Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Nghiên cứu kỹ để bảo đảm hiệu quả
Kinhtedothi - Phương án đầu tư trước hai đoạn của đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vừa được đơn vị tư vấn đưa ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án để đảm bảo dự án có tính khả thi và hiệu quả cao nhất.
Bộ GTVT vừa phát đi thông tin quan trọng liên quan đến “siêu dự án” đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Cụ thể, theo báo cáo của liên danh tư vấn về quy hoạch mạng lưới đường sắt, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2030 là 665.920 tỷ đồng, trong đó đường sắt tốc độ cao 561.598 tỷ đồng, đường sắt thường 104.322 tỷ đồng. Tính trung bình 67.592 tỷ đồng/năm, trong đó đường sắt tốc độ cao cần 56.160 tỷ đồng/năm, đường sắt thường cần 10.432 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án từ nay tới 2030 sẽ ưu tiên đầu tư 2 tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là đoạn Hà Nội – Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang với tổng chiều dài 651km. Trong đó, phương án thấp là đưa 2 tuyến này vào khai thác năm 2032 với quy mô vốn 375.000 tỷ đồng. Phương án cao là đưa vào khai thác năm 2030 với quy mô vốn tới 561.000 tỷ đồng.Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn cũng đề xuất ngoài đường sắt tốc độ cao Bắc Nam cần xây dựng các tuyến đường sắt mới như hoàn thành xây dưng tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; tuyến vành đai phía Đông Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng); đoạn đường sắt kết nối cảng Lạch Huyện, nhánh ra Đình Vũ; đường sắt khổ đôi 1,435m gồm Biên Hoà - Vũng Tàu, Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Gia, TP Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ.Đáng chú ý, khi đưa ra đánh giá về quy hoạch đường sắt giai đoạn 2015 – 2020, đơn vị tư vấn cho rằng, mục tiêu thực hiện theo quy hoạch đưa ra giai đoạn này đã không đạt được. Đơn vị tư vấn đưa ra con số đối chiếu rằng, theo quy hoạch, đường sắt phải đạt 1 - 2% thị phần hành khách và 1 - 3% thị phần hàng hóa, song thực tế thực hiện chỉ đạt 0,17% khách và 0,24% về hàng hóa. Bên cạnh đó, việc nâng cấp các tuyến đường sắt hiện hữu chỉ đạt 28,6%. Hiện mới có 2/7 tuyến hoàn thành nâng cấp là tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh và Hà Nội – Lào Cai. Đặc biệt, mục tiêu xây dựng quy hoạch 3 tuyến mới dài 203,7km (gồm vành đai phía Đông Hà Nội, tuyến Biên Hoà - Vũng Tàu và đường sắt nối Hải Phòng - Lạch Huyện) mà ngành đường sắt đưa ra đã có kết quả “trắng”, tức là cả 3 tuyến đều chưa thực hiện.Cần sớm chốt tốc độ tàu chạyNhìn vào kết quả thực hiện quy hoạch đường sắt giai đoạn 2015 – 2020 mà đơn vị tư vấn đưa ra có thể thấy ngành đường sắt đã và đang trải qua thời kỳ đặc biệt khó khăn. Khó khăn này càng được nhân lên với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 cùng thời tiết cực đoan liên tục diễn biến xấu trong những năm qua. Đây chính thời điểm ngành đường sắt cần có một sự thay đổi lớn mang tính lịch sử để vực dậy hoạt động và khôi phục vị thế. “Siêu dự án” đường sắt cao tốc Bắc – Nam được kỳ vọng sẽ là một cú hích đủ mạnh để mang đến sự thay đổi này.Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông nhận định, đường sắt là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn, nhất là với những “siêu dự án” như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Do đó, việc phân đoạn và lựa chọn những công trình chủ yếu, cấp thiết để đầu tư trước là phù hợp. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng nhất của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là tốc độ tàu chạy bao nhiêu vẫn chưa được chốt. “Tốc độ tàu chạy liên quan trực tiếp đến vốn đầu tư của dự án. Bởi nếu tốc độ cao 350km/h, đòi hỏi phải nhập công nghệ thiết bị tối tân, điều này sẽ rất tốn kém” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói.Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế cho rằng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án quy mô lớn và tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam trong vài thập kỷ tới. Do đó, mỗi nội dung dự án cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt với phương án tài chính cần được tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh trên cơ sở cập nhật, phân tích đúng thực trạng cũng như xu hướng tăng trưởng kinh tế, chi ngân sách, khả năng vay nợ công và vay ODA nhằm tăng tính khả thi” – TS Vũ Đình Ánh khẳng định.
Lộ trình đầu tư cho hạ tầng đường sắt cần phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, bảo đảm kết nối ngành, quốc phòng, an ninh, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tăng cường năng lực hội nhập của nền kinh tế trên cơ sở xây dựng mạng lưới đường sắt hiện đại, tập trung phát triển các hành lang vận tải gắn kết chặt chẽ với các hành lang kinh tế đô thị và nông thôn.Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng |
Nguồn: Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Nghiên cứu kỹ để bảo đảm hiệu quả (kinhtedothi.vn)
Không có nhận xét nào