Top Banner

Tìm kiếm


Bổ cập nước cho sông Tô Lịch: Giải pháp cấp thiết

 Kinhtedothi - Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2/2021 của UBND TP Hà Nội mới đây, đại diện Sở TN&MT cho biết, Hà Nội sẽ lắp đặt 8 trạm bơm dã chiến để bổ cập nước cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch…

Theo nhiều chuyên gia, đây là việc làm cần phải triển khai sớm để hồi sinh các dòng sông trên địa bàn TP.
Nhất cử lưỡng tiện

Trong nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch nói riêng và các dòng sông tại Thủ đô, TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp như giải tỏa bùn lắng, lắp trạm xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, làng nghề… và đặc biệt là xây dựng Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Theo các chuyên gia, xã hội ngày càng phát triển, lượng nước thải phát sinh tại làng nghề, khu công nghiệp và các hộ dân, nhà máy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước tại các dòng sông. Thêm vào đó, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường thủy tại các dòng sông để xây dựng nhà cửa, kho bãi, nhà xưởng… đã khiến lòng sông ngày càng bị thu hẹp, mất đi những giá trị vốn có.
Hiện nay, TP Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Một trong những điểm nhấn của dự án này là lắp đặt hệ thống đường cống bao chạy dọc theo sông Tô Lịch ngăn nước thải chảy trực tiếp xuống sông. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những tổ hợp biện pháp nhằm hồi sinh các dòng sông, trong đó có sông Tô Lịch. Bởi, đã là dòng sông là phải có dòng chảy, mà muốn có dòng chảy thì bổ cập nước cho sông Tô Lịch là hết sức cần thiết.
“Sông Tô Lịch trước đây là một nhánh của sông Hồng. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, sông Tô Lịch đã là một dòng sông “chết” – không còn được bổ cập nước từ sông Hồng, chỉ được bổ cập một phần nước từ Hồ Tây, nước mưa và một lượng lớn nước thải từ các hộ dọc bờ sông. Do đó, việc bổ cập nước cho các dòng sông là hết sức cần thiết” – GS Sử học Lê Văn Lan cho biết.

Ý tưởng tốt cho môi trường

Theo GS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, ý tưởng này được đề xuất lần đầu tiên bởi các chuyên gia quy hoạch Liên Xô (cũ) cũng trong đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển Hà Nội năm 1981.
Theo đồ án này, ngoài nước mưa, nước bổ cập được lấy từ sông Nhuệ bằng trạm bơm, sau cống Liên Mạc, dẫn về một hồ lắng ở khu vực Phú Thượng, Nhật Tân. Sau khi lắng đọng để loại bỏ phù sa, bùn cặn, nước trong sẽ được chảy vào Hồ Tây tạo sự luân chuyển nước rồi đưa vào sông Tô Lịch và các dòng sông trong khu vực nội thành.

Cũng từ ý tưởng trên, từ những năm 90 của thế kỷ trước, các chuyên gia Nhật Bản trong nghiên cứu dự án của JICA về thoát nước Hà Nội đã đề xuất giải pháp dùng nước thải của TP, sau khi được xử lý làm sạch đạt tiêu chuẩn để bổ cập cho Hồ Tây. Tiếp đó, một số nhóm nghiên cứu trong nước cũng đề xuất lấy nước từ sông Đà để cấp nước bổ sung cho một số sông nội địa - phía Nam sông Hồng phục vụ nông nghiệp, cải thiện môi trường, kết hợp với bổ cập nước cho Hồ Tây và sông Tô Lịch.
Thậm chí, một số nhóm còn đề xuất tận dụng cống lấy nước Lương Phú mới xây dựng kết hợp xây dựng thêm phao dâng sau cống trên sông Đà để ổn định cốt nước ở cao độ đủ để tự chảy, bổ cập cho sông Tô Lịch và các sông hồ nói trên thông qua tuyến kênh đào mới dọc theo trục Tây Thăng Long…

Theo các chuyên gia, trong quy hoạch phát triển đô thị của Hà Nội, các sông hồ được đặc biệt chú ý như một cấu phần quan trọng hàng đầu trong việc tạo lập không gian sống, không gian văn hóa - môi trường - kinh tế có giá trị cao và riêng có của TP. Từ tầm nhìn cơ bản ấy, việc duy trì mực nước hợp lý, tạo sự luân chuyển, cải thiện chất lượng môi trường cho sông, hồ nội thành là một nhu cầu thực tế và là một ý tưởng tốt cho môi trường cũng như đời sống của người dân Thủ đô.

Nguồn: Bổ cập nước cho sông Tô Lịch: Giải pháp cấp thiết (kinhtedothi.vn)

Không có nhận xét nào