Top Banner

Tìm kiếm


Cần lắm tác phẩm về người lính thời bình

 Suckhoedoisong.vn - Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã sản sinh ra một binh chủng đặc biệt tập hợp những nhà văn mặc áo lính và Bộ đội Cụ Hồ trở thành nhân vật trung tâm của văn học một thời, kéo dài suốt 20 năm từ Chín năm làm một Điện Biên đến Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước như nhà thơ Tố Hữu từng viết.

Có những tác phẩm ra đời trong chiến tranh để lại dấu ấn sâu sắc và lâu bền trong lòng bạn đọc của các nhà văn cách mạng như Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Huỳnh Văn Nghệ, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Nguyên Ngọc… (thời chống Pháp), Phạm Ngọc Cảnh, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Nam Hà, Thu Bồn, Thanh Thảo… (thời chống Mỹ). Sau năm 1975, dòng văn học chiến tranh vẫn được kéo dài với sự điềm tĩnh, sâu sắc, đa chiều trong cách nhìn, cách phản ánh hiện thực đúng với những gì nó xảy ra như là sự bổ sung cho thiếu hụt của các trang viết thời trước.

Hình ảnh người lính trong thơ ca cách mạng Việt Nam.

Hình ảnh người lính trong thơ ca cách mạng Việt Nam.

Những người lính thời bình gánh vác nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và dựng xây đất nước với muôn vàn gian khổ, nhiều thiệt thòi, hi sinh mà không phải ai cũng thấy. Nếu chỉ nhìn vào màu áo, so sánh đồng lương họ được hưởng thì chắc chắn không thấu hiểu hết hoàn cảnh cũng như tinh thần, trách nhiệm của người lính thời bình. Là một người lính viết văn, làm báo trong quân đội, tôi may mắn được đặt chân đến nhiều vùng biên cương heo hút hay biển đảo mênh mang, từ Trường Sơn đến Trường Sa, từ chóp nón Hà Giang đến đất Mũi Cà Mau… Tôi hiểu được sức chịu đựng không hề bé nhỏ của người lính từ đời sống thường nhật, nỗi cách xa đầy thương nhớ, công việc của họ. Và sự hi sinh nữa, không thể không nhắc đến; Đâu phải chỉ lặng thinh mà già, đã có những người lính ngã xuống giữa thời bình ở nhà giàn vùng DK1, quần đảo Trường Sa, những nẻo biên giới ẩn chứa bao hiểm họa, vùng đất chưa gỡ hết bom mìn, nơi dân bị thiên tai... Chẳng nói đâu xa, cuối tháng 10 năm 2020, trong cơn lũ lụt lịch sử ở miền Trung, hàng chục người lính từ thiếu tướng đến binh nhì đã bị đất đá vùi lấp khi đi làm nhiệm vụ cứu dân. Những địa danh như Rào Trăng, Hướng Phùng khiến chúng ta nhức nhối. Thế đấy, xin ai đừng nghĩ rằng người lính thời bình chỉ có luyện tập thao trường hay tăng gia sản xuất. Họ phải căng mình để gìn giữ chủ quyền đất nước, vẫn phải miệt mài học tập nắm vững kiến thức khoa học tiên tiến để xây dựng quân đội chính quy hiện đại, vẫn có mặt trên những công trình quan trọng. Cuộc sống người lính thời bình rất đa dạng, phong phú và không phải không có những bi kịch trong đời tư. Một ví dụ dễ thấy, thời hạn một sĩ quan hay quân nhân chuyên nghiệp công tác ở nhà giàn DK1 hay Trường Sa là khoảng 8 tháng đến 1 năm. Giữa họ với người thân có một khoảng cách xa xôi được đo bằng xấp xỉ vài ba trăm đến gần nửa nghìn hải lý. Cuộc đời vốn trong đục gần kề và nhiều giăng mắc cạm bẫy, không phải người vợ, người yêu nào của họ cũng vững lòng chờ đợi, son sắt giữ gìn. Nói thế ta đủ hình dung ra cái hạnh phúc của người lính thời bình đâu dễ được bảo hiểm bởi lòng chung thủy.

Nói thật, tôi cảm thấy văn chương nước nhà hiện thời chưa thật công bằng với người lính. Có cảm giác hình ảnh người lính có phần mờ nhạt nếu không muốn nói là bị coi nhẹ. Tác phẩm viết về người lính thời bình vừa thiếu, vừa yếu, nói chung là chưa tương xứng với sự cống hiến của họ. Tôi nghĩ quân đội không bao giờ là mảnh đất hiện thực cỗi cằn, phai bạc đối với người viết nếu không muốn nói nó vẫn rất hấp dẫn với các nhà văn. Trong khi mảng văn học viết về quá khứ khá đậm đà và có nhiều thành tựu, văn học có xu hướng thời thượng ăn khách kiếm được lợi nhuận phát triển thì văn học viết về người lính èo uột, được chăng hay chớ. Vì sao? Phải chăng là chưa có sự đầu tư đúng mức hay đó là do quan niệm của người viết bây giờ. Khi nhiều nhà văn chưa thấy được chân dung, diện mạo người lính thời bình, khi nhân vật người lính bị đẩy ra khỏi trung tâm hiện thực đời sống, khi đội ngũ nhà văn tâm huyết với đề tài người lính đang ít dần và sự bổ sung từ thế hệ trẻ cũng không đáng kể. Tôi có cảm giác những người viết trẻ ngại ngần với đề tài người lính, đặc biệt là người lính thời bình.

Có lẽ nào đã qua rồi, đã xa rồi thời không có sách chúng tôi làm ra sách, những người lính cầm bút viết về mình như một nhu cầu, một đòi hỏi, một dòng chảy mạnh mẽ. Cũng không còn nhiều lắm những nhà văn tâm huyết với việc viết về người lính, viết cho người lính, viết vì người lính. Nếu thực thế thì chao ôi, người lính thời bình chịu thiệt thòi biết bao!

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn: Cần lắm tác phẩm về người lính thời bình (suckhoedoisong.vn)


Không có nhận xét nào