Top Banner

Tìm kiếm


“Đi trốn”- tiểu thuyết mới của nhà văn Bình Ca: Câu chuyện đẹp về những cuộc đời đẹp

ANTD.VN - Năm năm sau ngày “Quân khu Nam Đồng” ra đời và “gây sốt” suốt một thời gian dài, tái bản đến lần thứ 16, tác giả Bình Ca lại vừa cho ra đời cuốn tiểu thuyết thứ 2 “Đi trốn”. “Đi trốn” kể về hành trình của những đứa trẻ, vì phạm phải những lỗi lầm nho nhỏ rồi sợ hãi và rủ nhau vào tận nơi rừng sâu để người lớn không tìm thấy mà trách phạt. Với ngôn ngữ kể trong trẻo, cuộc trốn chạy đó đôi lúc khiến người đọc lầm tưởng mình đang đi “phượt” cùng các nhân vật và đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, lúc lại nghẹt thở như đang xem một bộ phim kinh dị với những cuộc chiến sinh tồn nơi rừng thiêng nước độc…

Đọc tiểu thuyết mà cứ ngỡ mình đi… “phượt”

Những dòng đầu tiên của cuốn sách, tác giả đã nói rõ ràng rằng “Tất cả nhân vật chính đều được xây dựng bởi sự tưởng tượng của tác giả. Vì vậy, nếu tình cờ có những chi tiết trùng với sự thật đã xảy ra ở một nơi nào đó, tác giả xin được miễn trách”, cẩn thận là thế, nhưng Bình Ca sao bắt được người đọc đừng “đoán già đoán non” rằng rất có thể, những nhân vật đó, những chi tiết đó, tác giả từng được tham gia, từng là nhân vật chính, từng được nghe kể và từng tận mắt thấy…

Ngay cả những hang, những động, những dòng sông luồn qua lòng núi mà chảy tác giả đã miêu tả trong “Đi trốn” cũng khiến cho người đọc nhiều liên tưởng. Bởi lẽ, sao đoạn tả này giống non nước Tràng An, những đàn chim di cư phương Bắc về đậu kín cả một góc đầm sao giống Vân Long thế. Đàn voọc quần đùi trắng đó, đúng là ở Ninh Bình còn gì….

Đem những thắc mắc này hỏi Bình Ca, ông phủ nhận: “Tôi đã thanh minh rằng đây là chuyện bịa, nên không gian, bối cảnh đều bịa. Không có một nơi nào giống hệt như khu rừng kỳ ảo các bạn trẻ đi trốn. Tuy nhiên, tôi thừa nhận cảnh quan trong truyện thuộc địa phận các khu rừng núi, hang động miền Bắc cách đây hơn nửa thế kỷ. Nhiều bạn liên hệ nó với Ninh Bình, nhưng cũng có bạn nghĩ nó giống Hang Én hay các hang động khác ở Quảng Bình hoặc Hà Nam...”

Không biết có bạn đọc nào như tôi không, dù trực tiếp hỏi tác giả, dù tác giả đã thanh minh nhưng khi đọc đến dòng cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, tôi vẫn một mực tin rằng, bối cảnh của tiểu thuyết chắc phải là Tràng An, là Tam Cốc - Bích Động là đầm Vân Long cò bay trắng chân trời... Tự dưng cái cảm giác nhớ đến rất thật, muốn trở lại những địa danh này, được khoan thai đếm nhịp chèo đò lướt nhẹ trên những dòng sông cổ tích.

Tác giả bảo “đây là tiểu thuyết về đề tài chiến tranh”, nhưng người đọc là tôi lại nghiêng về ý kiến của biên tập viên nhà sách Nhã Nam - nơi đỡ đầu cho sự ra đời của “Đi trốn”, đó là cuốn sách ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã và mối quan hệ cân bằng của nó với con người. Và thú thực, nếu tác giả bảo, đây là cuốn sách quảng bá cho du lịch thì hẳn là sẽ rất thành công, vì nghe Bình Ca tả “siêu ngọt”, chắc chắn có rất nhiều người vì yêu mến cuốn sách, mà tìm về với “nguyên mẫu”.

“Đi trốn”- tiểu thuyết mới của nhà văn Bình Ca: Câu chuyện đẹp về những cuộc đời đẹp ảnh 2

“Đi trốn”, cuốn sách do NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam phối hợp phát hành

Trẻ con thì thời nào cũng vậy…

Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là những đứa trẻ “con nhà cán bộ kháng chiến”, sinh ra vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, chiến tranh, phải xa rời bố mẹ. Lứa tuổi mẫu giáo thì ở Trại nhi đồng Khe Khao, ATK Chợ Đồn, Bắc Kạn. Lớn chút nữa thì sơ tán về những miền quê cùng ăn, cùng ở, cùng học với những đứa trẻ ở địa phương. Suốt cả một chặng dài, thế hệ 5X đó, kể từ khi sinh ra và lớn lên đều ở thời điểm đất nước có chiến tranh, mưa bom bão đạn mấy chục năm vần vũ trên đầu…

