Top Banner

Tìm kiếm


Đô thị thông minh giúp các thành phố phục hồi sau đại dịch

 (Xây dựng) - Đây là một trong những nội dung được được đề cập tại Hội nghị thành phố thông minh (TPTM) Việt Nam – ASOCIO 2021 do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) đồng tổ chức, các ngày 2 – 6/11/2021, trên nền tảng trực tuyến.

do thi thong minh giup cac thanh pho phuc hoi sau dai dich
ASOCIO 2021 được tổ chức trực tuyến, kết nối 70 điểm cầu trực tuyến đến từ 12 quốc gia, nền kinh tế trong khu vực và nhiều địa phương trong cả nước.

Dịch Covid-19 thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng đô thị thông minh

Với chủ đề "TPTM trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam quốc tế", ASOCIO 2021 gồm nhiều chuyên đề như Chính quyền số, Bất động sản thông minh, Bất động sản công nghiệp thông minh, Chuyển đổi số cho sản xuất, nhà máy thông minh, Các nền tảng giải pháp số, Startup (khởi nghiệp) với TPTM.

ASOCIO 2021 kết nối 70 điểm cầu trực tuyến đến từ 12 quốc gia, nền kinh tế trong khu vực và nhiều địa phương trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, phát triển đô thị thông minh (ĐTTM), TPTM đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và các vùng miền.

ĐTTM giúp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa và cho phép đạt được các mục tiêu như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, quản lý đô thị tinh gọn, bảo vệ môi trường hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện và tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm…

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 ĐTTM tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi ĐTTM tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới ĐTTM trong khu vực và thế giới…

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Với sứ mệnh dẫn dắt và định hướng quá trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sớm ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho phát triển ĐTTM bao gồm: Khung tham chiếu công nghệ thông tin (ICT), Bộ chỉ số phát triển ĐTTM (chỉ số KPI) và các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ, tiện ích ĐTTM…

Tuy nhiên, phát triển TPTM (smart city) là vấn đề mới không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các quốc gia đi trước, đòi hỏi liên tục phải tìm hiểu, trao đổi, đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn cả trong nước và quốc tế để triển khai.

Đề cập tầm quan trọng của việc phát triển TPTM, Chủ tịch ASOCIO, ông David Wong nhận định: Đến năm 2050, khoảng 70% dân số thế giới sẽ sinh sống tại các đô thị. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra thêm những thách thức như bất bình đẳng xã hội, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm nguồn nước và các vấn đề sức khỏe liên quan. Do đó, việc xây dựng các ĐTTM là hết sức cần thiết. Xây dựng một TPTM bền vững cần phải có tầm nhìn, quyết tâm và chiến lược dài hạn mạnh mẽ.

Đồng tình với quan điểm đại dịch COVID-19 thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng ĐTTM, Chủ tịch VINASA, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, xây dựng ĐTTM và chuyển đổi số là một yếu tố quan trọng hàng đầu giúp phục hồi sau đại dịch.

Điều này được thể hiện qua sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng, dịch vụ công trực tuyến, giáo dục thông minh, y tế thông minh, quản lý điều hành, dịch vụ an sinh xã hội…

Phát triển ĐTTM không thể tách rời quá trình chuyển đổi số

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển ĐTTM cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng: Phát triển ĐTTM không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương. Sự chia sẻ và liên kết giữa các thành phố, cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ trong xu hướng này sẽ giúp các thành phố trở lại nhịp độ phát triển, cuộc sống của người dân sẽ sớm bình an, thịnh vượng.

Ông Nguyễn Văn Khoa cũng cho rằng: Cùng với chuyển đổi số, TPTM đang trở thành phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa.

Trong lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số giúp quản lý hiệu quả và đem lại những trải nghiệm tốt hơn cho người sử dụng. Các khu ĐTTM sẽ là tương lai của các dự án bất động sản, góp phần nâng cao chất lượng trải nghiệm và tiện ích cho cư dân, với mục tiêu xây dựng các thành phố trở thành các đô thị đáng sống.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp thông minh, nhà máy, sản xuất thông minh cũng đang bắt đầu được các tỉnh, thành phố, các ban quản lý khu công nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư.

Tại các hội nghị chuyên đề, đại diện các chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước đã tham luận và chia sẻ thông tin nhiều nội dung liên quan đến triển ĐTTM, như cần nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quản trị dữ liệu một cách tổng thể để áp dụng trong phát triển TPTM tại Việt Nam…

Minh Hằng

Nguồn: Đô thị thông minh giúp các thành phố phục hồi sau đại dịch | Xã hội (baoxaydung.com.vn)

Không có nhận xét nào