Top Banner

Tìm kiếm


Xây dựng công trình ven biển, hải đảo nhiều khó khăn

 (Xây dựng) - Hiện nay, việc sử dụng vật liệu xây dựng cho công trình ven biển, hải đảo còn nhiều khó khăn. Thách thức này sẽ lớn hơn khi Việt Nam triển khai thực hiện “Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

xay dung cong trinh ven bien hai dao nhieu kho khan
Công trình trên biển, hải đảo cần sử dụng vật liệu xây dựng chuyên dùng.

Nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cho công trình biển đảo gia tăng

“Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua tại Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018. Chiến lược có mục tiêu tổng quát là “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh”, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.

Chiến lược nêu rõ: Ưu tiên phát triển các ngành Kinh tế biển (KTB), nhất là du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành KTB mới…

Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành phát triển đô thị và phát triển các trung tâm KTB mạnh.

Hoàn thành trên 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau, ưu tiên đoạn ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Phấn đấu đến năm 2030, quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển bằng 65-70% GDP cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đầy đủ, nhất là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục.

Ngày 05/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP Ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Các bộ, ngành cũng đã xây dựng các đề án, dự án, nhiệm vụ để triển khai Chiến lược phát triển bền vững KTB trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Điển hình, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển VLXD phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025, tại quyết định 126/QĐ-TTg, ngày 25/1/2019…

Điều này cho thấy, các công trình vùng biển và hải đảo sẽ gia tăng trong thời gian tới, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cho các công trình đặc thù này gia tăng.

Việc sử dụng vật liệu xây dựng cho các công trình khu vực ven biển, hải đảo nhiều khó khăn

ThS. Lê Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), người chủ trì Dự án SNKT “Điều tra, khảo sát hiện trạng tình hình sử dụng vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo. Dự báo nhu cầu về các chủng loại vật liệu xây dựng đến năm 2025” cho biết: Qua khảo sát cho thấy cả nước hiện có 19 khu kinh tế ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha; có 330 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 97 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65,9 nghìn ha.

Cùng với sự phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, đã hình thành các dịch vụ xã hội, nhà ở cho chuyên gia, nhà quản lý, người lao động. Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu xây dựng cho các công trình khu vực ven biển và hải đảo còn nhiều khó khăn. Bởi vật liệu xây dựng chuyên dụng trong công trình ven biển, hải đảo không có sẵn. Nhất là trên các hải đảo, nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ hầu như không có. Hiện nay, tất cả các loại vật liệu xây dựng đều phải vận chuyển từ đất liền ra. Quá trình vận chuyển phức tạp. Trong khi đó, vật liệu xây dựng là loại hàng hóa cồng kềnh, nặng nề, có kích thước và khối lượng lớn, khi vận chuyển cần đến phương tiện có tải trọng lớn.

Thứ nữa, vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình vùng biển và hải đảo có yêu cầu chất lượng, có đặc tính riêng nên thường không có sẵn trên thị trường, giá thành cao.

Việc xây dựng các công trình trên biển luôn là thách thức lớn đối với các nhà thầu, cả về kỹ thuật thi công, lẫn điều kiện thi công. Công trình đòi hỏi những thiết bị thi công chuyên dụng nhưng lại dễ rủi ro vì luôn gặp thiên tai, bão gió.

Nguồn lực lao động trên các đảo cũng thương được đưa từ đất liền ra, nên chi phí nhân công cũng tăng lên đáng kể.

Để phục vụ việc lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho các công trình trên biển và hải đảo, Bộ Xây dựng đã công bố tập định mức xây dựng công trình trên biển và hải đảo từ những năm 2000, cơ bản đã bao gồm các công tác thi công chủ yếu trên đảo và trên biển. Tuy nhiên, những định mức này đến nay nhìn chung đã lạc hậu do sự phát triển của kỹ thuật - công nghệ.

Trong khi đó, trên thực tế, việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong thi công công trình khu vực biển, đảo ngày càng phổ biến. Việc thiếu các định mức, định mức không phù hợp với các công nghệ thi công đã gây nhiều khó khăn cho các chủ thể có liên quan khi lập dự án đầu tư và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, phần nào đó ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả, tiến độ thực hiện dự án.

Từ thực tế trên, ThS. Lê Đức Thịnh và nhóm tác giả Dự án SNKT cho rằng Nhà nước cần có chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các loại vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình xây dựng ven biển và hải đảo có tính năng bền trong môi trường xâm thực.

Cùng với đó, khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng ở các khu vực ven biển; đầu tư xây dựng các bến cảng, thiết bị vận chuyển, bốc xếp vật liệu xây dựng trên các đảo.

Và nhất là Nhà nước sớm ban hành các định mức dự toán phù hợp với công tác xây dựng, quản lý các công trình xây dựng ven biển và hải đảo…

Minh Hằn

Nguồn: Xây dựng công trình ven biển, hải đảo nhiều khó khăn | Vật liệu (baoxaydung.com.vn)

Không có nhận xét nào