Top Banner

Tìm kiếm


Quy hoạch nội đô Hà Nội cần làm cả “lõi lẫn vỏ”

 (khoahocdoisong.vn) - PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cho rằng, quy hoạch nội đô Hà Nội là cần thiết, nhưng khó khả thi do thiếu đồng bộ với các quy hoạch khác.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.

Không khéo sẽ tạo ra cuộc đua xây dựng “chạy quy hoạch

Ngày 22/3, UBND TP Hà Nội công bố các đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Ông đánh giá thế nào về quy hoạch này?

Trước tiên phải nói rằng quy hoạch này là rất cần thiết, giúp định hình diện mạo nội đô trong tương lai, ngăn chặn xu hướng chuyển đổi nhà thấp tầng thành nhà cao tầng trong nội thành đang gia tăng hiện nay. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng tính khả thi của quy hoạch là thấp do thiếu sự đồng bộ với các quy hoạch khác, quận huyện khác. Bản quy hoạch này mới bàn đến vành đai 2, còn người dân ở vành đai 3, 4, 5 và các vùng khác xung quanh sẽ như thế nào? Nếu chỉ giải quyết ở 4 quận trung tâm mà không tính đến các quận sát đó là không được.

Ông có thể nói rõ hơn?

Nói thẳng là bây giờ không chỉ 4 quận nêu trên mà Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Tây Hồ… cũng đều chật ninh ních người. Xe cộ đi lại ùn tắc hằng ngày. Giả sử quy hoạch tốt ở Đống Đa rồi, nhưng Thanh Xuân không được quy hoạch, thì người dân sẽ đi lại kiểu gì, tình trạng lộn xộn vẫn không tránh khỏi. Hơn nữa hiện ở 4 quận nội thành nêu trên, tình trạng nhà cao tầng “lấp” lên các khoảng đất trống, cơ quan công sở dời đi chuyển đổi mục đich sử dụng đất cho doanh nghiệp… đang diễn ra rất phức tạp. Hàng loạt những công trình cao tầng đã và đang mọc lên, giải quyết nó thế nào? Quy hoạch không khéo, vô hình trung lại tạo ra cuộc đua xây dựng thần tốc để “chạy quy hoạch”, làm cho gánh nặng của đô thị lõi nặng thêm.

Ông nói đến các quy hoạch khác cũng phải đồng bộ, cụ thể là gì ạ?

Quy hoạch không chỉ là vấn đề đất đai, nhà ở, mà còn phải đồng bộ với các quy hoạch khác như quy hoạch cấp nước, thoát nước, quy hoạch giao thông, cây xanh, công viên, vườn hòa, cơ sử văn hóa, tín ngưỡng… Chỉ riêng vấn đề cấp, thoát nước hiện ở Hà Nội cũng rất lộn xộn. Khoảng năm 2007, phía Hàn Quốc có tài trợ cho Việt Nam để quy hoạch tổng thể chung Thủ đô, trong đó quy hoạch đường thoát nước đi theo sông Nhuệ. Nhưng họ không biết rằng sông Nhuệ chảy ra sông Đáy, vào mùa nước lên, nước sông Nhuệ thậm chí chảy ngược lại do Hà Nội nằm ở vị trí trũng thấp hơn. Khi đó tôi cùng nhiều nhà khoa học phản đối quy hoạch như vậy, may mà sau đó quy hoạch không được thông qua.

Rồi quy hoạch giao thông như thế nào. Nhược điểm lớn nhất của 4 quận nội thành là diện tích đất dành cho giao thông quá ít, chỉ chiếm khoảng 7 - 8%, trong khi theo quy định chung của thế giới thì đất dành cho giao thông ở đô thị phải từ 20% trở lên. Và tôi cũng đặt vấn đề di dời các cơ sở trường học, bệnh viện, công sở như thế nào? Bệnh viện công di dời, bệnh viện tư có mọc lên không? Trường công di dời, trường tư có thế chỗ không? Những ngôi nhà cao tầng đang mọc lên như nấm hiện nay, giải quyết thế nào?

Bản đồ quy hoạch Hà Nội 1/500 năm 2021 đến năm 2030, 2050.

Ai sẽ là người phải di dời?

Điều mà tôi cũng như nhiều người dân quan tâm nhất là việc di dời. Theo quy hoạch này, cần giảm khoảng 215.000 dân trong giai đoạn 2020 - 2030. Làm thế nào để thực hiện được điều này thưa ông?

