Chuyển đổi các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội
ANTD.VN - Các nhà máy nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô của Hà Nội liệu có thể trở thành các không gian sáng tạo cho người dân Hà Nội? Đây là chủ đề được đưa ra bàn thảo tại buổi tọa đàm "Chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo" do tạp chí Kiến trúc tổ chức.
Buổi tọa đàm vừa diễn ra sáng ngày 16-12 tại Hà Nội. Bài trình bày của PGS.TS Phạm Thúy Loan cho biết, Hà Nội hiện nay thiếu rất nhiều không gian xanh và không gian công cộng. Và cơ hội đã cải thiện tình hình đã mở ra với quy hoạch di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô.
Tuy nhiên, với những khảo sát mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện, với diện tích các nhà máy đã di dời hiện nay, 90% trong số ấy đã biến thành các tòa nhà chung cư và trung tâm thương mai, chỉ 1% thành trường học và số ít khác để làm đường.
Trong khi ấy, với những diện tích rộng lớn và lưu lại lịch sử của một giai đoạn lịch sử đã qua của đất nước, các nhà máy này có thể trở thành di sản. Và việc bảo tồn nó có thể thực hiện theo hướng bảo tồn nguyên trạng, một phần hay nửa phần. Tất nhiên, để được trở thành di sản công nghiệp cũng cần có những đánh giá cụ thể từ phía hội đồng.
Ảnh chụp nhà máy xe lửa Gia Lâm |
Việc đưa các nhà máy thành di sản công nghiệp không phải là việc hiếm gặp trên thế giới. Và càng không hiếm gặp hơn khi nơi đây biến thành các khu vui chơi, các không gian sáng tạo cho người dân. UNESCO đã từng công nhận hàng chục nhà máy như thế trở thành Di sản thế giới. Việc tạo ra các không gian sáng tạo vừa mang lại nguồn thu cho chính quyền, người dân, vừa tạo ra các không gian giải trí, vui chơi cho nhiều tầng lớp nhân dân.
TS Trương Ngọc Lân, Trường Đại học Xây dựng trong bài trình bày của mình đã làm rõ hơn những giá trị độc đáo của các nhà máy nằm trên địa bàn Hà Nội. Những kiến trúc độc đáo từ thời Pháp thuộc cho tới những dấu ấn của thời kỳ xây dựng miền Bắc XHCN từ sau năm 1954 đều thể hiện rất rõ ở nhà máy Thuốc lá Thăng Long xây dựng năm 1957, nhà máy cao su Sao Vàng xây dựng năm 1957, nhà máy bia Hà Nội xây dựng năm 1890, nhà máy xe lửa Gia Lâm xây 1905... Những dấu ấn kiến trúc này hoàn toàn khác biệt và không thể trộn lẫn với các nhà máy khác. Chính vì thế, nếu nói rằng đây là các di sản công nghiệp cũng hoàn toàn đúng.
TS. Trương Ngọc Lân còn cho rằng, các nhà máy cũ của Hà Nội phù hợp để làm không gian sáng tạo bởi nơi đây có không gian rộng lớn, có thể sử dụng linh hoạt (cả trong nhà, ngoài trời, có thể ngăn chia). Hơn thế, các nhà máy cũ lại có kiến trúc độc đáo, hình thức không gian, cấu trúc, chi tiết, vật liêu khác với không gian dân dụng thông thường, khơi gợi những ý tưởng mới mẻ. Đồng thời, các nhà máy này lại nằm ở nội đô của Hà Nội, dễ dàng thu hút đông đảo người dân tới tham dự.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Trở lại vấn đề trọng tâm của buổi tọa đàm là làm thế nào để biến các nhà máy này trở thành các không gian sáng tạo cho Hà Nội khi mà Thủ đô đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO? Các diễn giả đã bàn đến khái niệm cơ bản về không gian sáng tạo. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, các không gian sáng tạo cần tạo ra sự cởi mở đối với tất cả người dân, tạo được cảm xúc cho những ai đặt chân tới để kích thích sự sáng tạo của họ. Và rằng các không gian sáng tạo này còn cần tạo mối thân thiện với môi trường, được đặt ở những nơi có chất lượng không khí không ở mức tím (mức có hại cho sức khỏe), có quan hệ tốt với những người dân xung quanh....
Ông Nguyễn Đức Hùng, Viện Phó Viện Quy hoạch Hà Nội cho biết, từ năm 2008, Hà Nội mở rộng diện tích gấp 4 lần, từ 900 lên gần 3.000 km vuông. Theo quy hoạch Thủ tướng duyệt nằm 2001, Hà Nội hình thành đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Trong đô thị trung tâm có khu đô thị lịch sử gồm 4 quận là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 1 phần Hồ Tây khoảng hơn 1.000 ha. Sau khi di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô, không gian đó sẽ ưu tiên phát triển không gian công cộng, xây dựng cơ sở hạ tầng và xã hội. Ví dụ sau khi di dời nhà máy bia, có ý tưởng sẽ xây dựng bảo tàng bia một phần, phần còn lại có thể xây dựng trường học và không gian cây xanh.
Ông Nguyễn Đức Hùng cho rằng, không phải tất cả các nhà máy đều trở thành di sản và không gian sáng tạo. Ngoài việc chuyển đổi các nhà máy, Hà Nội còn thực hiện việc cải tạo các chung cư cũ. Từ đó sẽ tái thiết việc hình thành không gian trong nội đô và phát triển không gian vui chơi cho mọi người. Tuy nhiên, ông Hùng cũng băn khoăn khi biến các nhà máy thành các không gian sáng tạo sẽ lấy nguồn lực nào để thực hiện?
Nhà máy thuốc lá Thăng Long |
"Các nhà máy có chức năng khác, có hình thái khác, nếu chuyển sang trường học, không gian vui chơi sẽ làm thế nào để giữ được hình thái cũ nhưng tạo chức năng mới", ông Hùng thắc mắc.
Tất nhiên, trong khuôn khổ buổi tọa đàm, thắc mắc của ông Hùng chưa được giải đáp ngay. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, việc di dời các nhà máy cũ đã nằm trong quy hoạch, còn sau đó Hà Nội có ý tưởng biến những chứng nhân của lịch sử thành không gian sáng tạo hay chỉ một phần còn phụ thuộc vào những đánh giá, những ý tưởng của giới sáng tạo và cả những quy hoạch cụ thể.
Nguồn: Chuyển đổi các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội (anninhthudo.vn)
Không có nhận xét nào