Giải Kiến trúc Pritzker 2021: Vinh danh bộ đôi 'không bao giờ phá bỏ công trình'
(Thethaovanhoa.vn) - Các kiến trúc sư nhà ở xã hội Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal, những người sáng lập studio Lacaton & Vassal của Pháp, đã đoạt giải Kiến trúc Pritzker năm 2021 (công bố vào ngày 16/3) – với số tiền thưởng 100.000 USD.
Như vậy, Anne Lacaton đã trở thành nữ kiến trúc sư người Pháp đầu tiên giành được giải thưởng này và là người phụ nữ thứ 6 đoạt giải kể từ khi Pritzker (giải thưởng danh giá nhất đồng thời được xem là giải Nobel của giới kiến trúc) được thành lập vào năm 1979.
Luôn đi tìm những không gian hữu ích
Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal được ghi nhận với nhiều dự án nhà ở xã hội mà họ đã thực hiện với tư cách là những người đứng đầu của studio Lacaton & Vassal, có trụ sở tại Paris.
Theo nhận định của Ban giám khảo giải Pritzker năm nay: “Họ không chỉ xác định cách tiếp cận kiến trúc hiện đại mà còn đưa ra định nghĩa mới về kiến trúc. Những hy vọng và ước mơ của họ nhằm cải thiện cuộc sống của nhiều người và được thể hiện thông qua các công trình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, biến đổi sinh thái, cũng như các nhu cấp cấp bách trong xã hội hiện đại. Bằng cách tạo ra sự phong phú cho cuộc sống của mỗi người, những công trình ấy có thể hỗ trợ sự phát triển của một thành phố”.
Trong tuyên bố của mình, Lacaton nói rằng, “kiến trúc là sự cởi mở với cuộc sống. Nó không nên mang tính minh họa hay áp đặt, mà phải xuất phát từ những gì quen thuộc và hữu ích, để rồi âm thầm hỗ trợ cuộc sống sẽ diễn ra trong nó”.
Trong một cuộc phỏng vấn, cặp đôi này nói rằng đại dịch Covid -19 càng củng cố quan điểm của họ: Mọi người đều xứng đáng kết nối với hệ thống không gian mở và thiên nhiên, ngay cả khi họ sống trong các thành phố đông đúc.
“Một năm qua, nhiều thứ đã thay đổi, đặc biệt là mối quan hệ của chúng ta với không gian. Khi buộc phải ở nhà, chúng ta đã hiểu rằng không gian sống là vô cùng quan trọng” – Lacaton nói – “Và điều này thực tế không liên quan tới việc bạn có bao nhiêu tiền trong túi”.
Vassal nói thêm: “Chúng tôi ngày càng tin rằng kiến trúc luôn phải mở rộng để dành chỗ cho các yếu tố như không khí, mặt trời và ánh sáng tự nhiên”.
Ủng hộ công bằng xã hội và tính bền vững
Anne Lacaton (66 tuổi), sinh ở Saint-Pardoux (Pháp) và Vassal (67 tuổi), sinh ở Casablanca (Morocco). Họ gặp nhau vào cuối những năm 1970 trong quá trình học tại trường Kiến trúc và Cảnh quan Quốc gia Bordeaux. Sau đó, Lacaton tiếp tục theo học Thạc sĩ Quy hoạch Đô thị, trong khi Vassal chuyển đến Niger, Tây Phi để thực hành quy hoạch đô thị. Lacaton thường đến thăm Vassal và chính nơi này đã bắt đầu hình thành phong cách kiến trúc của họ, khi 2 người bị tác động sâu sắc từ vẻ đẹp và nguồn tài nguyên trong cảnh quan sa mạc của Niger.
Năm 1987, hai người thành lập studio ở Paris và họ đã thực hiện hơn 30 dự án ở khắp châu Âu và Tây Phi. Trong hơn 3 thập kỷ, họ đã thiết kế nhà ở tư nhân và xã hội, các tổ chức văn hóa và học thuật, không gian công cộng và chiến lược đô thị.
