Top Banner

Tìm kiếm


TP.HCM tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tôi yêu Áo dài Việt Nam”

 Đây là lần đầu tiên cuộc thi trực tuyến “Tôi yêu Áo dài Việt Nam” thuộc khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.HCM 2020 được tổ chức, với quy mô trên toàn thế giới.

Cuộc thi này hướng đến mục tiêu tạo cơ hội để bất cứ những ai yêu chiếc áo dài đều được thể hiện tình yêu của mình với trang phục truyền thống dân tộc.  Đồng thời, chia sẻ nét đẹp văn hoá này đến với cộng đồng. 

Đây cũng là một trong những hoạt động đặc biệt để hưởng ứng chiến dịch “Thành phố Hồ Chí Minh xin chào – Hello Ho Chi Minh City” do ngành du lịch Thành phố triển khai. 

Tiếp nối thành công từ cuộc thi “Duyên dáng áo dài Thành phố Hồ Chí Minh” đã qua 6 lần tổ chức, cuộc thi “Tôi yêu Áo dài Việt Nam 2020” là phiên bản nâng cấp với hình thức tham dự hoàn toàn trực tuyến thông qua nền tảng website chính của Lễ hội Áo dài 2020 và mạng xã hội qua Facebook (với cùng từ khoá).

Theo đó, người tham dự sau khi đăng tải hình ảnh chính mình trong trang phục áo dài được chụp tại điểm du lịch bất kỳ sẽ được hệ thống tự động xuất một video mang hình ảnh của riêng mình. 

Đồng thời, hoạt động chia sẻ video lên mạng xã hội sẽ góp phần tạo nên sức lan tỏa của chiến dịch. 

.
Ảnh minh hoạ: Trụ Cang











Để chiến dịch được tiếp cận đến đông đảo người tham dự trên khắp mọi miền dân tộc và cộng đồng đa quốc gia, số lượng người tham dự sẽ không chỉ giới hạn ở TP.HCM. 

Ban tổ chức khuyến khích toàn thể cộng đồng người Việt cả nước, cộng đồng người Việt sinh sống ở hải ngoại, bạn bè quốc tế đang sống và làm việc tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài cùng tham gia thực hiện video, chia sẻ để gia tăng sức hút cho chiến dịch. 

Nhằm khuyến khích sự tham gia từ phía cộng đồng, ban tổ chức sẽ chọn ra 18 video có lượt bình chọn cao nhất trên website chính thức của Lễ hội Áo dài TP.HCM để trao giải đặc biệt từ chương trình. 

Việt Nam có 13 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong đó, có đến 7 di sản liên quan đến chiếc áo dài như quan họ, ca trù, hát xoan, ví - giặm, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, nhã nhạc cung đình Huế và đờn ca tài tử.  Các loại hình nghệ thuật này đều sử dụng áo dài hoặc áo tứ thân khi biểu diễn.

Theo Bộ Văn hoá thể thao và du lịch, đơn vị đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng các các Bộ, ngành tích cực đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế trang phục áo dài cũng như tuyên truyền, quảng bá áo dài một biểu tượng tôn vinh vẻ đẹp, tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam ra thế giới.

Việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này, một mặt, sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.

Mặt khác, việc nghiên cứu thấu đáo các vấn đề có liên quan đến áo dài cũng sẽ giúp cho Việt Nam có được những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp. Từ đó, đảm bảo sức sống của Áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Nhà nước Việt Nam.

Thông tin tham gia chiến dịch “Tôi yêu Áo dài Việt Nam”:

Thời gian tham gia: Từ lúc 20:00 ngày 26/12/2020 đến 23:59 ngày 31/12/2020
Hình thức tham dự:

Chiến dịch dành cho cả hai nhóm đối tượng: cá nhân và tập thể. Trong đó: Nhóm cá nhân, bao gồm các đối tượng nam, nữ và người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Nhóm tập thể, bao gồm các tập thể thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ ở các quận – huyện, nhóm tự do, nhóm cơ quan – công ty, các gia đình, nhóm người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Người tham dự có thể lựa chọn tham gia một trong hai hoặc cả hai hình thức cá nhân và tập thể.

Đồng thời, kêu gọi bạn bè bình chọn cho video của mình. Kết quả video thắng cuộc sẽ dựa trên lượt bình chọn thông qua website chính thức của Lễ hội Áo dài TP.HCM.

Nguồn: TP.HCM tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tôi yêu Áo dài Việt Nam” (baodautu.vn)

Không có nhận xét nào