Giải thưởng kiến trúc Pritzker 2022: Ai là chủ nhân?
(Xây dựng) - Giải thưởng kiến trúc Pritzker, một giải thưởng thành tựu trọn đời nổi tiếng nhất trong giới kiến trúc, được ví tương đương với giải Nobel, đã được trao cho các kiến trúc sư xuất sắc kể từ năm 1979.
Ai là chủ nhân Giải thưởng kiến trúc Pritzker 2022?
Năm 2022, lần đầu tiên, Giải thưởng kiến trúc Pritzker được trao cho một kiến trúc sư người châu Phi, đó là Diébédo Francis Kéré đến từ Burkina Faso. Kéré đã được sinh ra tại một ngôi làng không có điện, không có nước sạch và cũng không có trường học. Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, Burkina Faso là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
"Kiến trúc trước hết là phục vụ con người. Kiến trúc tạo ra một môi trường trong đó con người có thể phát triển bản thân, cảm thấy hạnh phúc và làm chủ được hạnh phúc như những gì mà người ta hay nói" - ông chia sẻ trong bài phát biểu nhận giải.
Ông Kéré, 56 tuổi, đã vui vẻ tự gọi mình là "người hạnh phúc nhất trên trái đất" sau khi giành được giải thưởng kiến trúc Pritzker. Khái niệm "hạnh phúc" mà ông nói đến không chỉ là hạnh phúc của bản thân, mà là "hạnh phúc" ông đã ban tặng cho những người khác thông qua kiến trúc.
Hành trình đi tìm chân lý
Kéré đã phải rời quê hương từ năm 7 tuổi để tới ở nhờ nhà một người chú của mình. Ông cũng là người đầu tiên trong làng đi học. Nơi ông tới học là một ngôi trường ở thị xã Tenkodogo, cũng là cơn ác mộng thời thơ ấu đối với Kéré. Do khu nhà dạy học này được xây dựng bằng xi măng nên thiếu sự thông thoáng và ánh sáng cần thiết. Mỗi ngày, trong lớp học, ông và hơn 150 bạn cùng lớp bị mắc kẹt trong một môi trường cực kỳ khắc nghiệt suốt nhiều giờ. Thời điểm đó, Kéré đã thề rằng một ngày nào đó mình sẽ biến ngôi trường thành một nơi tốt đẹp hơn.
Năm 1985, Kéré rời quê hương một lần nữa để đến Berlin, Đức theo học bổng nghề mộc của quỹ Carl Duisberg. Tại đó, ông theo học các khóa học về lợp và làm đồ nội thất vào ban ngày và các khóa học trung học vào ban đêm. Sau 10 năm, ông lại được nhận học bổng để vào Đại học Kỹ thuật Berlin, nơi sau đó ông đã tốt nghiệp năm 2004 với bằng cấp cao về Kiến trúc.
Năm 2005, Kéré thành lập công ty kiến trúc của riêng mình, mang tên Kéré Architecture. Năm 1998, khi đó vẫn đang học đại học ở Đức, đã quyết định xây dựng một ngôi trường cho ngôi làng nơi mình sinh ra. Không có tiền và mới chỉ là một sinh viên, nhưng vô số những điều kiện khách quan này không ngăn cản Kéré hành động.
Ông bắt đầu với các bản vẽ thiết kế và phải tiến hành một đợt kêu gọi gây quỹ. Khi trở về quê hương với bản thiết kế trong tay và số tiền gây quỹ được, ông đã vấp phải một sự phản kháng rất lớn. Tất cả là bởi ông có ý định sử dụng đất sét tại địa phương làm vật liệu chính, và nó vốn bị coi là thứ không thể chống lại những cơn mưa.
Không nản lòng, ông chống lại áp lực từ sự nghi ngờ của mọi người và tốn rất nhiều tâm sức để thuyết phục những người dân làng vốn không được học hành. Rồi cuối cùng ông cũng vận động được mọi người đồng ý xây dựng trường học theo thiết kế của mình. Tất cả mọi người trong làng đều tham gia xây dựng trường học. Do không có máy móc thi công hiện đại nên mọi công việc thi công chỉ có thể tiến hành theo cách truyền thống.
