Phan Văn Trường: Trí thức của hai thế giới
Phan Văn Trường (1876 - 1933) thuộc “thế hệ 1907”, theo cách phân chia của Giáo sư Trịnh Văn Thảo thì đây là thế hệ trí thức của hai thế giới (truyền thống và hiện đại, duy tân và bảo thủ) gồm những người sinh nửa sau thế kỷ 19, mà đại diện tiêu biểu nhất là Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu.
Sang Pháp du học năm 1908, Phan Văn Trường làm trợ giáo (répétiteur) ở Trường Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương (École des Langues Orientales), sau đỗ luật khoa tiến sĩ rồi làm trạng sư ở Tòa thượng thẩm Paris, tham gia lập hội và hoạt động trong các phong trào người Việt yêu nước tại Pháp.
Trang bị cho mình kiến thức về luật pháp và quốc tịch Pháp (người Việt bị phân biệt đối xử, không có những đặc quyền như người có quốc tịch Pháp), học ở Pháp và theo nền văn hóa phương Tây nhưng vẫn gắn bó với tư tưởng Khổng giáo truyền thống, Phan Văn Trường là một đại diện tiêu biểu cho phong trào dân tộc chủ nghĩa hiện đại ở Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 20. Cùng với Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ái Quốc…, ông đã quyết liệt đòi quyền lợi cho người dân thuộc địa, tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà.
Cuối năm 1923, ông về nước, điểm dừng chân là Sài Gòn - xứ thuộc địa nên báo chí được tự do hơn, nơi kinh tế phát triển và quy tụ nhiều trí thức trẻ tuổi tốt nghiệp trường Pháp-Nam trong nước và từ Pháp về… Phan Văn Trường (tiến sĩ luật) cùng với Nguyễn An Ninh (cử nhân luật) đấu tranh chống chính quyền thực dân bằng công cụ báo chí qua hai tờ báo tiếng Pháp nổi tiếng đương thời là La Cloche Fêlée (Chuông rè) và L'Annam (Nước Nam).
Bằng ngòi bút sắc sảo, vốn kiến thức Đông - Tây uyên thâm, sự am tường luật pháp…, Phan Văn Trường tích cực đấu tranh chống lại các chính sách hà khắc của thực dân Pháp, đòi tự do dân chủ, vận động ân xá cho Phan Bội Châu, vận động trả tự do cho Nguyễn An Ninh, tổ chức đám tang cho Phan Châu Trinh, cho đăng “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của Marx và “Tuyên ngôn nhân quyền” của Pháp năm 1792, diễn thuyết tại Hội quán Nam kỳ Khuyến học (ngày 17.3.1925) với chủ đề Việc giáo-dục học-vấn trong dân-tộc Annam…
Trước khi về Sài Gòn, Phan Văn Trường đã viết xong hồi ký tại Paris tháng 10.1923, hồi ký có nhan đề Une Histoire de Conspirateurs Annamites à Paris ou la Vérité sur L’Indo-chine (Chuyện những người An Nam mưu phản ở Paris hay sự thật về Đông Dương). Khi làm chủ nhiệm La Cloche Fêlée (kể từ số 20, 26.11.1925), ông cho đăng hồi ký của mình thành nhiều kỳ trên tờ báo này, từ số ra ngày 30.11.1925 đến số ra ngày 15.3.1926. Năm 1928, tập hồi ký được in thành sách tại nhà in Đông Pháp - Ng. kim-Dinh, Gia Định. Cuốn sách phê phán mạnh mẽ chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương nên bị Khâm sứ Trung kỳ ra nghị định (ngày 31.8.1929) “cấm du nhập, lưu hành, mua bán, phân phối và cất giữ sách này trên toàn lãnh thổ Trung kỳ”. Còn ở Nam kỳ, cuốn sách không bị cấm nhưng Nha mật thám giám sát chặt chẽ, đề phòng việc sách được dịch ra tiếng Việt.
Sau thất bại của phong trào Cần Vương, cũng là kết thúc “thế hệ 1862” (trí thức cổ điển), Phan Văn Trường và nhiều trí thức trẻ khác tìm đường du học và đấu tranh ngay trong lòng nước Pháp. Cho đến khi về nước, ông đã có 16 năm sống và làm việc tại “mẫu quốc”, khoảng thời gian này được ghi lại tương đối đầy đủ trong Une Histoire de Conspirateurs Annamites à Paris ou la Vérité sur L’Indo-chine. Một câu chuyện dài về quãng đời hoạt động chính trị của một trí thức Tây học trong các phong trào/hội người Việt yêu nước tại Pháp; bị chính quyền thực dân bắt cầm tù; những thái độ gay gắt lên án thực dân trên nhiều phương diện; những trò vu khống, gây khó dễ, khủng bố, theo dõi của chính quyền thực dân đối với ông và những người Việt yêu nước khác; lên án sự bắt bớ vô cớ không cần xét xử của chính quyền thực dân ngay tại Pháp - xứ sở của tự do dân chủ; những nhận định rất hay về Phan Châu Trinh - người mà đến tận năm 1912 ông mới gặp và kết giao trên đất Pháp…
Về Sài Gòn cuối năm 1923, Phan Văn Trường tiếp tục con đường đấu tranh chống chính quyền thuộc địa với lòng yêu nước xác tín bằng công cụ báo chí, diễn thuyết. Ông qua đời đột ngột tại Hà Nội năm 1933 ở tuổi 57.
Sau gần một thế kỷ, tập hồi ký của ông lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt vào tháng 10.2020 và vừa được xuất bản tại Việt Nam với tên gọi Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương (NXB Đà Nẵng, Omega+ ấn hành). Cho đến lúc này, các đánh giá về hành trạng, sự nghiệp báo chí, chính trị của luật sư Phan Văn Trường vẫn còn tản mát, những ghi nhận cũng không nhiều. Tổ chức dịch ra tiếng Việt và xuất bản tập hồi ký Une Histoire de Conspirateurs Annamites à Paris ou la Vérité sur L’Indo-chine dù muộn nhưng là việc làm cần thiết.
Không có nhận xét nào