Top Banner

Tìm kiếm


'Siêu sân bay' Long Thành sẽ được xây ra sao ?

 Tháng 12 tới, hạng mục đầu tiên của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ chính thức được khởi động, sau khi “siêu sân bay” này vừa được Thủ tướng thông qua.

Phối cảnh bên trong nhà ga của sân bay Long Thành	 /// ACV


Phối cảnh bên trong nhà ga của sân bay Long Thành
ACV
Theo đó, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ có 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 109.111 tỉ đồng, tương đương 4,664 tỉ USD, thực hiện từ 2020 đến 2025. Nhu cầu sử dụng đất giai đoạn 1 của dự án khoảng 2.668 ha gồm 1.810 ha đất để xây dựng sân bay giai đoạn 1, khoảng 136 ha đất cho hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 (ngoài phạm vi 5.000 ha), 722 ha tập kết đất dư thừa xây dựng giai đoạn 1 để dự trữ phục vụ cho các giai đoạn tiếp theo (thuộc phạm vi 5.000 ha).
Giao thông kết nối trực tiếp với sân bay gồm tuyến số 1 nối cảng với QL51, quy mô 6 làn xe, tuyến số 2 nối sân bay với cao tốc TP.HCM - Long Thành quy mô 4 làn xe và các nút giao.
Trong đó, các hạng mục xây dựng chính của Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm xây dựng đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m, chiều rộng 75 m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; xây dựng nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373.000 m2.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV ACV, hạng mục đầu tiên dự kiến thực hiện ngay trong tháng 12.2020 là thi công hàng rào sân bay.

Áp dụng công nghệ AI

Thủ tướng cũng yêu cầu Cảng hàng không quốc tế Long Thành áp dụng các công nghệ hiện đại và có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành khai thác theo tiêu chuẩn quốc tế, tương đương các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới.
Trước đó, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án do đơn vị tư vấn JFV liên danh nhà thầu Nhật - Pháp - Việt thực hiện đã đề xuất áp dụng hàng loạt công nghệ hiện đại vào quản lý, khai thác sân bay Long Thành. Đáng chú ý, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) sẽ lần đầu tiên được áp dụng vào các hệ thống làm thủ tục hành khách, xuất nhập cảnh, nhằm hỗ trợ việc nhận dạng, danh tính của hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay)...
Tư vấn cũng thiết kế công nghệ tự động hóa hiện được áp dụng cho các nhà ga mới của các sân bay lớn trên thế giới như Incheon T2, Changi T4…, cho các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật tự động tại sân bay Long Thành. Theo đó, các hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục hàng không, hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục ký gửi hành lý… đều tự động.
Ngoài ACV chịu trách nhiệm các hạng mục chính, dự án thành phần 2 (công trình phục vụ quản lý bay) được giao cho Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư. Trong đó, hạng mục quan trọng nhất là đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123 m với các công nghệ mới nhất hiện nay, phục vụ phát triển lâu dài của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Dự án thành phần 1 (công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước) sẽ giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như hải quan, công an, công an cửa khẩu, cảng vụ… bố trí nguồn vốn. Trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP hoặc BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao). Với dự án thành phần 4 là các công trình khác sẽ do Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư.

Không có nhận xét nào