Công trình trường học này cuối cùng được hoàn thành vào năm 2001. Những bức tường làm bằng gạch đất sét, một mái nhà bằng thiếc rộng để che chắn khỏi mưa gió. Lớp trần nhà bên trong công trình cũng được làm từ hai loại vật liệu này. Phần tốt nhất của tòa nhà này chính là hệ thống thông gió có thể điều chỉnh nhiệt độ. Do khu vực tọa lạc của tòa nhà là nơi trống trải không bóng râm, nhiệt độ lúc nóng nhất lên tới gần 450C. Thế nhưng, nhiệt độ bên trong của tòa nhà do Kéré thiết kế có thể giảm nhiệt độ xuống dưới 360C.
Trong hàng loạt kế hoạch mở rộng tiếp theo của dự án trường Gando, ông đã thể hiện một vai trò quan trọng không kém kỹ năng thiết kế kiến trúc. Để xây dựng một hầm đất sét đặc biệt, ông và nhóm của mình đã cùng nhảy thẳng lên một mái vòm được đúc sẵn để chứng minh với những người dân làng rằng "mái hầm có thể nâng đỡ trọng lượng của chúng tôi". Khi thấy nó đủ cứng cáp, dân làng không còn bất kỳ ngại ngần nào, đồng lòng bắt tay vào làm.
Thư viện của trường Gando cũng là một kiệt tác khác của kiến trúc sư Kéré. Những người phụ nữ địa phương đã làm những chiếc bình đất sét và xếp hàng để giao chúng đến công trường. Những chiếc bình đất nung sau đó được cắt đôi và đặt trên mái của thư viện, nơi bê tông được đổ xuống và biến chúng thành lỗ thông hơi của tòa nhà. Và đây là những lỗ thông cho phép khí nóng thoát ra ngoài và để ánh sáng lọt vào.
Trong toàn bộ quá trình xây dựng, Kéré đã nỗ lực sử dụng khả năng giao tiếp tuyệt vời của mình để đào tạo kiến thức và kỹ năng về kỹ thuật xây dựng cho nhóm dân làng có tỷ lệ biết chữ dưới 25% này. Kéré, người đã giành được Giải thưởng kiến trúc Pritzker ngày hôm nay, đã trở thành niềm tự hào của làng Gando.
Đánh giá của ban giám khảo Giải thưởng kiến trúc Pritzker 2022
Theo đánh giá của ban giám khảo Giải thưởng kiến trúc Pritzker, các tác phẩm của Kéré được đánh giá cao là bởi ở một nơi có khí hậu khắc nghiệt và kinh tế kém như các nước châu Phi, điều cần thiết ở một kiến trúc sư là phải biết sử dụng các vật liệu địa phương như đất sét, đá granie và gỗ để xây dựng các công trình chất lượng cao theo điều kiện mỗi vùng.
"Kéré là một ngọn hải đăng không thể thay thế trong thế giới kiến trúc. Ông ấy cho chúng ta thấy kiến trúc đương đại có thể phản ánh và phục vụ nhu cầu của mọi người trên thế giới như thế nào, bao gồm cả nhu cầu thẩm mỹ, của các dân tộc trên khắp thế giới", ban giám khảo của Giải thưởng Kiến trúc Pritzker cho biết.
Tài năng ở chỗ, Kéré không chỉ có khả năng xây dựng các công trình ở các nước châu Phi để mang lại lợi ích cho người dân địa phương, ông còn có các công trình thiết kế rất hiện đại ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới như Đan Mạch, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ.
Khánh Phương
Nguồn: Giải thưởng kiến trúc Pritzker 2022: Ai là chủ nhân? | Thế giới (baoxaydung.com.vn)
Không có nhận xét nào