Luật Nhà ở: Tạo dựng hành lang pháp lý quan trọng cho chính sách phát triển nhà ở
(Xây dựng) - Sau hơn 6 năm tổ chức thi hành Luật Nhà ở năm 2014, các chính sách về phát triển nhà ở đã cơ bản giải quyết được nhiều bất cập, hạn chế của giai đoạn trước.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn Hà Nội đã phát triển, hoàn thành được 4 dự án nhà ở thương mại (Ảnh: Internet). |
Nhà ở thương mại phát triển bùng nổ
Theo thống kê của các địa phương thì kể từ năm 2014 đến nay, nhiều địa phương như: Thanh Hóa, Vĩnh Phúc,… đã thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức đấu giá hoặc đấu thầu theo quy định của Luật Nhà ở, tuy nhiên vẫn có nhiều địa phương lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại không thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu mà thực hiện thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư (giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đầu thầu hoặc chuyển mục đích sử dụng đất).
Giai đoạn 2015 - 2020, số lượng dự án nhà ở thương mại được triển khai đầu tư xây dựng là khoảng 1.216 dự án. Trong đó, theo số liệu của 02 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh thì: Thành phố Hà Nội phát triển được 21,56 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở thương mại theo dự án (vượt chỉ tiêu đề ra khoảng 1,1 triệu m2, chiếm tỷ trọng 62% trên tổng số m2 sàn xây dựng nhà ở của thành phố); Thành phố Hồ Chí Minh phát triển tổng số 12,5 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở thương mại (vượt chỉ tiêu đề ra khoảng 6 triệu m2, chiếm tỷ trọng khoảng 23% trên tổng số m2 sàn xây dựng nhà ở).
Kết quả trên cho thấy, các quy định về phát triển nhà ở thương mại của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã dần đi vào thực tiễn và tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện đặc biệt là quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại nhằm lựa chọn được các chủ đầu tư có đủ năng lực để triển khai thực hiện dự án, bảo đảm nguồn cung cho thị trường nhà ở và hạn chế, thanh lọc các chủ đầu tư yếu kém, không đủ năng lực thực hiện.
Cơ sở để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Theo số liệu tổng kết của Bộ Xây dựng, hiện nay tại các đô thị trên cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 (tương đương khoảng hơn 3 triệu m¬² sàn) với hơn 100 nghìn hộ dân đang sinh sống, chủ yếu tập trung tại một số địa phương như: Hà Nội có 1.579 nhà chung cư, Thành phố Hồ Chí Minh có 575 nhà chung cư, Hải Phòng có 205 nhà chung cư, Quảng Ninh có 60 nhà chung cư, Phú Thọ có 23 nhà chung cư, Nghệ An có 22 nhà chung cư, Thanh Hóa có 17 nhà chung cư, Cần Thơ có 10 nhà chung cư và tại một số địa phương khác.
Tại Thành phố Hà Nội đã thực hiện kiểm định được 401/1.579 nhà chung cư. Trong số 401 nhà chung cư, chỉ có 8 nhà chung cư nguy hiểm, thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại theo quy định của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP (02 dự án đã hoàn thành năm 2020; 02 dự án đang triển khai và 04 dự án chưa lựa chọn chủ đầu tư). Số chung cư còn lại thành phố đang tiếp tục đánh giá chất lượng và hoàn thành kiểm định trong thời gian tới.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm định được 462/575 nhà chung cư được xây dựng trước năm 1975, trong đó có 15 chung cư thuộc diện phải phá dỡ xây dựng lại theo quy định của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP. Hiện nay, thành phố đã lựa chọn được 10 chủ đầu tư dự án, đang làm thủ tục công nhận 01 chủ đầu tư và 04 dự án cải tạo, xây dựng nhà chung cư đang kêu gọi đầu tư.
Cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ có những bước tiến quan trọng trong cơ sở pháp lý (Ảnh: Internet). |
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã tạo hành lang pháp lý giúp các địa phương có cơ sở để thực hiện các hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư từ khâu kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; lập và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức di dời, phá dỡ, triển khai thực hiện dự án… Một số địa phương thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã đạt kết quả tốt do có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, chính quyền địa phương cũng như việc chủ động bố trí ngân sách, quỹ đất (BT) và huy động tốt nguồn lực xã hội để đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại bảo đảm an toàn và nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, đến nay cũng còn một số địa phương, đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do nhiều nguyên nhân (khách quan, chủ quan) nên tiến độ thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vẫn còn chậm.
Các yêu cầu phát triển nhà ở quy định tại Luật Nhà ở 2014 đã tạo dựng được hành lang pháp lý quan trọng trong việc phê duyệt các dự án nhà ở trong thời gian qua, giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ nguồn cung đáp ứng nhu cầu nhà ở thực tế của người dân thông qua các chương trình, kế hoạch và hướng tới thị trường nhà ở phát triển bền vững trong tương lai.
Từ năm 2014 đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ tại 48/64 địa phương (chưa bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác) có tổng số 1.953 dự án xây dựng nhà ở đã được phê duyệt (trong đó có 319 dự án có diện tích trên 20ha, 1.634 dự án có diện tích dưới 20ha). Trong đó có 1.216 dự án nhà ở thương mại chiếm khoảng 62% tổng số lượng dự án, có 227 dự án nhà ở xã hội chiếm 11.6% tổng số lượng dự án, có 122 dự án nhà ở tái định cư chiếm 6.3% tổng số lượng dự án. Trong số các dự án đã được hình thành thì có 455 dự án nhà ở đã thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở và có 477 dự án thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2014. |
Hà Khánh
Không có nhận xét nào