Hà Nội đã có nhiều lần dự định sẽ di dân ra ngoại thành, giảm áp lực lên khu vực lõi, nhưng đều không thành công. Đề án di dân phố cổ mấy chục năm nay đều không thực hiện được. Lý do bởi chỗ ở cũng chính là sinh kế của người dân ở đây. Vài mét vuông phố cổ có thể kinh doanh ra hàng chục triệu đồng mỗi tháng, nên rất khó để vận động người dân chuyển sang nơi ở mới, dù có được hỗ trợ. Nhưng theo tôi, gánh nặng đô thị ở đây không chỉ là người dân sinh sống, mà còn là người đến làm việc, các văn phòng, bệnh viện, trường học… mới là đối tượng phải hạn chế. Trong khi đó, tại quy hoạch này tôi không thấy nói đến, chỉ nói đến di dân, vậy thì ai được coi là người dân? Người làm việc ở đó cũng tạo ra áp lực rất lớn về giao thông, dịch vụ, điện nước… có phải di dời không?

Nếu cứ viện vào lý do sinh kế thì khó mà quy hoạch được?

Vấn đề ai sẽ nằm trong số hơn 200 nghìn người di dời đó, tiêu chí nào để buộc họ phải di dời, giải quyết các quyền lợi liên quan ra sao. Nếu bắt người dân di dời rồi lại cho doanh nghiệp xây trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… thì chắc chắn là không ổn.

Nhưng để có diện mạo đô thị đẹp, cần mạnh tay trong quy hoạch?

Tôi đồng ý là phải quy hoạch, nhưng phải hợp lý, giải quyết hài hòa lợi ích các bên. Tôi chắc chắn rằng khi nào nhà cao tầng vẫn được xây, văn phòng vẫn được mở, người ta vẫn phải đến làm việc. Thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp kinh doanh, tập đoàn, thương hiệu lớn… đua nhau chen vào nội đô để khẳng định “thương hiệu”. Những tòa nhà chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn mọc lên mỗi ngày. Giải quyết nó ra sao? Nếu cần giảm áp lực lên vùng lõi thì phải di dời cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện… ra bên ngoài. Nhưng đồng nghĩa không được phép thay vào đó là các trung tâm thương mại, nhà phố… thì mới có ý nghĩa. Liệu chúng ta có quản lý được không, hay sau quy hoạch lại đông đúc hơn, nhộn nhịp hơn, đường tắc hơn? Quy hoạch xong rồi thì nhà cao tầng có sử dụng được nữa hay không…

Hà Nội công bố quy hoạch phân khu nội đô lịch sử.

Điều ông thấy lo lắng nhất trong quy hoạch này là gì?

Tôi sợ là cơ quan chuyển đi, công sở dời đi, thì nhà cao tầng lại mọc lên. Thực tế bấy lâu nay chúng ta đã quy hoạch rất rõ, nhiều quy định cụ thể nhưng khi thực hiện thì không. Các công trình cao tầng vẫn đang tiếp tục được xây dựng như chúng ta nhìn thấy đấy thôi.

Phải làm gì để quy hoạch các quận nội thành có thể thành công thưa ông?

Theo tôi cần phải quy hoạch đồng bộ tất cả các quận bởi áp lực dân số, giao thông, giáo dục… lên các quận hiện nay là ngang nhau. Cùng với đó là thực hiện quy hoạch giao thông, điện, nước, giáo dục, văn hóa… đồng bộ. Sau đó là hiện thực hoá quy hoạch bằng các biện pháp mạnh tay, dùng cả pháp luật và kinh tế làm công cụ. Quy hoạch đồng thời tạo sinh kế cho người dân, các công trình xây dựng phải được thực hiện nghiêm, đúng theo quy hoạch, tránh tình trạng tham nhũng, lót tay để thuộc diện “công trình đặc biệt” có cơ chế riêng…

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo quy hoạch, khu vực phố cổ được xác định là khu vực đô thị cổ có giá trị về lịch sử và văn hóa, các chức năng chủ yếu gồm: Thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư. Khu vực hồ Gươm và phụ cận là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, các chức năng chủ yếu gồm: Trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng.

Khu phố cũ được xác định là đô thị cũ có nhiều công trình có giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc. Các chức năng chủ yếu gồm: di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa, y tế và các chức năng công cộng khác.

Về tổ chức không gian kiến trúc - cảnh quan, thiết kế đô thị, đây được xem là nội dung rất quan trọng trong quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, trong đó quy định về số tầng, chiều cao công trình được xây dựng ở một số khu vực quan trọng. Cụ thể, với khu vực phố cổ, tầng cao đặc trưng 3 - 4 tầng, từ 12 - 16m. Khu vực hồ Gươm và phụ cận, tầng cao đặc trưng trên các tuyến phố xung quanh hồ Gươm không quá 16m. Khu vực khu phố cũ, tầng cao đặc trưng 4 - 6 tầng, từ 16 - 22m. Khu vực hạn chế phát triển, tầng cao đặc trưng 5 - 7 tầng (20 - 25m).

Nguồn: Quy hoạch nội đô Hà Nội cần làm cả “lõi lẫn vỏ” - Khoa học và đời sống (khoahocdoisong.vn)

Không có nhận xét nào