TP.HCM cần phát triển cho xứng tầm
Đó là ý kiến được đưa ra tại hội thảo “Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” lần đầu tiên do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP tổ chức ngày 17.3.
Thực tế phát triển “thua xa” mục tiêu
Trong bản báo cáo nhiệm vụ quy hoạch do Viện Quy hoạch xây dựng (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) thực hiện, đơn vị tư vấn dự báo đến năm 2040 TP.HCM có khoảng 13 - 14 triệu người (tầm nhìn năm 2060 là 16 triệu người). Trong đó khu vực nội thành cũ có 5 triệu người, TP.Thủ Đức có 1,9 triệu người, khu ngoại thành khoảng 5,6 triệu người, riêng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ có 230.000 người. Về quy mô đất đai xây dựng đô thị, đến năm 2040 có khoảng 100.000 - 110.000 ha bao gồm: khu nội thành phát triển khoảng 35.000 ha và ngoại thành khoảng 50.000 - 60.000 ha.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cho biết kết quả rà soát, đánh giá đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM theo Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng sơ bộ cho thấy, bên cạnh một số thành quả xây dựng TP phát triển, hiện đại “bằng xương bằng thịt” nhưng nếu đối chiếu với mục tiêu thì còn nhiều hạn chế. Bởi Quyết định 24 xác định TP.HCM “là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á”. Thực tế TP.HCM mới chỉ dừng lại ở những chủ trương, cơ chế chính sách, chương trình hành động mà chưa có kế hoạch và mục tiêu cụ thể.
Về định hướng phát triển không gian, Quyết định 24 định hướng mô hình phát triển đô thị của TP.HCM là “tập trung - đa cực”, khu vực trung tâm là khu vực nội thành và 4 cực phát triển. Tuy nhiên, thực tế TP.HCM đang phát triển từ khu trung tâm “loang” ra các khu vực lân cận. Nguyên nhân do các cực xung quanh, cụ thể là dự án, các trung tâm dịch vụ công cộng chưa được hình thành nhằm giảm sức hút đô thị về khu trung tâm hiện hữu. Đối với định hướng hạ tầng kỹ thuật đô thị, theo phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng, hệ khung giao thông theo quy hoạch vẫn chưa hoàn thành kết nối. Với đường hàng không, sân bay hiện hữu Tân Sơn Nhất quá tải, trong khi sân bay Long Thành chưa xây dựng...
“Sự phát triển đô thị TP.HCM trong thời gian qua còn có một sự thật khách quan phản ánh sự yếu kém, hạn chế trong sự phát triển đô thị và quản lý phát triển đô thị. Từ khâu quy hoạch phát triển đô thị đến quản lý, đầu tư, thực thi quy hoạch và quản lý có nhiều điểm bất cập. Bất cập chính của đồ án quy hoạch chung theo Quyết định 24 là bản chất kinh tế của quy hoạch và cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch. TP.HCM cần được xem là “thủ phủ kinh tế” của cả nước, do vậy rất cần trang bị hệ thống cơ chế, chính sách và thậm chí luật riêng để phát triển”, ông Nhã kiến nghị.
Đô thị hiện đại thiếu bóng trực thăng
Lấy dẫn chứng từ TP.Thủ Đức, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM, nói rằng nếu như TP.Thủ Đức dựa trên quy hoạch giao thông hiện có thì rất khó có giấc mơ Phố Đông như của Thượng Hải (Trung Quốc). Chúng ta nói về giấc mơ trung tâm tài chính, đô thị thông minh, đô thị sáng tạo... nhưng e rằng sẽ gặp rất nhiều trắc trở về mặt quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông. “Chúng ta hay nói những TP lớn ở nước ta đều đất chật người đông. Thực ra không phải, TP.HCM với diện tích 2.100 km2, lớn gấp 3 lần về diện tích và dân số gấp 1,5 lần Singapore nhưng Singapore không kêu thiếu đất. Hạ tầng giao thông Singapore bình quân 4,9 km đường/km2 diện tích trong khi TP.HCM chỉ 2,1 km đường/km2, nhưng tại sao đường Singapore nhiều làn xe hơn, diện tích cây xanh cũng nhiều hơn? Chuyện mô hình đô thị phải trả lời cho được là chúng ta chuyển dịch từ cái chúng ta đang có hiện nay sang đô thị hiện đại, thân thiện môi trường và phải có một lộ trình cụ thể. Nếu chúng ta không rõ ràng định hướng, phát triển đô thị sẽ vướng rất nhiều”, ông Nam nói và cho biết, hiện nay TP có nhiều đề án quy hoạch, nhưng số liệu không thống nhất, chênh nhau. Do đó cần tích hợp lại để có sự thống nhất về số liệu, định hướng thời gian phát triển. Quy hoạch tầm nhìn đến 2060, một thời gian dài nên đưa ra một vài “chân lý phát triển”. Làm thế nào để những thế hệ lãnh đạo sau phải tiếp tục chân lý ấy.
