Top Banner

Tìm kiếm


"Thế giới khác" của Phạm Nhật Chinh

 ANTD.VN - Kiên trì theo nghề, họa sĩ Phạm Nhật Chinh sau hơn 10 năm gắn bó cùng bảng vẽ và cây bút màu, sẽ cuộc "trình làng" các tác phẩm nghệ thuật với người xem. Đó là những bức họa được anh sáng tác sau những giấc mơ lạ lùng. 

Phạm Nhật Chinh có một cuộc sống ẩn mình trong ngôi nhà cũng là xưởng vẽ của mình bên kia cầu Long Biên. Vượt lên những khó khăn rất đời thường ấy và cả sự cô độc, điều đáng trân trọng ở Phạm Nhật Chinh là tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và ý chí kiên trì theo nghề đến cùng.

Nhật Chinh cho biết, anh đến từ huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa (Đồng Lương, Lang Chánh, Thanh Hóa). Ở nơi ấy anh đã gắn bó cả thời thơ ấu với những ngọn núi nhấp nhô và xa xa là những đám mây bay lững lờ. Khung cảnh đẹp và con người thuần khiết đã reo vào lòng anh những ước mơ nho nhỏ của con trẻ nhưng lại là động lực để anh đi tiếp trên hành trình sáng tạo. Đó là vẽ và tạo ra cái đẹp.

"Thế giới khác" của Phạm Nhật Chinh ảnh 1

Tác phẩm trưng bày tại triển lãm

Cũng giống như bao đứa trẻ ở miền sơn cước gắn liền với cái nghèo, Nhật Chinh đã tập vẽ trên nền đất, trên nền nhà như một sự vô thức cho tình yêu gắn bó với cái đẹp. Rồi theo năm tháng, anh lớn lên và mất tới 3 năm để thi đỗ vào khoa Sư phạm nghệ thuật Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Những tưởng, sau khi ra trường, anh sẽ trọn đời làm công tác giảng dạy, thì cá tính nghệ sĩ lại trỗi dậy. Và từ đó đến nay, Nhật Chinh đã chính thức bước chân vào con đường sáng tạo với tư cách là một nghệ sĩ tự do.

Tất nhiên, đi liền với quyết định này, Nhật Chinh đã lập tức đối mặt với những khó khăn về "cơm áo gạo tiền". Anh đã làm nhiều công việc khác nhau để "lấy ngắn nuôi dài". Chính vì thế, để có được triển lãm cá nhân lần này là sự cố gắng và nỗ lực của cá nhân anh trong khoảng thời gian khá dài.

"Thế giới khác" của Phạm Nhật Chinh ảnh 2

Họa sĩ Phạm Nhật Chinh

Nhật Chinh cho biết, ngay từ nhỏ, anh đã có những giấc mơ kỳ lạ và anh luôn coi đó là một phần trong cuộc sống của mình. Thậm chí, anh tin nó luôn tồn tại. Bị ám ảnh với những giấc mộng dài, Nhật Chinh đã vẽ về nó, về những khoảnh khắc lóe lên trong tâm trí. Những giấc mơ ấy đã được tái hiện trong tranh và trở thành một thế giới riêng của Nhật Chinh, đầy màu sắc, bí ẩn và nhiều tầng lớp, chiều cạnh. Các tác phẩm được họa sĩ vẽ theo phong cách trừu tượng và bán trừu tượng.

“Đó là thế giới được trộn lẫn giữa giấc mơ và đời thực, một thế giới bồng bềnh không góc cạnh, không sắc lẹm hay gai góc mà mềm mại, đa dạng, đa chiều, đa màu sắc. Nó thường xuyên chập chờn trong tâm trí tôi, nhưng sẽ tan chảy nếu tôi muốn chạm đến”, họa sĩ chia sẻ.

"Thế giới khác" của Phạm Nhật Chinh ảnh 3

Bằng cách phá bỏ hình hài sự vật, để chỉ giữ lại những nét cảm xúc, cảm giác về chúng, tác phẩm của Nhật Chinh đã khơi gợi trong lòng người thưởng lãm những xúc cảm thẩm mỹ, dẫn họ bước vào thế giới của nội cảm, khiến họ suy tư về cuộc đời và về chính mình - một tiểu hành tinh đầy bí ẩn mà chính họ cũng không hiểu hết được. Đứng trước tranh của Nhật Chinh, người xem không chỉ ngắm nhìn bằng mắt, mà phải bằng tất cả tâm tưởng.

Nhà phê bình Bùi Quang Thắng cho rằng, cái tên của triển lãm "Thế giới khác" đã thể hiện rất rõ quan điểm nghệ thuật của Phạm Nhật Chinh. Với anh ấy nghệ thuật không nhất thiết phải phản ánh hiện thực nào đó ở thế giới mà chúng ta đang sống mà nghệ thuật có thể sáng tạo ra những gì lạ lẫm ở một thế giới khác. Thế giới khác ấy có khi là sự “nhìn thấy” một không gian thần bí hay hoang phế ở đâu đó mà chính họa sỹ cũng không biết, có khi là những thực thể có hình dáng, hành vi giống như con người nhưng lại không phải con người.

"Muốn tạo ra một “thế giới khác”, người nghệ sỹ phải có cách đặc biệt, tương thích để khách thể hóa cái thế giới đó ra. Bởi nếu dùng ngôn ngữ hội họa thông thường, định kiến của thị giác sẽ ngăn cản người tiếp nhận nhìn thấy cái khác thường mà người nghệ sỹ muốn biểu đạt", nhà phê bình nói.

"Thế giới khác" của Phạm Nhật Chinh ảnh 4

Ở triển lãm này, Phạm Nhật Chinh làm tranh khổ lớn và sử dụng các chất liệu phụ gia để gây hiệu quả mạnh về thị giác. Những mảng nổi, xù xì, những liên kết bề mặt bằng những sợi gai kết hợp với màu sắc chính là ngôn ngữ chủ đạo trong các bức tranh. Nó có khả năng tác động tức thì, mạnh mẽ đến người xem qua mắt thường.

Thêm nữa, các tác phẩm điêu khắc trong triển lãm này của họa sĩ sẽ tương hỗ cho những bức tranh, khiến người xem có một cảm quan tổng thể. Chính ấn tượng thị giác đầu tiên ấy sẽ hút người xem vào các tác phẩm: Có người sẽ cảm thấy rờn rợn, có người sẽ cảm thấy lâng lâng, có người cảm thấy hưng phấn…

Đem lại cho người xem cảm xúc tức thì (dù tiêu cực hay tích cực) thì người nghệ sỹ đã rất thành công trong việc dẫn người xem đến một thế giới khác lạ mà họ chưa từng biết.

Triển lãm "Thế giới khác" của họa sĩ Phạm Nhật Chinh sẽ khai mạc vào chiều ngày 19-12 và kéo dài đến hết ngày 23/12/2020, tại Vicas Art Studio (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội).

Nguồn: "Một thế giới khác" của Phạm Nhật Chinh (anninhthudo.vn)

Không có nhận xét nào