Vẽ cuộc đời bằng đôi chân
Mang trong mình chứng đa khuyết tật bẩm sinh nhưng không đầu hàng số phận, Y Julie tự vẽ lại cuộc đời mình bằng một màu hồng từ đôi bàn chân.
Từ khi chào đời, Y Julie đã mang trong mình chứng đa khuyết tật bẩm sinh. Số phận trớ trêu đã cướp đi đôi tay của cô bé. Không đầu hàng số phận, Y Julie tự vẽ lại cuộc đời mình bằng một màu hồng từ đôi bàn chân.
Món quà của Chúa
Y Julie đậu đại học khiến cả làng Kon Drei (xã Đăk Bla, TP.Kon Tum, Kon Tum) bất ngờ. Chẳng ai nghĩ rằng cô bé không có tay ấy lại có thể đậu đại học. Người làng cứ nghĩ Y Julie sẽ chỉ ở yên một chỗ chứ nói gì đến chuyện đi học hay viết lách. Ấy vậy mà cô bé lại là người đầu tiên trong làng bước chân vào cánh cổng trường đại học.
Ngày chúng tôi đến, ông A Nhứp, già làng Kon Drei, đang ngồi suy tư dưới mái nhà rông. Hỏi về cô bé không tay đậu đại học, ông thốt lên với vẻ tự hào: “Y Julie giỏi lắm! Con bé như món quà của Chúa tặng cho làng vậy. Xưa nay trong làng, thanh niên cứ học hết lớp 12 là nghỉ. Vậy mà Y Julie không tay lại học giỏi hơn người có tay. Giỏi lắm!”.
Theo sự dẫn đường của dân làng, chúng tôi tìm đến căn nhà của Y Julie trên con đường ngoằn ngoèo, nhếch nhác. Thấy người lạ, chị Y Dzoar (39 tuổi, mẹ Julie) ngại ngùng dẫn khách vào nhà rồi trải chiếc chiếu cũ sờn ra lấy chỗ ngồi.
Rót chén nước mời khách, chị Y Dzoar tâm sự, năm 2002, thi trượt đại học, chị ở nhà làm lụng rồi kết duyên cùng anh A Khưnh ở cùng làng. Sau đó không lâu, cả hai bên gia đình đều mừng vui khi biết chị Y Dzoar mang thai. Y Julie vừa lọt lòng, đôi vợ chồng trẻ bàng hoàng khi biết con bị dị tật, không có đôi tay. Chị Y Dzoar chẳng nói nên lời mà ngất lịm đi. Đến khi tỉnh dậy, chị Y Dzoan nhìn sang thấy đôi mắt trong veo của cô con gái xinh xắn đang nhìn mình. Thương cho số phận của con, chị Y Dzoar ôm con vào lòng nức nở khóc.
“Khi đó mình nghĩ, con sinh ra đã không có đôi tay như những đứa trẻ khác nhưng con là máu mủ ruột già của vợ chồng mình. Con là món quà mà Chúa đã ban tặng nên vợ chồng mình phải cố gắng yêu thương, bù đắp lại những gì con đã chịu thiệt thòi”, chị Y Dzoar chia sẻ.
Ngày Y Julie chào đời, dân làng cũng bàn ra tán vào với thân hình dị tật của cô bé. Nhưng hầu như mọi người đều đón nhận cô bé bằng sự yêu thương chân thành.
“Chim cánh cụt” đến lớp
Y Julie sinh ra đã khuyết đôi tay, chân phải bị cong lệch, cột sống vẹo và trên lưng có khối u rất to. Sức khỏe Y Julie lại yếu nên vợ chồng chị Y Dzoar thường xuyên bế con lên viện thăm khám. Để con có thể đi lại được, vợ chồng chị đưa Y Julie đi phẫu thuật nắn bàn chân thẳng lại. Chính những chuỗi ngày tháng cơ cực ấy đã khiến cuộc sống của cô bé chỉ còn một màu u ám. Thân hình khác với bạn bè nên cô bé chỉ thui thủi ngắm nhìn những bạn nhỏ cùng trang lứa vui đùa. Y Julie chỉ biết khóc mếu khi bị bạn trêu và núp dưới gầm giường khi có khách lạ.
