Top Banner

Tìm kiếm


“Tân Sửu nghênh Xuân”: Thể nghiệm các nghi lễ đón Tết cung đình Việt

 Kinhtedothi - Theo các nguồn sử liệu ghi chép, trong cung đình Thăng Long diễn ra nhiều nghi lễ đón Tết long trọng thể hiện sự tôn nghiêm và quyền lực của bậc “Thiên tử”. Trong chuỗi các nghi lễ đó, lễ Tiến Xuân ngưu diễn ra vào ngày lập Xuân hàng năm. Những nghi lễ này lần đầu tiên được thể hiện tái dựng tại sân Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội) vào dịp Xuân Tân Sửu - 2021.

Nhà vua đón Xuân như thế nào?
Theo nhiều nhà nghiên cứu, vào thời Lý, ngày lập Xuân, vua xuống chiếu cho hữu ty làm lễ nghênh Xuân và định phép đánh Xuân ngưu. Đây chính là dấu mốc mở đầu cho nghi thức dâng trâu đất vào mùa Xuân ở nước ta. Đến thời Trần, ngày lập Xuân đi du Xuân, vua sai vị trưởng họ dùng roi đánh con trâu đất, xong rồi các quan lại giắt hoa lên mũ vào cung dự tiệc. Vào thời Lê Trung hưng, sách "Lịch triều hiến chương loại chí" và "Lê triều hội điển" đều gọi tên nghi thức là lễ “Tiến Xuân ngưu” - nghĩa là dâng tiến trâu đất vào mùa Xuân.

Thời Lê Trung hưng, lễ “Tiến Xuân ngưu” là một nghi lễ lớn được triều đình chuẩn bị công phu, cử hành long trọng với các nghi lễ: Tế thần mùa Xuân ở đàn tế, rước Xuân ngưu vào điện đình tiến vua, lễ Tiến Xuân ngưu tại điện Kính Thiên, lễ ban Xuân ngưu cho các quan và các cung miếu trong kinh thành. Theo nhà sử học Lê Văn Lan: “Nghi thức vua ban Xuân ngưu cho các quan là nghi thức duy nhất chỉ có dưới triều Lê với ngụ ý “tống tiễn khí lạnh mùa Đông”, mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.

Nghi thức trong lễ “Tiến Xuân ngưu” là một lễ lớn, có rất nhiều giá trị đặc biệt chỉ có ở cung đình Việt, ví như: Đàn tế thần mùa Xuân được dựng ở phường Đông Hà - phía Đông kinh thành Thăng Long ứng với hướng của mùa Xuân. Sau khi lễ tế thần kết thúc, tượng trâu được kính cẩn đặt lên ngai để quan và dân các phường trong kinh thành rước về điện đình tiến vua. Đây là ngày hội lớn của kinh thành Thăng Long. Tại phần lễ “Tiến Xuân ngưu“ thì sáng sớm ngày lập Xuân, sân điện được dàn bày nghi trượng, cờ xí, nhã nhạc theo đúng quy định. Khi tiếng chuông trống nổi lên, các quan văn, võ đầy đủ phẩm phục trang nghiêm từ cửa Đoan Môn tiến vào sân điện dự lễ. Trải qua thời gian, đặc biệt qua các đời vua nghi thức này không được duy trì, cho đến thời nay thông qua sử sách ghi chép, các nhà nghiên cứu dần sáng tỏ nội dung các nghi lễ, nên mong muốn được thử nghiệm tái dựng lễ Tết cung đình qua các triều đại trong đó có lễ "Tiến Xuân ngưu" thời Lê Trung hưng.

Tái dựng không gian ngày Tết

Nhằm phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long xưa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức các hoạt động, chương trình với chủ đề “Tân Sửu nghênh Xuân” nhằm tái dựng một phần các nghi thức đón Tết ở cung đình xưa, đặc biệt là thời Lê Trung hưng. Chương trình vừa giúp du khách trải nghiệm không khí đón Tết vua quan thời xưa, vừa thực hiện đúng cam kết của Việt Nam với UNESCO là bảo tồn và phát huy di sản tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Ngoài phần trưng bày với chủ đề “Tân Sửu nghênh Xuân”, điểm nhấn độc đáo của chương trình nhằm tái hiện về nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” thông qua mô hình thần câu mang tế Xuân, Xuân ngưu vua ban trong nghi lễ ngày lập Xuân thời Lê Trung hưng. Các phong tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong ngày Tết Nguyên đán thể hiện ở các gian trưng bày không khí chuẩn bị đón Tết, không gian thờ cúng, phong tục chúc Tết và mừng tuổi ngày Tết; tiễn năm Canh Tý, đón năm Tân Sửu; nghệ thuật thư pháp; tranh vẽ với chủ đề Chào đón mùa Xuân…

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh: “Đây là lần đầu tiên lễ “Tiến Xuân ngưu” được thể nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long dựa trên kết quả nghiên cứu về nghi lễ cung đình với các nghi thức diễn ra tại sân Điện Kính Thiên”. Để làm rõ hơn các giá trị nghênh Xuân tại cung đình thời Lê Trung Hưng, trong chương trình “Tân Sửu nghênh Xuân” sẽ bao gồm nội dung giao lưu, nói chuyện với du khách của nhà sử học Lê Văn Lan. Các hoạt động trưng bày trong khuôn khổ chương trình "Tân Sửu nghênh Xuân" diễn ra từ ngày 4/2 đến 1/3. Riêng lễ "Tiến Xuân ngưu" được tái dựng vào ngày 23 tháng Chạp năm Canh Tý, tức 4/2/2021.

Không có nhận xét nào