Ông Nam cũng chỉ ra thực trạng đáng buồn là TP.HCM thiếu vắng hoạt động của trực thăng vì không có quy hoạch, dù nhiều tòa nhà có sân đỗ như Bitexco, Times Square. Một đô thị hiện đại cần có trực thăng để chở khách VIP, cứu hỏa, cứu thương, cảnh sát giao thông... Vì vậy, nên cần nghiên cứu đưa vào quy hoạch đô thị. “Quy hoạch chung TP.HCM cần chú trọng đến hàng không, tạo hành lang pháp lý để theo đuổi trong tương lai bởi trong 40 năm nữa chúng ta sẽ có những thứ đó”, ông Nam khuyến cáo.
Các chuyên gia đánh giá TP.HCM đang có mô hình đô thị thấp tầng dựa trên giao thông cá nhân, không thể duy trì mãi. TP.HCM cần phát triển theo hướng các đô thị ở Đông Bắc Á như Seoul, Tokyo, Bắc Kinh, Thượng Hải… chứ không nên nhìn sang Tây Á và Đông Nam Á (trừ Singapore). Đây là các đô thị cao tầng dựa trên giao thông công cộng. Theo quy hoạch, TP.HCM cần 21.000 ha làm đường nhưng hiện mới có 8.000 ha do “đất đã làm nhà thấp tầng hết rồi”.
Các hướng, tuyến chậm phát triển
Ông Đặng Vũ Doãn Viện (Viện Quy hoạch - Xây dựng), đồng thời là chủ nhiệm đề án nhận xét, các hướng tuyến trong quá trình phát triển chung của TP còn yếu kém. Cụ thể, đối với hướng chính phía đông vẫn chưa hình thành được các khu đô thị quy mô lớn, đồng bộ. Các dự án đầu tư nhỏ, vị trí phân tán, số lượng nhiều làm ảnh hưởng lớn tới việc kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đây cũng chính là thực trạng tại khu vực TP.Thủ Đức, vốn được xem là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông.
Nếu phát triển tràn lan, khống chế cao độ san nền để chống ngập trực diện thì xu hướng phát triển này không bền vững. Do đó, trong quy hoạch sắp tới TP.HCM cần làm bài toán định lượng tổng khối tích trữ nước của đô thị ở giai đoạn không bị ngập, khối tích trữ nước của đô thị hiện đang bị ngập và dự báo trong tương lai. Nếu phát triển đô thị ở vùng trũng thì các dự án nhà ở phải đáp ứng yêu cầu trữ nước mưa.
TS Phạm Nhật Duy, giảng viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM
Đối với hướng chính phía nam có xu hướng phát triển nhưng vẫn chậm. Dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, hạ tầng tuyến đường chính cơ bản hoàn chỉnh với các dự án đã phát triển, tập trung trong ranh khu nam TP, kéo dài đến khu lân cận. Khu đô thị Hiệp Phước (H.Nhà Bè) từ khi đồ án quy hoạch chung được duyệt đến nay vẫn chưa hoàn thành đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000, hiện gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư để triển khai thành khu đô thị mới. Hướng phụ phía tây - bắc các dự án quy hoạch khu đô thị, khu dân cư có quy mô hoàn chỉnh rất chậm hoặc không triển khai. Khu đô thị tây bắc được quy hoạch là cực phát triển nhưng chưa triển khai dự án dù đã hàng chục năm nay. Hướng chính phía tây, tây nam, ngoại trừ trục đường Nguyễn Văn Linh và khu A - khu đô thị Phú Mỹ Hưng cơ bản được đầu tư hoàn chỉnh về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, còn lại các tiểu khu trung tâm và khu chức năng chưa được đầu tư đồng bộ, manh mún. Việc đầu tư hệ thống giao thông đường bộ và giao thông công cộng của khu nam kết nối với các trục bắc - nam chưa thông suốt, hạn chế phát triển các tiểu trung tâm và các khu chức năng còn lại.
Liên quan vấn đề chống ngập, ông Trần Chí Dũng, Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị TP.HCM, đặt vấn đề: Quy hoạch phải đề ra các giải pháp phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho các huyện vùng trũng như Nhà Bè, Cần Giờ. Đồng thời, làm rõ cốt nền xây dựng cho từng khu vực. Ngoài ra, bản quy hoạch phải xác định nguồn lực cho từng giai đoạn, đảm bảo tính khả thi khi triển khai đồ án.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị TP.HCM, đề nghị đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch chung xác định các dự án cấp bách trong 5 - 10 năm phù hợp với điều kiện, nguồn lực của TP.HCM.
Nguồn:TP.HCM cần phát triển cho xứng tầm | Tài chính - Kinh doanh | Thanh Niên (thanhnien.vn)
Không có nhận xét nào