'Nhật ký phi công tiêm kích' truyền cảm hứng cống hiến cho đất nước
Hơn 50 năm từ ngày người lính Nguyễn Đức Soát ghi nhật ký và luôn mang nhật ký theo trong túi áo bên ngực trái kể cả lúc bay. Hôm nay, “cuốn nhật ký được bảo đảm bằng sinh mệnh của người viết” đã được công bố.
Nhật ký cá nhân mang chiều kích thế hệ
Nhật ký phi công tiêm kích được tác giả ghi chép liên tục theo chiều thời gian suốt từ ngày 20.3.1966 khi sang Liên Xô học lái máy bay đến ngày 31.12.1972 - một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, và theo trục không gian trải từ ngôi trường Không quân Krasnodar đến những ngày hè bên bờ Hắc Hải (Liên Xô), từ Bệnh viện quân y 108 đến doanh trại nơi chân núi của Trung đoàn Không quân anh hùng 921, từ những sân bay chiến đấu Đa Phúc, Thọ Xuân, Kiến An, Kép… đến Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Không quân nơi chùa Trầm…
Vượt lên những suy tư, xúc động, nỗi niềm của một thanh niên, nhật ký này mang theo chiều kích của tiếng nói cả một thế hệ! Một thế hệ tuổi 20 đi đánh Mỹ, để lại sau lưng ước mơ, nỗi nhớ, tình yêu, gia đình… để lên đường chiến đấu, một lòng một dạ vì quê hương, với tinh thần tận hiến cho Tổ quốc, cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh!
Đó là những con người không sợ gian khó, không sợ hy sinh, chỉ sợ bệnh tật, chỉ sợ không có cơ hội để góp mặt nơi chiến trường. Họ sẵn sàng chiến đấu, khát khao lập công, quyết tâm chiến thắng kẻ thù không phải cho chiếc huy chương trên ngực áo riêng mình, mà là cho đồng đội, cho chiến công của đơn vị, cho chiến thắng cuối cùng của dân tộc! Một thời tuổi trẻ sôi nổi, tuổi trẻ quên mình, tuổi trẻ hiến dâng!
Thiêng liêng nhất là những dòng viết cho Tổ quốc, cho đất nước, cho dân tộc. Tha thiết nhất là những dòng viết về quê hương nhìn từ không trung, nhìn từ ký ức tuổi thơ, nhìn từ câu chuyện người thân. Thương cảm nhất là những dòng viết cho đồng đội, có người không còn được tiếp tục chiến đấu, có người phải vĩnh viễn ra đi vào “đại dương thứ năm”.
Hào hùng nhất là những trang viết về những trận đánh địch trên bầu trời với lòng quả cảm, sự mưu trí, kỹ năng chiến đấu và tinh thần hiệp đồng quyết chiến quyết thắng! Sôi sục nhất là những dòng viết với lòng căm thù giặc sâu sắc, mạnh mẽ, khi chúng đã đem bom đạn đến đây tàn phá đê điều, nhà máy, xóm làng…, đã giết chết trẻ em đến trường, người dân trên đồng và những đồng chí đồng đội thân yêu.
Thông điệp truyền cảm hứng
Nhật ký phi công tiêm kích là một kho sử liệu với đầy ắp những tư liệu chi tiết, cụ thể, chính xác, chân thực, đáng tin cậy cho ai muốn tìm hiểu về Không quân Nhân dân Việt Nam với những trận đánh, chiến thuật, mưu lược cùng phác thảo chân dung các phi công anh hùng của chúng ta, cho ai muốn hiểu về cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ và cuộc chiến tranh nhân dân anh hùng của dân tộc Việt Nam, và cho cả ai muốn tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam trong giai đoạn lịch sử 1965 – 1975 này.
Bên cạnh đó, cuốn sách có nhiều đoạn lấp lánh chất văn chất thơ, với những câu chữ đầy tính biểu tượng, nhiều liên tưởng bất ngờ bởi sự tài hoa của một người lính trẻ.
Đây là cánh đồng: “Lúa đang chín. Màu vàng nhạt của những bông lúa mùa trĩu hạt trôi mãi ra xa như một tấm thảm. Gió khe khẽ hát. Gió thu thường mát và dịu như ánh trăng. Một cánh cò đơn độc, một tiếng hò, mấy con trâu ăn cỏ ngon lành bên đồi, bọn trẻ nhỏ bận quần cụt nô chạy quanh đống lửa bập bùng trong ánh chiều… làm mình sống lại những ngày của tuổi thơ”. Và cả những vần thơ: Bài thơ mùa xuân: Muốn viết tặng em bài thơ mùa xuân/Những vần thơ xanh màu đất nước/Những vần thơ trong ngần câu hát/Những vần thơ dịu ngọt tiếng mẹ ru…
Nhật ký phi công tiêm kích có những đoạn thấm đậm chất triết lý từ những suy tư, cảm xúc được lý tưởng cách mạng thăng hoa trở thành thông điệp truyền cảm hứng: “Chính những người đang tìm và giữ mầm sống ngay trong chết chóc là những người yêu cuộc sống nhất, thiết tha cuộc sống nhất. “Tổ quốc ơi! Người gian lao hơn mọi điều tôi biết. Người sâu xa hơn mọi điều tôi đã nghĩ. Đứng trên đồi cao này, một lần nữa tôi đã hiểu thêm rằng cuộc đời tôi đã được hiến trọn cho đất nước…”.
Một tác phẩm xứng đáng có mặt nơi đầu giường của một lớp thanh niên mới mang khát vọng lập công cho đất nước trong thời đại mới!
Trung tướng Nguyễn Đức Soát (nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN) sinh năm 1946, quê quán: Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Tây (Hà Nội). Ông nhập ngũ ngày 4.7.1965 và trở thành phi công tiêm kích MIG-21, SU-22, SU-27. Ông đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ và được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Cuốn Nhật ký phi công tiêm kích do NXB Trẻ ấn hành
Không có nhận xét nào