Độc đáo quy trình dùng tay làm giấy từ phân voi ở Thảo Cầm Viên
Từ tháng 2/2022 tới nay, 5 chú voi ở Thảo Cầm Viên (quận 1, TPHCM) ngoài việc phục vụ du khách tham quan mỗi ngày, chất thải của chúng đang được một nhóm cộng tác viên, nhân viên ở đây dùng để nghiên cứu và chế tạo ra giấy.
Ở nhiều nước trên thế giới, việc sản xuất giấy chất lượng cao bằng phân voi đã không quá xa lạ. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc làm ra giấy từ phân động vật là một khái niệm hoàn toàn mới và ít người thực hiện.
Từ hơn 6 tháng nay, anh Mai Khắc Trung Trực - Giám đốc Xí nghiệp động vật thuộc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn - đã cùng một nhóm cộng tác viên có tên Poo poo papers lên ý tưởng và làm thử nghiệm giấy từ phân voi.
Anh Trung Trực chia sẻ, anh cùng nhóm có ý tưởng biến phân voi thành giấy nhằm mục đích kêu gọi mọi người bảo vệ rừng, ngôi nhà của các loài động vật thông qua việc hạn chế và sử dụng giấy đúng mục đích, đồng thời tái chế giấy đúng cách.
"Đây là sự nỗ lực của các bạn sinh viên trong nhóm Poo poo papers, các bạn đang ở năm cuối phải hoàn thành đồ án tốt nghiệp. Thảo Cầm Viên là nơi phù hợp nhất để thực hiện và phát triển ý tưởng vì vừa có voi vừa có các cơ sở vật chất thuận lợi cho việc thực hiện ý tưởng", anh Trực nói.
Hiện ở Thảo Cầm Viên có 5 chú voi được nuôi và chăm sóc, mỗi ngày 5 chú voi này thải ra khoảng 500kg phân tươi. Tuy nhiên, ý tưởng đang trong quá trình thử nghiệm nên anh Trực chỉ thu khoảng 3 - 5kg phân mỗi lần để phục vụ cho việc làm giấy, số còn lại được công ty môi trường mang đi xử lý.
Phân tươi sau khi được anh Trực mang về cân và rửa sạch bằng nước, mọi công đoạn hoàn toàn được làm thủ công bằng tay.
Phân sẽ được vắt khô nước bằng tay, rửa qua nhiều lần nước sạch đến khi không còn mùi và loại bỏ hoàn toàn nước tạp chất, chỉ lấy phần xơ sạch để dùng làm nguyên liệu chế biến giấy.
Theo anh Trực, chất lượng của giấy có tốt hay không phụ thuộc nhiều vào thức ăn của voi. Thức ăn của chúng chủ yếu là mía và cỏ, con nào ăn ít mía, ít cỏ thì xơ nhiều, phân làm giấy sẽ không tốt, nếu voi ăn phần thân mọng nước và ngọn mía nhiều thì chất lượng phân sẽ tốt hơn cho việc làm giấy.
Xơ sạch sẽ được mang phơi nắng nếu thời tiết thuận lợi, nắng to thì thường chỉ cần phơi một ngày là xong.
Bạn Nguyễn Kiều Tuyết Ngân (22 tuổi) cộng tác viên của nhóm Poo poo papers cầm trên tay phần xơ đã xử lý từ phân voi. Khoảng 5kg phân tươi thì sẽ cho ra khoảng 2kg xơ.
Xơ sau khi phơi khô sẽ được thu gom và mang đi xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố.
"Vì làm số lượng ít và đang trong giai đoạn thử nghiệm nên quy mô vẫn còn nhỏ, nhóm chỉ cần dùng máy xay sinh tố là vừa đủ dùng. Để tăng tính kết dính cho giấy, nhóm đã nghĩ ra công thức là cho thêm bột nở, giấy vụn vào để xay cùng, nguyên liệu vừa dễ kiếm mà còn có thể tái chế lại giấy vụn", Tuyết Ngân chia sẻ.
Sau khi xay nhuyễn nguyên liệu, khoảng 100g hỗn hợp này sẽ được pha loãng với 6 lít nước sạch, dùng khuôn để nhúng vào lấy một lớp mỏng bột giấy lên khuôn.
Được biết, nhóm cũng tự chế tạo ra hai loại khuôn giấy theo khổ a3 và a4 để phục vụ quá trình sản xuất giấy thủ công.
Khuôn giấy sẽ được mang ra phơi trên một lớp vải mỏng được lót trên bề mặt kính để giấy không bị dính. Nếu trời nắng, thì chỉ cần phơi 6 - 8 tiếng đồng hồ là có thể cho ra giấy thành phẩm.
Huỳnh Lê Dương Ngọc (22 tuổi) thành viên của nhóm Poo poo papers cho biết, một kg xơ sau khi chế biến sẽ cho ra khoảng 20 tờ giấy theo khổ A3 hoặc A4.
"Những sản phẩm đầu tiên nhóm làm ra trước đây rất thô sơ và chất lượng còn kém, gần như không thể sử dụng được. Nhưng trải qua nhiều lần thất bại và thử nghiệm thì hiện giờ giấy thành phẩm đã tốt hơn rất nhiều. Nhóm sẽ cố gắng cải thiện thêm chất lượng của giấy trong thời gian tới và hi vọng ý tưởng sẽ được nhân rộng", Dương Ngọc cho hay.
Hiện tại, giấy làm ra từ phân voi đang được nhóm Poo poo papers sử dụng để làm một số sản phẩm như giấy vẽ, thiệp trang trí.
Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu và cải thiện thêm chất lượng của giấy, đồng thời có thêm nhiều ý tưởng mới về việc sử dụng phân động vật vào thực tế.
Nguồn: Độc đáo quy trình dùng tay làm giấy từ phân voi ở Thảo Cầm Viên | Báo Dân trí (dantri.com.vn)
Không có nhận xét nào