Cô giáo 17 năm bám bản, giải cơn 'khát chữ' cho học trò Điện Biên
Không điện, không sóng điện thoại, thiếu nước sạch, thời tiết khắc nghiệt… cô Lê Thị Loan vẫn kiên trì bám bản gieo chữ, chăm lo cho học sinh như con em trong nhà.
Đó là những gì giáo viên cắm bản vùng đồng bào dân tộc Cống tại bản Huổi Moi, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đối diện đã lâu. Song họ vẫn ngày đêm quyết tâm bám bản, bám trường gieo chữ.
Vì trò mà cố gắng
Do ảnh hưởng của mưa lũ, con đường dài chừng 30km nối trung tâm xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) với bản Huổi Moi vốn đã khó đi nay lại càng khó khăn hơn với những con dốc trơn trượt, lổn nhổn đá hộc, hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ. Ấy vậy mà đây là con đường mà cô Lê Thị Loan, giáo viên trường Mầm non Pa Thơm, phụ trách điểm bản Huổi Moi vẫn đi lại mỗi tuần để mang thực phẩm và cái chữ đến cho con em đồng bào dân tộc Cống nơi đây.
Nằm cheo leo bên sườn đồi, điểm trường Mầm non bản Huổi Moi có cơ sở vật chất đơn sơ với 2 phòng ngủ, 1 phòng học, 1 gian bếp được quây bằng tôn chống nóng và cũng chỉ vừa mới được nâng cấp từ nhà gỗ lên vào tháng 7 vừa qua. Đây là điểm trường khó khăn nhất, nhì của xã Pa Thơm, xã nằm sát đường vành đai biên giới của hai nước Việt Nam – Lào.
Cả điểm trường bản Huổi Moi có 8 học sinh và 1 giáo viên phụ trách nên cô giáo Loan vừa dạy chữ, vừa chăm lo cho bữa ăn, giấc ngủ của các con. Bước vào tuổi 51, cô Loan trải qua nhiều gian truân với hơn 17 năm đứng lớp ở các điểm bản khó khăn khác của xã Pa Thơm. Riêng điểm bản Huổi Moi này cũng là năm thứ 3.
“Dân bản họ bảo, cô đi một mình từ trung tâm về đây thế cô không sợ à, chúng em sợ lắm, chúng em đi nương hái măng, hái rau rừng phải có “Xong Cô” – là hai người đấy”, cô Loan chia sẻ.
Bữa trưa với gói mì tôm úp vội, cô Loan lại cặm cụi chất bếp lo cho đám trẻ nhỏ bữa ăn nhẹ vào cuối giờ học buổi chiều. Đầu tuần, thực phẩm mới được mang vào nên cả lớp sẽ có một bữa chè đỗ đen ngon. Với cô, lũ trẻ giờ chẳng phải học sinh nữa mà giống như con, cháu trong nhà. Đôi lúc đang dạy chữ, dạy múa, cô lại tạm ngừng để ôm các cháu vào lòng, lau đi những giọt nước mắt còn vương trên má vì nhớ bố mẹ.
Ban ngày, lớp học rộn ràng, cô trò đều vui song tối đến, trò trở về nhà, còn lại cô Loan trong căn phòng giữa heo hút rừng núi, không ít lần khiến cô chạnh lòng.
“Sóng điện thoại trong này yếu nên là phải đi hứng sóng. Nhiều khi đang gọi cho gia đình lại mất sóng nên phải dừng cuộc gọi lại để đi tìm chỗ, cứ giơ giơ lên trời, bắt được sóng chỗ nào mình gọi tiếp. Với giáo viên bám bản gieo chữ, thời điểm buồn nhất là khi dân bản ăn cơm, đoàn tụ gia đình, mình thì chẳng có gia đình ở bên. Ngày nào cũng phải khóc một lần vì buồn, nhớ nhà”, cô Loan bật khóc.
Cũng bởi nghề đã “chọn” người
Bản Huổi Moi có 31 hộ chia ra làm 2 cụm dân cư độc lập là Huổi Moi và Buôm Em với khoảng 130 nhân khẩu và chưa có hộ nào vượt qua danh sách hộ nghèo. Ở cụm dân cư Huổi Moi, vùng đất khắc nghiệt đầy nắng gió, phóng thẳng tầm mắt có thể nhìn thấy đất bạn Lào, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn từ trồng trọt đến chăn nuôi.
Bởi vậy người dân trong bản luôn thấu hiểu chỉ có kiến thức, cái chữ mới đem lại tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng dân tộc Cống ít người nơi đây. Họ luôn dành mọi điều kiện thuận lợi, sự quan nhất cho những giáo viên cắm bản, mang con chữ đến cho con em mình.
“Các thầy, các cô rất tốt, nhiệt tình dạy dỗ trẻ. Con cháu học tập ngoan ngoãn, học giỏi, biết chữ mới biết làm ăn, tương lai sẽ sáng hơn. Mong cô giáo luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc”, trưởng bản Huổi Moi – Lò Văn Sam nói.
Cô Vũ Thị Nhớ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cho biết: Trường Mầm non Pa Thơm có 1 điểm trung tâm và 5 điểm trường lẻ với tổng cộng 103 học sinh là con em đồng bào dân tộc ít người. Ngoài Huổi Moi còn nhiều điểm trường khác gặp những khó khăn như: Buôm En, Púng Bon, Pa Thơm… tuy nhiên mỗi cán bộ giáo viên trong nhà trường đều nêu cao quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ gieo chữ trên miền đất này.
Những con số biết nói như tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 100%. Hơn thế, học sinh ở đây tiến bộ từng ngày trong việc nhận diện chữ viết, số. Kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp của các em dần thay đổi, không còn dè dặt nhút nhát như xưa. Nhiều em đã chủ động chia sẻ được ước mơ, hoài bão về tương lai trở thành những cán bộ hay có kiến thức để trở về xây dựng và bảo vệ quê hương.
“Đây là nghề chúng tôi chọn, đã chọn rồi phải vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, để từng chút, từng chút một gom nhặt kiến thức cho các con. Trước đây, học sinh điểm bản Huổi Moi không giao tiếp với cô giáo vì các con gần như không được tiếp xúc với người lạ. Thế nhưng từ khi có thầy cô về cắm bản, các em tiến bộ nhiều, mạnh dạn, tự tin hơn”, cô Vũ Thị Nhớ tâm sự.
(Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại)
Không có nhận xét nào