Top Banner

Tìm kiếm


Giải pháp giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất

 (Xây dựng) - Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, tại khu vực miền núi và miền Trung, cùng với hiện tượng bão lũ xảy ra dữ dội cả về tần suất lẫn mức độ, hàng loạt các vụ sạt lở đất gây thiệt hại rất lớn cả về tài sản và tính mạng cho người dân.

giai phap giam thieu thiet hai do sat lo dat

Đánh giá về các tác động thiệt hại, các nhà chuyên môn đã đưa ra phân tích về sự khác biệt nguy hiểm của sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với các hình thái thiên tai phổ biến khác như: Gió, bão, lũ lụt và động đất. Rất khó có thể dự báo thời gian và địa điểm xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với dự báo về gió, bão, lũ lụt. Hầu như không thể dùng các biện pháp công trình để chống đỡ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với việc có thể thiết kế kết cấu chịu được gió bão, động đất. Thêm đó, các quy định hiện nay trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lựa chọn địa điểm xây dựng, khảo sát địa chất - địa hình để xây dựng lán trại, doanh trại, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét còn khá khiêm tốn.

Dưới góc độ kiến trúc quy hoạch đô thị, có thể thấy rõ một phần nguyên nhân gây nên thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng con người là do việc bố trí hệ thống công trình xây dựng và nhà ở còn chưa đúng và tôn trọng hình thái và đặc điểm địa hình của khu vực hiện hữu. Đặc biệt thiếu nghiên cứu các đặc điểm về địa hình, địa mạo, địa chất - thủy văn, khí hậu. Quá trình xây dựng công trình thậm chí còn can thiệp thô bạo và địa hình tự nhiên dẫn đến không những làm giảm mà còn làm trầm trọng thêm mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của thiên tai.

Sạt lở đất hiện tượng thiên tai có sức tàn phá rất lớn, thường xảy ra đồng thời khi có nhiều các hiện tượng thiên tai và thời tiết khắc nghiệt khác. Chính vì thế, để giảm thiểu các tác động rủi ro của sạt lở đất đối với công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình dân sinh, cần áp dụng đồng thời nhiều nhóm giải pháp bao gồm nhóm giải pháp về quy hoạch và nhóm giải pháp công trình.

Giải pháp quy hoạch

Quy hoạch xây dựng công trình tại khu vực đồi, núi... cần tính toán nguy cơ rủi ro về thiên tai sạt lở đất. Tại các khu vực có nhiều nguy cơ sạt lở, xây dựng bản đồ đánh giá nguy cơ và dự báo sạt lở đất tại khu vực xây dựng phục vụ công tác quy hoạch quản lý đô thị cũng như thiết kế, đầu tư xây dựng công trình.

Hệ thống bản đồ dự báo Chống sạt lở đất là một hệ thống có tầm quan trọng quốc gia, có mục tiêu chính là xác định, ghi lại và đánh dấu trên bản đồ tỷ lệ 1: 10.000 tất cả các khu vực, điểm sạt lở có khả năng dễ bị lún đất, cung cấp chúng với dữ liệu đầy đủ và chính xác để hiệu quả quản lý rủi ro trượt lở đất.

Thực hiện quy hoạch các công trình hạ tầng xây dựng tại các vị trí ít chịu ảnh hưởng của sạt lở đất. Kiên quyết không cho người dân sinh sống trong các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Bố trí trồng cây xanh cách ly, với các chủng loại cây có khả năng cố kết đất, cũng chịu được điều kiện sống trên các vùng đất có nguy cơ sạt lở như tre, nứa...

Quy hoạch tôn trọng tối đa các điều kiện tự nhiên, hạn chế tối đa việc san - gạt tác động thô bạo đến địa hình, địa mạo, địa chất thổ nhưỡng của khu vực, giữ ổn định tối đa tình trạng địa chất hiện hữu của khu vực. Đối với các khu vực bất khả kháng, thực hiện quy hoạch tổ chức các khoảng cách ly an toàn, hoặc hệ thống mương phân lũ giúp chuyển dòng lũ bùn đổ sang hướng có lợi, tránh tác động trực tiếp đến khu dân cư, công trình xây dựng, công trình hạ tầng.

Giải pháp công trình

Dựa trên bản đồ quan trắc sạt lở đất, ưu tiên quy hoạch và xây dựng công trình xây dựng, đặc biệt là hệ thống các công trình dân sinh tại các vị trí thuận lợi, ít chịu tác động của sạt lở đất.

Trong khuôn viên công trình, bố trí hệ thống gờ phân lũ kiên cố bằng bê tông hoặc đá tự nhiên với nhiều tầng bậc (như mô hình ruộng bậc thang) kết hợp trồng cây cổ thụ để hạn chế sức tàn phá tác động vào công trình khi có thiên tai xảy ra.

Thiết kế kết cấu công trình cần tính toán gia cố kết cấu cả phần thân và phần móng, đảm bảo khả năng chống chịu tối lực xô ngang của dòng đất sạt lở khi có thiên tai xảy ra.

Về kiến trúc công trình, tại phần mặt tiền công trình đối diện trực tiếp với vùng sạt lở đất, hạn chế bố trí cửa sổ hoặc sử dụng các vách kính lớn, thay vào đó, ưu tiên bố trí các vách kiên cố lớn bằng bê tông cốt thép, có độ kiên cố lớn để giảm thiểu việc dòng đất bùn xuyên sâu vào bên trong công trình, gây phá vỡ về cấu trúc kết cấu, cũng như gia tăng mức độ thiệt hại.

ThS.KTS Phạm Hoàng Phương
Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/giai-phap-giam-thieu-thiet-hai-do-sat-lo-dat-292212.html

Không có nhận xét nào