Đến khi Y Julie lên 4 tuổi, cô bé đòi mẹ cho đến trường học như các bạn. Thấy con bị khiếm khuyết, sợ không theo kịp các bạn nên chị Y Dzoar đành để con ở nhà. Thế nhưng sự tò mò của con trẻ khi thấy các bạn đều được đi học đã thôi thúc Y Julie đi theo các bạn đến lớp mẫu giáo đầu làng. Chẳng được vào lớp, Y Julie chỉ biết nhìn lớp học qua cửa sổ. Thế rồi cô bé bắt chước các bạn và lấy cây khô kẹp vào chân, viết những nét nguệch ngoạc lên nền đất.
Thấy con cứ đòi đi học, vợ chồng chị Y Dzoar đành mua sách vở, bút về cho con tập viết. Thật bất ngờ, khi vừa nhận được cuốn vở, Y Julie liền lấy chân phải đè lên giữ cuốn vở, 2 ngón cái và trỏ của bàn chân trái kẹp cây bút cố nắn nót. Cuối cùng những ký tự A B C cũng dần hiện ra. Quá đỗi vui mừng, chị Y Dzoar ôm chầm lấy con mà khóc.
Chị Y Dzoar kể: “Mình không biết con học chữ từ đâu. Chỉ mới lần đầu cầm bút, vở nhưng bé đã viết được các chữ cái rồi. Sau này hỏi ra mới biết, con bé học chữ trong lúc đứng ngoài cửa sổ nhìn các bạn học”.
Những ngày đầu cầm bút đôi chân của Y Julie luôn trong tình trạng tê cứng, phồng rộp. Tuy nhiên, chưa lần nào bố mẹ Y Julie thấy cô bé nản lòng, có ý định dừng lại. Thương con, vợ chồng chị Y Dzoar chỉ biết động viên, khích lệ con cố gắng. Từ những nét chữ nguệch ngoạc, dần dần những trang vở của Y Julie là những chữ cái tròn trịa, thẳng hàng.
Những ngày đầu đến lớp, nhìn đứa trẻ không có đôi tay, thầy cô đều tỏ vẻ ái ngại. Nhưng khi thấy Y Julie dùng đôi chân mở cặp, lôi vở ra viết những dòng chữ đều tăm tắp thì mọi người đều ngạc nhiên, thán phục. Tuy khiếm khuyết, nhưng Y Julie luôn cố gắng chăm chỉ học tập để theo kịp các bạn. Những bài nào viết không kịp, giờ ra chơi, Y Julie mượn vở các bạn để chép.
“Hồi đầu đi học em thường bị bạn bè trêu là chim cánh cụt vì không có tay. Khi nghe những lời nói đó em tủi thân lắm, tự nhiên nước mắt cứ ứa ra. Mặc dù bị trêu ghẹo nhưng chưa lần nào em ước mình có tay cả. Bởi vì có ước thì tay cũng không mọc ra được. Em chỉ biết cố gắng học tập thật giỏi để không thấy mình vô dụng”, Y Julie kể lại.
Sau khi bắt đầu học lớp 1, do nhà cách trường khá xa, đường đi lại khó khăn nên Y Julie nhờ các bạn chở đến trường. Những hôm các bạn ốm, Y Julie nằng nặc đòi bố mẹ chở đến lớp để được học con chữ. Ở nhà, ngay cả việc vệ sinh cá nhân, ăn uống, chải tóc… Y Julie đều tự làm, không nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ. Những việc nào khó, không thể sử dụng đôi chân để làm được thì Y Julie mới nhờ sự giúp đỡ của người thân.
