• "Người thổi sáo" - triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của Nhà thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khai mạc sáng nay, 7/1, tại Trung tâm ART SPACE, trường Đại học Mỹ thuật, Hà Nội và kéo dài đến hết ngày 15/1.
Triển lãm "Người thổi sáo" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khai mạc sáng 7/1 tại Trung tâm ART SPACE, trường Đại học Mỹ thuật, Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương gửi lẵng hoa chúc mừng.

Triển lãm do nhóm Nhân sĩ Hà Đông, nơi Nguyễn Quang Thiều là một thành viên, tổ chức. "Người thổi sáo" trưng bày gần 60 bức tranh sơn dầu, màu nước, pastel rất bắt mắt với hòa sắc đẹp và bố cục lạ, vẽ trên nhiều khổ giấy khác nhau, hầu hết được Nguyễn Quang Thiều sáng tác vài năm trở lại đây.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về triển lãm tranh cá nhân của ông tại  lễ khai mạc: "Tôi không phải là họa sỹ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị".

Nhà thơ chia sẻ, mình thân thiết với nhiều họa sĩ tên tuổi như: Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Hoàng Phượng Vỹ… nhưng ông không bao giờ nghĩ mình có thể vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp.

Năm 2005, ở tuổi 48, khi vô tình nghịch toan, màu vẽ mà người bạn ông là dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận gửi, một màu vàng lộng lẫy hiện ra và cuốn ông đi. Khi ấy Nguyễn Quang Thiều cảm thấy xúc động khôn cùng. Biết chuyện, Phạm Long Quận đã động viên ông và Nguyễn Quang Thiều bắt đầu vẽ. Sau nửa năm, ông tham gia một triển lãm cùng các nhà văn, họa sĩ. Nhưng sau đó, ông quyết định dừng vẽ…

Một số bức tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại triển lãm "Người thổi sáo".

Trở lại với toan, màu, cọ vào năm 2012 sau một sự kiện đầy tình cờ, Nguyễn Quang Thiều đã đặt bút vẽ bức đầu tiên là bức Người thổi sáo – cũng chính là tên mà ông đặt cho triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của mình. Lần này, Nguyễn Quang Thiều thừa nhận mình đã lạc vào thế giới của màu sắc và ông biết mình không bao giờ có thể rời xa thế giới ấy được nữa.

Nguyễn Quang Thiều cho rằng mình "không phải là họa sỹ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị". Ông vẽ bằng bản năng, bằng những thứ hiện lên trong đầu, trong tâm hồn và thế giới của riêng ông, để ông được sống trọn vẹn, đủ đầy xúc cảm nhất có thể.

Đông đảo giới văn nghệ sĩ và những người yêu mến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tới xem tranh của ông tại triển lãm "Người thổi sáo".

"Có lúc không biết vẽ cái gì, tôi đọc một bài thơ. Bài thơ vang lên, tôi nhìn thấy một hình ảnh nào đó, và tôi vẽ", Nguyễn Quang Thiều từng nói. Ông thừa nhận tranh là "một ngôn ngữ khác của thi ca tôi". Ông đã vẽ nhiều bức tranh từ thơ và làm thơ ca, văn chương thông qua những bức họa.

Về tên gọi của triển lãm - "Người thổi sáo" - cũng là hình tượng chủ đạo trong những bức vẽ được trưng bày lần này của Nguyễn Quang Thiều, Nhà thơ tiết lộ đó là một cơ duyên, một câu chuyện có thật xảy đến trong cuộc đời ông.

Người thổi sáo mù, màu vàng, những con chim hay chiếc bình gốm... là hình tượng thường được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lựa chọn.

Vào một sáng thu cách đây tầm mười năm, có một người mù đi qua nơi ông ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông (quận Hà Đông, TP Hà Nội). Nguyễn Quang Thiều bị ấn tượng bởi người đàn ông mù và khẩn cầu ông mù thổi một khúc mà ông muốn nhất. Người thổi sáo mù ấy hướng về Nguyễn Quang Thiều bằng đôi mắt mù và nâng sáo lên.