Thế nhưng, trẻ con thì thời nào cũng vậy, những nhân vật như Tự Thắng, Thảo, Việt Bắc, Linh… hiện lên qua ngòi bút của tác giả Bình Ca cứ trong veo. Nào là kỹ năng rửa đít cho lũ “nhi đồng thối tai”, rửa bằng tay hay bằng chân cũng là cả một cuộc đấu tranh của cô Tụy Phương. Hay là chuyện, mới ở tuổi đi nhà trẻ mà đã biết “chống đối” lệnh ị theo giờ bằng cách nhờ bạn bên cạnh ị hộ. Lớn lên chút nữa thì nghịch ngầm, kiểu như tẩm giẻ vào đuôi con chuột rồi đốt, con chuột quáng quàng chạy lên mái nhà lợp giấy dầu, suýt nữa thì thiêu rụi cả phố…Trưởng thành hơn thì biết chui vào hang chứa vũ khí mãi tận núi Long Ẩn, ăn trộm kíp nổ chỉ đơn giản là chế tạo tàu vũ trụ.

Cái chuyện “nghịch ngu” đã dẫn lũ trẻ đến với bài học đầu đời. Đi trốn để người lớn không tìm thấy, không tìm thấy thì không trách tội được. Cả lũ rủ nhau vào Hồ Mây trốn và chuyến đi ban đầu tưởng đùa hóa ra lại là bi kịch với cái chết của Sơn. Có vẻ như, tác giả Bình Ca rất ưu ái nhân vật Tự Thắng, con một ông tướng trong quân đội, nhưng có lẽ ai đọc “Đi trốn” cũng đều dành tình cảm đặc biệt cho Sơn, một cậu bé lớn lên ở vùng quê - nơi đám trẻ thành phố sơ tán về tá túc. Một cậu bé có gia cảnh “cực kỳ đặc biệt” biết đàn ca sáo nhị, biết những bài thuốc trị thương, trị rắn độc cắn, biết hy sinh vì bạn bè, biết tôn trọng thiên nhiên và đặc biệt là niềm tin tôn giáo…

Đâu đó tôi đọc trên trang mạng xã hội cá nhân của tác giả Bình Ca, có bạn đọc trách ông rằng, sao để cho nhân vật Sơn chết. Một cái chết nhẹ nhàng vào đoạn kết của tiểu thuyết. Vẫn biết, quyền sinh quyền sát của mỗi nhân vật trong truyện thuộc về tác giả nhưng cái chết của Sơn chính là sự thức tỉnh cho đám trẻ hiếu động ngày ấy. Chúng sẽ phải làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó và phải sống thật đẹp để sống thay cả cuộc đời của bạn.

Nếu phải lựa chọn giữa hai từ “hay” và “đẹp” để nói về “Đi trốn” tôi sẽ chọn chữ “đẹp” mặc cho tác giả Bình Ca có đồng ý hay không. Và cho đến bây giờ, khi cuốn sách thứ 2 ra đời, Bình Ca vẫn cứ luôn thắc mắc rằng: “Sao cứ đặt câu hỏi cho tôi giống như phỏng vấn một nhà văn chuyên nghiệp vậy?” Bởi lẽ, ông quan niệm, văn chương là một cuộc chơi, nếu đã lỡ chơi phải chơi cho đẹp. Và lý do “Đi trốn” ra đời theo như lời tác giả thề là thật 100%: “Năm nay có dịch Covid-19, trẻ con phải nghỉ học dài ngày. Vợ tôi đi Sài Gòn trông cháu. Không còn ai cấm đoán. Ngồi nhà mãi cũng buồn, tôi mở máy gõ linh tinh, thế là cuốn tiểu thuyết ra đời. Bản đầu viết trong khoảng hai tháng gì đó. Chỉnh sửa thêm chút rồi đem in. Đơn giản thế thôi!”.

Trong 5 năm, hai cuốn sách ra đời, đoán là cuốn sau chắc sẽ hút độc giả chẳng kém gì cuốn trước, nhưng Bình Ca vẫn luôn tự nhận mình là tay ngang và tìm đủ các lý do “tình cờ” để giải thích cho sự hiện diện của tác phẩm. Nhưng mặc kệ việc ông từng nói là phải “cắm cả sổ đỏ vì văn chương” hay là: “chả ai sống nổi bằng văn chương, nếu bạn thấy ai viết văn thì nên hiểu gia đình đó thuộc hộ nghèo”… với hai tác phẩm này, thì dù Bình Ca cố tình cự tuyệt, vẫn phải chúc mừng, ông đã bước cả hai chân trên con đường của một nhà văn chuyên nghiệp. Và những bạn đọc đã trót yêu mến “Quân khu Nam Đồng” hay “Đi trốn” bắt đầu nghĩ tới cuốn sách thứ 3 của nhà văn Bình Ca, tại sao không?

 Nguồn: Câu chuyện đẹp về những cuộc đời đẹp (anninhthudo.vn)

Không có nhận xét nào