đã được sử dụng để đào đường hầm Channel Tunnel. Channel Tunnel được Hiệp hội kỹ sư dân dụng Mỹ công nhận là một trong “Bảy kỳ quan của thế giới hiện đại”.
Đường hầm Seikan
Trải qua bao biến cố, công trình giao thông quan trọng này vẫn hoạt động hiệu quả, làm nên uy tín và trở thành biểu tượng công nghệ, kỹ thuật của đất nước Nhật Bản. Hầm đường sắt Seikan dài 53,85 km xuyên qua eo biển Tsugaru, kết nối tỉnh Aomori trên đảo Honshu và đảo Hokkaido của Nhật Bản. 23,3 km đường ray nằm dưới biển, đoạn sâu nhất dưới 240 m, Seikan được cho là hầm đường sắt dài nhất và sâu nhất trên thế giới.
Tháng 12/2017, đường hầm này được chọn là 1 trong 20 biểu tượng đại diện cho di sản văn hóa và công nghệ của Nhật Bản do Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS, một hội đồng cố vấn của UNESCO) bình chọn. Hiện nay, hầm đường sắt Seikan đã trở thành cơ sở hạ tầng vận tải phong phú phục vụ từ chở hàng đến chở khách. Mỗi ngày, có khoảng 50 tàu chở hàng, 30 tàu cao tốc Shinkansen di chuyển qua.
Để có được công trình hầm ngầm đường sắt bền vững, quá trình xây dựng đường sắt tính đến hàng chục năm. Công ty vận hành hạ tầng Hokkaido Railway đã tiêu tốn chi phí khoảng 690 tỷ Yên với sự tham gia của 14 triệu công nhân. Giai đoạn thi công khó khăn nhất phải kể đến đoạn đường hầm sâu nhất, cách mặt biển 240 m. Nó không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà còn cả sự gan dạ và quả cảm của công nhân xây dựng vì họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như sạt lở, bão biển. Không có vinh quang nào mà không có sự hy sinh, 34 công nhân bỏ mạng khi đang làm việc tại đây.
Bên trong hầm đường sắt có 2 nhà ga: nhà ga đầu tiên được xây dựng dưới biển, đồng thời cũng có vai trò như cơ sở trú ẩn khẩn cấp trong trường hợp xảy ra thảm họa. Các nhà ga này được trang bị quạt chuyên biệt để hút khói, hệ thống cảnh báo hỏa hoạn hồng ngoại, vòi phun nước để tăng cường an toàn cho hành khách. Nhiệt độ dưới hầm luôn được duy trì mức 200C và độ ẩm 80 - 90% trong suốt cả năm. Công cuộc thi công hầm Seikan được bắt đầu từ tháng 9/1971, bao gồm nhiều kỹ thuật khó như khoan nổ thông qua một khu vực dễ động đất. Ước tính đã có 2.900 tấn thuốc nổ và 168.000 tấn sắt được sử dụng trong quá trình thi công đường hầm.
Đường hầm Fehmarnbelt Fixed Link
Đây là đường hầm đường sắt tích hợp đường bộ bắc qua eo biển cùng tên, giúp rút ngắn đáng kể thời gian đi lại giữa hai nước Đan Mạch - Đức. Hơn một thập kỷ sau khi lên kế hoạch, các kỹ sư khởi công xây đường hầm vượt biển dài nhất thế giới. Nằm ở độ sâu 40 m bên dưới mặt biển Baltic, đường hầm này dự kiến khánh thành vào năm 2029. Đường hầm dài 18 km này là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu với chi phí xây dựng 8,2 tỷ USD.
Đường hầm Fehmarnbelt bắc ngang qua Vành đai Fehmarn, eo biển nằm giữa đảo Fehmarn của Đức và đảo Lolland của Đan Mạch, được thiết kế để thay thế dịch vụ phà hiện nay từ Rødby và Puttgarden chở hàng triệu hành khách mỗi năm. Trong khi đi qua eo biển bằng phà mất 45 phút, các hành khách chỉ mất 7 phút nếu đi tàu và 10 phút đi xe.
Đường hầm này sẽ trở thành hầm đường sắt tích hợp đường bộ dài nhất thế giới. Công trình bao gồm hai đường cao tốc hai làn, ngăn giữa là hành lang dịch vụ và hai đường tàu điện. Hành trình tương tự bằng xe hơi sẽ nhanh hơn khoảng 1 giờ. Ngoài lợi ích với khách đi tàu và xe, đường hầm còn ảnh hưởng tích cực tới xe tải và tàu chở hàng do tạo ra lộ trình trên đất liền giữa Thụy Điển và Trung Âu sẽ ngắn hơn 160 km. Dự án bắt đầu vào năm 2008 khi Đức và Đan Mạch ký hiệp định xây dựng đường hầm. Sau đó, mất hơn một thập kỷ để thông qua các quy định cần thiết và tiến hành những nghiên cứu về kỹ thuật địa chất và tác động môi trường. Ước tính có khoảng 2.500 người làm việc trực tiếp trong dự án. Giai đoạn sản xuất các đoạn đường hầm sẽ bắt đầu vào năm 2023. Quá trình đặt các đoạn vào vị trí sẽ kéo dài khoảng 3 năm.
Khánh Phương
Không có nhận xét nào