Dự án đầu tiên của họ là một ngôi nhà được đan kết bằng những cành cây ở Niamey, Niger. Kể từ thời điểm này trở đi, họ xác định “không bao giờ phá bỏ” và đã cải tạo nhiều tòa nhà. Một số dự án thành công khác của studio Lacaton & Vassal gồm có khôi phục 3 khu nhà ở xã hội tại Grand Parc Bordeaux; cải tạo khối tháp đổ nát Tour Bois-le-Pretre ở Paris, thiết kế 53 căn hộ nhà ở xã hội thấp tầng ở Saint-Nazaire hay phát triển các khu nhà ở xã hội tại Jardins Neppert, Mulhouse....
Nhìn lại, kiến trúc của bộ đôi này luôn có tính bền vững với việc ưu tiên sự rộng rãi của không gian và quyền tự do sử dụng các vật liệu tiết kiệm và thân thiện với môi trường.
Theo Lacaton: “Thay đổi là cơ hội để làm nhiều hơn và tốt hơn với những gì đã tồn tại. Việc phá dỡ là một quyết định dễ dàng, nhưng nó gây lãng phí nhiều thứ - lãng phí năng lượng, vật chất và lịch sử. Hơn nữa, nó có tác động rất tiêu cực tới xã hội. Đối với chúng tôi, đó là một hành động không thể chấp nhận”.
Nuôi dưỡng cuộc đối thoại giữa cũ và mới
Nhiều dự án của Lacaton & Vassal tập trung vào việc mở rộng không gian sử dụng thông qua các khu vườn và ban công. Dự án đầu tiên áp dụng cách này là Latapie House ở Floirac. Công trình này có một khu vườn lớn bằng polycarbonate (polymer nhựa nhiệt dẻo) ở phía sau, nhờ đó mà ánh sáng có thể lọt vào nhà và mở rộng không gian sống trong nhà. Ở quy mô lớn hơn, Lacaton & Vassal đã thêm các sân thượng để tạo ra không gian linh hoạt tại các dự án nhà ở Tour Bois-le-Prêtre và Grand Parc Bordeaux.
“Công việc của chúng tôi là tìm ra những không gian có thể khơi gợi cảm giác và mục đích sử dụng. Đó là cách để đưa khái niệm về một ngôi nhà với một khu vườn vào thành phố ” - Vassal nói.
Các cải tạo lớn khác do Lacaton & Vassal thực hiện bao gồm dự án thay đổi và mở rộng xưởng đóng tàu cũ để tạo ra phòng trưng bày nghệ thuật đương đại FRAC Nord-Pas de Calais ở Dunkerque. Họ còn đã 2 lần xúc tiến dự án cải tạo có quy mô lớn tại bảo tàng Palais de Tokyo ở Paris.
Theo Ban giám khảo, tinh thần thực hiện các dự án cải tạo của Lacaton & Vassal và cảm giác hạnh phúc mà mọi người cảm thấy trong các dự án của studio là yếu tố chính giúp bộ đôi kiến trúc sư này giành giải thưởng năm nay.
“Lacaton và Vassal luôn hiểu rằng, kiến trúc phải gắn với sự công bằng cho tất cả thành phần của xã hội. Mục đích của họ là phục vụ con người thông qua công việc của mình, với sự khiêm tốn và nuôi dưỡng tinh thần đối thoại giữa cũ và mới trong kiến trúc” – Ban giám khảo giải Kiến trúc Pritzker nhận xét khi công bố giải thưởng.
“Ở bất cứ bối cảnh nào, sự công bằng với môi trường, với con người cũng có nghĩa là tạo ra công bằng cho thế hệ sau. Lacaton & Vassal là những người cấp tiến và táo bạo đã cho thấy điều này qua sự tinh tế của mình” - Alejandro Aravena, Chủ tịch Hội đồng giám khảo giải Kiến trúc Pritzker 2021, cho biết thêm.
Giải Kiến trúc Pritzker là giải thưởng thường niên của quỹ Hyatt nhằm vinh danh một kiến trúc sư còn sống với những đóng góp của họ. Giải thưởng này được Jay A. Pritzker lập ra từ năm 1979 và được dòng họ Pritzker điều hành. Đây là giải thưởng cao quý nhất trên thế giới về kiến trúc. Lacaton và Vassal là các kiến trúc sư thứ 49 và 50 đoạt giải thưởng này. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Nguồn: Giải Kiến trúc Pritzker 2021. Giải Kiến trúc Pritzker. Kiến trúc sư | TTVH Online (thethaovanhoa.vn)
Không có nhận xét nào