Top Banner

Tìm kiếm


Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử: Giải quyết bất cập để Thủ đô phát triển bền vững

 Kinhtedothi - Trong nhiều năm qua, khu vực nội đô lịch sử gồm 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã phải chịu rất nhiều sức ép do đô thị hóa. Dân số tăng nhanh trong khi hạ tầng chưa phát triển theo kịp dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu không gian xanh, giá trị di sản ngày một xuống cấp… Nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn nguyên nhân do các quy hoạch phân khu tại 4 quận này chưa được phê duyệt.

Điểm nghẽn quy hoạch
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 xác định, khu vực nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ… Điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài. Bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.

Thực hiện quy hoạch, trong vòng 10 năm qua, Hà Nội đã có những đổi thay tích cực. TP đã chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh. Trong đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn điểm nghẽn quy hoạch khiến sự thay đổi của Thủ đô không được như kỳ vọng. Đó là vẫn còn tới 8/35 đồ án quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt, trong đó có 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử thuộc địa bàn các quận Hoàn Kiếm gồm H1 - 1 (A,B,C); quận Ba Đình là H1 - 2; quận Đống Đa là H1 - 3; quận Hai Bà Trưng là H1 - 4.

Các chuyên gia cho rằng, chính sự chậm trễ này tác động rất lớn đến sự phát triển của đô thị, khiến khu vực lõi của Thủ đô đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Điển hình là việc sử dụng đất đai chưa hợp lý dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong khi số lượng nhà ở, đặc biệt nhà cao tầng vẫn xuất hiện với mật độ lớn thì diện tích đất dành cho giao thông lại quá ít. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc, thiếu chỗ đỗ phương tiện tại trung tâm Hà Nội ngày càng trầm trọng. Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa thông tin, tại các quận lõi của TP, diện tích cho đất bãi đỗ xe khá hạn hẹp, với gần 7ha tại quận Hoàn Kiếm, hơn 7ha tại quận Hai Bà Trưng, hơn 9ha tại quận Đống Đa và 16ha ở quận Ba Đình. Đây cũng chỉ là số liệu dự kiến tại các bản quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt.

Bên cạnh đó, việc sử dụng đất đai thu hồi sau khi di dời các nhà máy vào mục đích phát triển không gian công cộng cho người dân còn rất hạn chế, chưa phù hợp chủ trương ưu tiên sử dụng quỹ đất này để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị... Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy nêu thực trạng tại quận Đống Đa, quận có mật độ dân số rất cao với gần 40.000 người/km, quỹ đất phát triển mới hầu như không còn. Do đó, Viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội kiến nghị sau khi di dời các cơ sở gây ô nhiễm, quỹ đất phải được bố trí cho phát triển hạ tầng cây xanh, hạ tầng kỹ thuật trong khu dân cư. Ngoài ra, khi còn đủ quỹ đất thì ưu tiên phát triển hạ tầng thương mại cho khu vực.

Bước tiến lớn để phát triển Thủ đô

Với quyết tâm lớn để phê duyệt ban hành các đồ án quy hoạch, tạo cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, đô thị, đem lại sinh kế cho người dân, mới đây dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đại diện Sở QH – KT Hà Nội cho hay, 6 quy hoạch này sẽ được trình Ban Thường vụ Thành ủy trong tuần này để UBND TP chính thức phê duyệt, ban hành trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong quý I/2021.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn khẳng định, cả 6 đồ án đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của pháp luật. Cụ thể, các quy hoạch phù hợp với toàn bộ quy hoạch cấp trên, các quy định, quy chế quản lý quy hoạch, nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành như Bộ Xây dựng, Bộ VHTT&DL. “Sau gần 10 năm chờ đợi, mong mỏi, tập trung trí lực, chúng ta đã triển khai một khu vực quy hoạch có chức năng, vị thế vô cùng quan trọng trong nội đô lịch sử” – Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, trong 35 quy hoạch phân khu thì 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử là những quy hoạch phức tạp, được làm cẩn thận, nghiêm túc trong một thời gian dài. Các bản quy hoạch này mang ý nghĩa đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn những giá trị văn hiến và phát triển mới, hiện đại, theo đúng định hướng của quy hoạch chung. Đây có thể coi là thời điểm “chín muồi” để TP phê duyệt các quy hoạch phân khu khu vực nội đô lịch sử, làm căn cứ triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Khi các quy hoạch này đi vào cuộc sống sẽ giúp Hà Nội giải quyết được những thách thức lớn đang phải đối mặt như giãn dân nội đô, ách tắc giao thông, thiếu không gian xanh, mất cân đối trong phát triển hạ tầng…

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, các quy hoạch này trong thời gian tới đây còn vướng không ít thách thức. Đó là những quy hoạch ngành quốc gia sắp được phê duyệt trên địa bàn TP như quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, quy hoạch kiến trúc cảnh quan... Do đó, các quy hoạch phân khu nội đô cần được quan tâm tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với các yêu cầu mới, đồng thời giúp Hà Nội phát triển Xanh – Văn hiến – Văn minh đúng như định hướng mà Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã đề ra.
Việc hoàn thiện để ban hành các đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử trong thời gian sắp tới đây không chỉ cho thấy quyết tâm lớn mà còn thể hiện sự linh hoạt của TP Hà Nội khi vừa thực hiện triển khai quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch, tuân thủ theo các hướng dẫn của Quốc hội, Chính phủ, đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ của mình.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm

Không có nhận xét nào