Bản đồ ô nhiễm bụi mịn ở Việt Nam: Khu vực nào ô nhiễm nhất?
Các địa phương ở Đồng bằng sông Hồng ô nhiễm nhất do tập trung đông dân cư, nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất thép, xi măng, điện. Top 5 tỉnh, thành phố ô nhiễm nhất được ghi nhận là Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình và Hà Nội.
Các nhà khoa học của Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO), Trường Đại học Công nghệ - (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa công bố báo cáo “Chất lượng không khí - Tiếp cận đa nguồn trong giám sát bụi PM2,5”.
Sử dụng ảnh vệ tinh kết hợp mạng lưới quan trắc mặt đất, các nhà khoa học đã cung cấp hiện trạng chất lượng không khí trên toàn quốc năm 2019. Kết quả sơ bộ cho thấy, 18/63 tỉnh, thành phố trên cả nước có nồng độ bụi PM2,5 vượt QCVN 05/2013. Trong đó, 14/18 địa phương thuộc miền Bắc, 2 thuộc miền Trung (Hà Tĩnh, Nghệ An), 2 thuộc miền Nam (TP.HCM, Bình Dương).
Trong số 18 tỉnh, thành phố nói trên, các địa phương ở Đồng bằng sông Hồng ô nhiễm nhất do tập trung đông dân cư, nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất thép, xi măng, điện. Khu vực này cũng bị ảnh hưởng một phần của điều kiện khí tượng bất lợi vào mùa đông làm cho chất ô nhiễm không khí không khuếch tán được. Top 5 tỉnh, thành phố ô nhiễm nhất được ghi nhận là Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình và Hà Nội.
Riêng thủ đô Hà Nội, nhóm nghiên cứu tìm hiểu sự phân bố bụi mịn PM2,5 theo từng quận, huyện và nhận thấy có sự chênh lệch khá rõ rệt. Tại các quận, ô nhiễm nhất là Hoàn Kiếm, thấp nhất là Nam Từ Liêm và Tây Hồ. Nồng độ bụi mịn tại khu vực ngoại thành thấp hơn một chút, cho thấy rõ sự ảnh hưởng của mật độ dân cư đến sự phân bố không gian của bụi.
Tuy nhiên, đại diện nhóm nghiên cứu lưu ý, bản đồ nồng độ bụi PM2,5 do nhóm xây dựng có độ bất định thấp ở những khu vực có trạm quan trắc và độ bất định cao ở những khu vực không có hoặc có ít trạm quan trắc. Nhóm nghiên cứu chia sẻ, hiện trạng mạng lưới trạm quan trắc ở Việt Nam còn rất hạn chế, số liệu kiểm kê phát thải cho từng tỉnh còn thiếu chi tiết, thiếu chính xác, thiếu cập nhật. “Đây là những nội dung cần được đầu tư trong tương lai để có thể đưa ra bức tranh toàn cảnh và lý giải hợp lý về ô nhiễm bụi mịn PM2,5 ở Việt Nam”, đại diện nhóm nghiên cứu nhận định.
Khu vực miền núi như Tây Bắc và cao nguyên là những khu vực có nồng độ bụi PM2,5 thấp, nguyên nhân có thể là do những khu vực này có mật độ dân cư thấp và ít các khu công nghiệp so với các khu vực còn lại trên cả nước. Bản đồ biểu diễn nồng độ bụi PM2,5 có chỉ số này biến thiên từ 6,19 đến 37,7 µg/m3, tương ứng với dải màu từ xanh đến đỏ.
Như vậy, có thể nhận xét sơ bộ, 18/63 tỉnh/thành trên cả nước có nồng độ bụi PM2,5 có trọng số dân số cao hơn giá trị nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm được quy định trong QCVN 05:2013, được coi là những tỉnh/thành có ô nhiễm bụi PM2,5.
Trong số đó, 14/18 tỉnh có giá trị vượt ngưỡng là các tỉnh thuộc khu vực miền Bắc, 2 tỉnh là Hà Tĩnh, Nghệ An thuộc khu vực miền Trung, và 2 tỉnh là TP.HCM và Bình Dương thuộc khu vực miền Nam.
Trong khi đó, 55/63 tỉnh thành trên cả nước có nồng độ bụi PM2,5 có trọng số dân số thấp hơn giá trị nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm được quy định trong QCVN 05:2013, là những tỉnh/thành chưa ô nhiễm bụi PM2,5, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La...) và cao nguyên (Kon Tum, Lâm Đồng...).
PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO), Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề sức khỏe môi trường lớn nhất mà hầu hết các thành phố ở các nước đang phát triển đang phải đối mặt.
Trong số tất cả các chất gây ô nhiễm không khí, bụi mịn với đường kính động học nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5) là chất ô nhiễm được quan tâm nhiều nhất do chúng gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng cũng như đến hệ thống khí hậu.
Tại Việt Nam, các phương pháp quan trắc chất lượng không khí hiện nay còn nhiều hạn chế do mật độ trạm quan trắc cố định còn thấp do chi phí lắp đặt và vận hành cao, độ tin cậy chưa cao của mạng lưới cảm biến chi phí thấp mặc dù mật độ dày đặc, và tần suất quan trắc thấp của công nghệ ảnh vệ tinh.
Các hạn chế này khiến việc theo dõi và kiểm soát chất lượng không khí, đặc biệt tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2,5, trở nên khó khăn và chưa toàn diện.
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí có liên quan tới 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Cũng theo số liệu của Liên hợp quốc, mỗi giờ có 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp 3-5 lần số người chết vì sốt xuất huyết và HIV.
Tại Việt Nam, với sự phát triển của một số lĩnh vực như công nghiệp, vận tải, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng và có tới 34.332 người tử vong sớm có liên quan tới ô nhiễm không khí. Thành phố Hà Nội và TP.HCM thường xuyên chìm trong khói bụi, mây mù, chất lượng không khí vượt ngưỡng nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mọi đối tượng, kể cả người khỏe mạnh.
Nhật Hạ
Không có nhận xét nào