Hà Nội: 20 năm bụi vượt "ranh đỏ"
(khoahocdoisong.vn) - Xây dựng, các nguồn gây ô nhiễm thứ cấp… gây ra lượng bụi lớn. Gặp giao thông dày đặc, bị cọ xát nhiều, bụi thô biến thành bụi mịn. Trong suốt 20 năm qua, chỉ số bụi trong không khí ở Hà Nội luôn vượt mức quy chuẩn cho phép.
Chỉ số bụi luôn cao hơn mức cho phép
Ngày 9/1, Tọa đàm “Không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức nào?” do Tạp chí Tia Sáng cùng Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam (VCAP), Trung tâm Sống và Học tập Vì môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) trong khuôn khổ Dự án “Chung tay vì Không khí sạch” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ đã diễn ra tại Hà Nội.
Các chuyên gia thảo luận về vấn đề ô nhiễm không khí. |
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu về ô nhiễm không khí Hà Nội trong vòng 20 năm trở lại đây cho biết, thống kê tại 5 điểm ở Hà Nội gồm Nguyễn Văn Cừ, Mỹ Đình, cầu Chương Dương, khu Thượng Đình và Bách Khoa cho thấy, trong 20 năm qua, bụi PM 10 nhiều năm liền cao hơn quy chuẩn Việt Nam, đặc biệt là vào mùa khô. Còn bụi PM 2,5, trung bình ngày trong 20 năm qua luôn luôn cao hơn tiêu chuẩn cho phép. So với thế giới, với bụi PM 10 thì chúng ta chỉ thấp hơn một vài nước Tây Á như Ấn Độ, Bangladesh. Còn với bụi PM2.5 thì chúng ta luôn ở nhóm nước cao nhất thế giới.
“Vài năm trở lại đây, nghiên cứu về bụi nano thì tôi thấy có một bất cập là hiện chúng ta chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn cho bụi nano. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu quan trắc tại Gia Lâm và Đại học Bách khoa Hà Nội thì thấy rằng hàm lượng bụi nano trong không khí của chúng ta cũng cao hơn rất nhiều nước. Nguy hiểm là bụi nano có thể đi vào khí quyển, đi vào máu, gây ra các bệnh cực kỳ nghiêm trọng. Với các chất ô nhiễm dạng khí SO2, NO2 và benzen… thấy rằng, khí NO2 trong nhiều năm đều vượt quy chuẩn ở khu vực nội thành. Ozon có dấu hiệu vượt ngưỡng trung bình giờ của QCVN 05:2013/BTNMT”, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho hay.
Nguyên nhân phát sinh ô nhiêm từ giao thông chiếm đến 40%, đốt sinh khối là 13%, công nghiệp thép và xi măng là 19%, đốt than đá 17%, Sulfata thứ cấp 7,8% và bụi bốc lên từ đất chiếm 3,4%. Riêng bụi nano thì nguồn phát sinh từ giao thông chiếm đến 46%, nguồn thứ cấp là 31%, đun nấu sinh hoạt và kinh doanh nhỏ chiếm 12,23%...
Giao thông là kẻ thù của ô nhiễm không khí
GS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam chỉ rõ "thủ phạm" gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội từ hai nguồn chính, bụi từ giao thông và xây dựng. Hoạt động giao thông làm phát sinh bụi mịn PM2.5, còn xây dựng gây ra bụi có kích cỡ lớn hơn là PM10 nhưng khi rơi xuống đường phố, xe cộ chạy qua lại cũng làm bào mòn bụi PM10 thành mụi mịn. Ngoài ra, số liệu nguồn gây ô nhiễm thứ cấp chiếm khoảng 35% nhưng cũng từ hoạt động xây dựng như xây nhà mới, phá nhà cũ, đào đường, đào hè, xây dựng cầu cống… vì quá trình thi công ở Việt Nam đều không có ý thức bảo vệ môi trường.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, để có giải pháp thì phải kiểm kê phát thải một cách cụ thể, chính xác là bao nhiêu phần trăm từ nguồn nào. Cách đây vài ngày Hà Nội cũng có đưa ra các giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí, song phải giải quyết ngay vấn đề kiểm soát khí thải xe máy, kiểm soát công trình xây dựng thải bụi qua hệ thống camera, xung quanh Hà Nội có số làng nghề tái chế rất lớn, hàng nghìn ống khói tua tủa, phải kiểm soát được. Rồi việc đốt rác rất nhiều, chính các đơn vị thu gom, xử lý rác đốt… Kiểm soát những yếu tố này không khó.
Về ý tưởng thu hồi xe cũ giảm ô nhiễm, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, không ai có thể thu hồi xe được, bởi không có khung pháp lý cho việc thu hồi tài sản cá nhân. Bất chấp những xe máy ấy dù đã rất cũ, gây ô nhiễm, nhưng chúng ta lại không có quy định để định nghĩa thế nào là xe thải bỏ, không được lưu hành. Nhưng bằng cách tiếp cận khác có thể hạn chế được việc lưu hành các loại xe này, chẳng hạn như đặt ra tiêu chuẩn khí thải để cho phép xe được chạy trên đường. Chính quyền nên có quy định kiểm tra khí thải, niên hạn sử dụng xe máy. Nếu công bố mức kiểm tra khí thải 50.000đ/năm thì người nghèo có thể vẫn sẽ chi trả được.
Nguồn: Giao thông dày đặc, bụi thô thành bụi mịn - Khoa học và đời sống (khoahocdoisong.vn)
Không có nhận xét nào