Giai điệu của khúc sáo lập tức khiến Nguyễn Quang Thiều bừng tỉnh. Ông thừa nhận mình không có mỹ từ nào để tái hiện được giai điệu từ cây sáo của người đàn ông mù. Nguyễn Quang Thiều nói ông nhìn thấy một đôi mắt khác vừa mở trong chính đôi mắt mù ấy. Và cũng chính tiếng sáo đã đeo đuổi ông trong những khoảnh khắc hội họa…

Trong tranh của Nguyễn Quang Thiều có thơ. Ông đưa thơ ca, văn chương lên tranh và cho rằng chữ nghĩa là một phần sắc màu tranh của ông, cũng là một mảng, một phần của bố cục bức tranh. "Bài thơ vang lên và tôi vẽ, tại sao lại không đưa thơ lên?", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Nhận xét về tranh Nguyễn Quang Thiều, Họa sĩ Lê Thiết Cương, một người bạn thân thiết nhắc lại lời Nguyễn Quang Thiều rằng ông đúng là người chỉ "đi ngang qua cánh đồng hội họa", chứ không ở trong cánh đồng ấy. Nguyễn Quang Thiều vẽ rất tự do. Ông không bị áp lực bởi những đường bút, không sợ hãi sự khen chê.

Trong khi đó, tại lễ khai mạc triển lãm "Người thổi sáo", họa sĩ Thành Chương nói ông rất bất ngờ trước những bức vẽ của Nguyễn Quang Thiều.

Khán giả chăm chú ngắm bức Người thổi sáo 16 của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Theo lời Thành Chương, có những người theo nghiệp văn chương, đạt được thành công và có danh tiếng, rồi chuyển sang vẽ tranh. Tranh của họ được đón nhận, vẽ thế nào cũng được quý trọng. Điều đó đôi khi khiến họ ngộ nhận về bản thân, bởi sự đón nhận, quý trọng đó là vì danh tiếng mà họ sẵn có.

Bạn bè và người hâm mộ chúc mừng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Thế nhưng cũng có những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ thành công trong lĩnh vực của mình, bước sang hội họa, họ lại tiếp tục được nể trọng vì chính những nét vẽ."Nguyễn Quang Thiều là một người như thế", họa sĩ Thành Chương chia sẻ. 

Họa sĩ Thành Chương cho biết, Nguyễn Quang Thiều là một con người của chữ nghĩa, tranh của Nguyễn Quang Thiều rất lãng mạn nhưng cũng rất khúc triết. Ông đưa thơ, đưa chữ vào trong tranh và đó là nét hấp dẫn không giống ai của tranh Nguyễn Quang Thiều.

Một số hình ảnh tại triển lãm "Người thổi sáo":

Tại triển lãm "Người thổi sáo", rất đông đảo giới văn, nghệ sĩ và những người yêu mến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có mặt để thưởng lãm những bức vẽ của ông.
Một khán giả lưu lại tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết phần lớn những bức tranh được vẽ trong vài năm trở lại đây. Tại triển lãm, có những bức vẽ ông đã tặng người khác và mượn lại để trưng bày.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, dù bận nhiều công việc nhưng ông vẫn dành thời gian để vẽ tranh. "Tôi làm tất cả để mình được sống trọn vẹn nhất", Nguyễn Quang Thiều nói.
Người thổi sáo mù, màu vàng, những con chim hay chiếc bình gốm... là hình tượng thường được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lựa chọn. Trong không gian phòng triển lãm, khán giả bị mê hoặc bởi những sắc màu tranh của ông.
Bức Biến tấu từ Đoản ca về buổi tối của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Bức Biến tấu từ chuyển dịch màu đen được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ trên khổ 50x70cm, màu nước.
Bức Người thổi sáo 7 được ông vẽ sơn dầu trên toan, khổ 150x150cm.
Bức Thời gian do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ bằng pastel trên khổ 50x70cm.
Bức Một gợi ý từ Họa sĩ Đào Hải Phong, vẽ bằng Pastel trên khổ 50x70cm.
Thiện Nhân