Top Banner

Tìm kiếm


Hành trình gieo sự tử tế của cô giáo một chân

 Thương tật đến 61% sau vụ tai nạn xe, cô giáo trẻ 23 tuổi năm nào đã mạnh mẽ đứng lên để 12 năm sau, chính cô trở thành người truyền cảm hứng và giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ và khó khăn hơn mình.

Cô Minh Tâm mang chân giả và tham gia giải chạy HCMC Marathon 2020
Cô Minh Tâm mang chân giả và tham gia giải chạy HCMC Marathon 2020
Đó là câu chuyện của cô Nguyễn Thị Minh Tâm (35 tuổi, Đồng Tháp), giáo viên dạy toán ở Trường THPT Thiên Hộ Dương (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp). Bằng những nỗ lực và quyết tâm giúp mình và giúp đời, cô vừa được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt Nam năm 2020.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Vừa ra trường, cô giáo trẻ mang trong mình nhiều hoài bão và ước mơ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nhưng không may, một vụ tai nạn xe xảy ra vào năm 2009 khiến cô bị thương tật đến 61%, mất một chân vĩnh viễn. Từ một người có cuộc sống bình thường, mọi thứ đảo lộn khiến cô phải học lại từ đầu và sống một cuộc sống mới.
“Mẹ đã rất sốc khi biết tôi gặp nạn. Bà gần như suy sụp hoàn toàn vì lúc đó tôi là niềm tự hào và chỗ dựa tinh thần cho bà. Một thời gian dài, mẹ không thể chấp nhận và nguôi ngoai cho sự mất mát của tôi. Người làm con như tôi càng đau lòng hơn khi để mẹ phải buồn phiền vì mình”, cô Minh Tâm nói.
Bản thân vừa trải qua một biến cố lớn, ngay lúc đó mảnh đất cô và mẹ được cho ở nhờ lại bị chủ không cho phép ở tiếp. Khó khăn chồng chất khó khăn đến mức cô từng thấy không cam tâm vì có quá nhiều thứ không may xảy đến cùng lúc. “Nhưng tôi nghĩ đó là số phận, đến thời điểm đó thì bản thân phải gặp biến cố như vậy. Đây là cách để tôi tự an ủi mình”, cô Tâm chia sẻ.

Vẫn thấy mình may mắn hơn rất nhiều người

Để vượt qua được cú sốc, người đầu tiên cô nghĩ đến là mẹ. Cô cho rằng làm con phải đặt chữ hiếu lên hàng đầu và quan niệm “ở hiền gặp lành” để vực dậy tinh thần và tiếp tục bắt tay vào công việc giảng dạy. Cuộc sống khó khăn, lương bảo hiểm không đủ chi trả, cô chỉ có thể tiếp tục đi dạy dù lúc đó bản thân vẫn chưa thành thạo trong việc lái xe và sử dụng nạng để đi lại.
Hành trình gieo sự tử tế của cô giáo một chân1

Cô Minh Tâm hỗ trợ học sinh khó khăn

ẢNH: NVCC

“Tôi từng ngã xe trước cổng trường đến mức rơi chân giả ra ngoài, từng nghe những lời nói không hay từ người khác, từng thấy tự ti, mặc cảm về bản thân nhưng hiện tại, tôi thấy mình rất ổn và may mắn hơn nhiều người”, cô Tâm cho biết.
Mất gần 3 năm để ổn định tinh thần và chấp nhận hiện thực, cô giáo trẻ tìm đọc các sách báo và quan sát những người cùng cảnh ngộ để tự an ủi, động viên và tiếp thêm tinh thần cho mình. “Ít ra tôi đã đi được trên đôi chân của mình suốt 23 năm, vì có những người vừa sinh ra đã không có may mắn đó”, cô Tâm nói thêm.
Gặp tai nạn khi đang di chuyển bằng xe máy nên khi phải tập chạy xe máy để tự đến trường, nỗi sợ tâm lý với cô Tâm càng nặng nề hơn. “Những ký ức cũ quay về, điều đó rất đáng sợ nhưng nếu bản thân không vượt qua được, không thể tự lái xe đến trường thì tương lai của tôi và một cuộc sống tốt đẹp cho mẹ sẽ mãi dang dở”, cô nói.

“Cuộc đời sẽ ý nghĩa nếu biết cho đi”

Sau tai nạn, cô Tâm có cái nhìn tích cực hơn và tự cho rằng cuộc đời đang thử thách mình. Từ đó, cô càng yêu nghề và yêu người. Những gì bản thân đã trải qua càng làm cô thấm hơn về nỗi đau, cảm thông hơn cho nhiều số phận và thúc đẩy cô hành động để giúp đỡ những người kém may mắn.
Tháng 3.2015, lần đầu tiên cô bán hoa hồng gây quỹ để giúp đỡ các hoàn cảnh ở trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh. Trong suốt 5 năm làm việc thiện nguyện, cô đã tìm đến với nhiều đối tượng khác nhau. Không chỉ mang quà, cô còn mang theo tinh thần để động viên mọi người.
“Càng gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau, tôi càng có nhiều chuyển biến trong suy nghĩ. Cuộc đời tôi sẽ có ý nghĩa hơn nếu cống hiến được cho cộng đồng. Chúng ta không thể biết được mình có bao nhiêu thời gian để sống mà chờ đợi, vì vậy nếu có thể thì tôi sẽ làm đến cùng”, cô Tâm chia sẻ.
Thời gian đầu, từ việc lập kế hoạch đến đặt hoa, giao hoa cho khách đều do một mình cô thực hiện. Người mẹ già vì thương con mà ngăn cản liên tục; nhưng vì mong muốn được sẻ chia, giúp đỡ cho mọi người đang rất mãnh liệt nên cô Tâm giấu mẹ và lén làm.
Ngoài ra, cô còn thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ như giúp đỡ người già neo đơn, thăm - tặng quà cho bệnh nhân, phát cháo, hớt tóc, gội đầu miễn phí ở bệnh viện...
“Khi câu chuyện của tôi được nhiều người biết đến, tôi có cơ hội để chia sẻ và lan tỏa tình yêu thương đến nhiều người thì lúc đó, mẹ đã rất tự hào và yên lòng về tôi. Tôi mang hai cuộc đời thì càng phải làm mẹ vui gấp đôi, càng phải có trách nhiệm với sự tin tưởng của mọi người”, cô Tâm nói thêm.
Mong muốn đưa hoạt động thiện nguyện vào học đường
Trong tương lai, cô Minh Tâm mong muốn đưa hoạt động thiện nguyện vào học đường để giáo dục đạo đức học sinh hướng đến lối sống yêu thương và sẻ chia, tạo thêm nhiều hoạt động kết nối để giúp người khuyết tật có công ăn việc làm và tự tin hòa nhập với cộng đồng...
“Những thứ mình cho đi sẽ mãi còn đó. Mong mọi người nhớ đến tôi với câu chuyện của một người luôn lan tỏa tình yêu thương và hướng đến sự tử tế”, cô Tâm chia sẻ.

Nguồn: Hành trình gieo sự tử tế của cô giáo một chân | Giáo dục | Thanh Niên (thanhnien.vn)

Không có nhận xét nào