“Có lần bố mẹ đi vắng, em không thể tự gài cúc áo để đi học nên cảm thấy vô cùng bất lực. Em loay hoay cả tiếng đồng hồ, mồ hôi nhễ nhại cũng không làm được. Khi đó, em cảm thấy rất buồn chán bản thân. Cũng may có đứa em vừa đi chơi về nên giúp em gài cúc áo để kịp giờ đến lớp”, Y Julie nói.
“Em có đôi chân làm được rất nhiều việc”
Trải qua 12 năm học, năm nào Y Julie cũng đạt được thành tích cao trong học tập, ở lớp cô bé luôn là học sinh khá giỏi. Rồi Y Julie cũng học hết cấp 3. Đứng trước ngưỡng cửa đại học, Y Julie trăn trở không biết nên chọn học ngành hướng dẫn viên du lịch mà em ước mơ bấy lâu hay một nghề khác. Cuối cùng, cô nữ sinh từ bỏ ước mơ của mình bởi sức khỏe không cho phép. Y Julie theo học ngành công nghệ - thông tin của Phân hiệu Trường đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.
Biết Y Julie đậu đại học, một nhà hảo tâm đã tặng cô bé 1 chiếc máy tính. Không có người hướng dẫn nên Y Julie phải tự “vật lộn” với bàn phím. Chỉ mới làm quen với máy tính được ít ngày nên Y Julie gõ bàn phím bằng một ngón cái. Hằng ngày phải nhìn màn hình và đôi chân lò dò tìm con chữ khiến đôi mắt và lưng của Y Julie mỏi nhừ.
Y Julie bộc bạch: “Đôi lúc em thấy các bạn có đôi tay, làm việc gì cũng nhanh, nhìn lại thì mình còn thua các bạn một khoảng cách khá xa. Em chỉ biết tự động viên mình cố gắng làm thật tốt. Em có đôi chân lành lặn, cũng có thể làm được rất nhiều việc thay thế đôi bàn tay.”
Dù lạc quan là vậy nhưng những lúc trái gió trở trời, cơ thể Y Julie luôn bị những cơn đau hành hạ. Có những lúc, cô bé gào khóc như một đứa trẻ lên 3. Nhiều lúc Y Julie lại như một người già kiệt sức vì bị bệnh tật bủa vây. Thế nhưng sau mỗi cơn đau cô bé vẫn gạt đi nước mắt, gồng mình rắn rỏi để khẳng định bản thân không hề yếu đuối.
Theo chị Y Dzoar, xương cột sống của Y Julie thường xuyên bị đau nhức nên gia đình đưa cô bé đi thăm khám. Các bác sĩ tại bệnh viện yêu cầu phải mổ với chi phí 300 triệu đồng. Nếu không được phẫu thuật, sức khỏe của Y Julie sẽ bị ảnh hưởng. Bố mẹ Y Julie đã phải vay mượn bà con, ngân hàng để có tiền chữa trị cho con. Vài hôm trước Y Julie lại kêu đau nên gia đình đưa đi khám ở TP.HCM. Các bác sĩ thông báo Y Julie phải mổ lại lần 2 mới có hy vọng khỏi hoàn toàn.
“Tiền nợ ngân hàng gia đình chưa trả xong, giờ không biết xoay xở ra sao. Nhưng dù có bán đất, bán nhà vợ chồng tôi cũng phải chữa trị để con có sức khỏe, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình”, chị Y Dzoar nghẹn ngào nói.
Theo thầy Hồ Sĩ Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh (TP.Kon Tum), Y Julie là học sinh đặc biệt nhất mà thầy từng gặp từ khi bắt đầu giảng dạy đến nay. Y Julie dù không có đôi tay như bao đứa trẻ khác nhưng em lại có một nghị lực sống rất phi thường. Ở lớp em luôn là học sinh khá và rất hòa đồng với bạn bè.
“Y Julie là một học sinh rất ngoan, chăm chỉ học tập và có tinh thần tự giác rất cao. Đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó. Vì vậy, thầy cô, các bạn trong trường đều quý mến em”, thầy Tuấn nói.
Không có nhận xét nào