Top Banner

Tìm kiếm


Triết lý về cuộc sống qua nghệ thuật khỏa thân

Triển lãm nghệ thuật khỏa thân trực tuyến (Virtually Nude show ) do Nepalian Art tổ chức (từ 20.12.2020 - 31.1.2021), với 57 tác phẩm nghệ thuật của 57 nghệ sĩ từ 20 quốc gia và 12 nghệ sĩ khách mời từ 6 quốc gia tham dự, tạo nên sức hấp dẫn thị giác với các xu hướng, phong cách sáng tạo đa dạng. 2 nghệ sĩ Việt Nam có tác phẩm triển lãm là họa sĩ Mai Đại Lưu và nhiếp ảnh gia Việt Văn (Báo Lao Động).

Tác phẩm “Chiếc ghế màu xanh” (Green Chair) của Chris Bergquist Fulmer (Mỹ).
Tác phẩm “Chiếc ghế màu xanh” (Green Chair) của Chris Bergquist Fulmer (Mỹ).
Không có giới hạn cho sáng tạo

Giám tuyển triển lãm (curaror) là Kapil Mani Dixit và Roshan Mishra (Nepal). Trong đó, Kapil Dixit 42 tuổi là một nghệ sĩ thị giác nổi tiếng người Nepal, có bằng Mỹ thuật tại Đại học Texas tại Arlington, Mỹ. Kapil được coi là nghệ sĩ tiên phong trong việc giới thiệu và quảng bá nghệ thuật hội họa khỏa thân ở Nepal - quốc gia mà từ “khỏa thân” vẫn là một điều cấm kỵ lớn trong xã hội. Cho đến nay, Kapil đã thực hiện 16 triển lãm nghệ thuật cá nhân và hơn một trăm triển lãm nghệ thuật nhóm, hội thảo và biểu diễn ở Nepal, Mỹ và Australia. Năm 2014, Chính phủ Nepal đã tôn vinh anh bằng Giải thưởng Thanh niên Arniko danh giá, công nhận những nghệ sĩ nổi bật và sự đóng góp của họ cho xã hội.

Trong khi đó, Roshan là Giám đốc tại Bảo tàng Taragaon và là một nghệ sĩ thị giác có trụ sở tại Kathmandu. Ông cũng quản lý Kho lưu trữ Kiến trúc Nepal (NAA), được điều hành bởi Quỹ Saraf về Truyền thống và Văn hóa Himalaya, một tổ chức bảo trợ của Bảo tàng Taragaon. Kể từ năm 2014, anh đã liên kết với Bảo tàng và ra mắt Phòng trưng bày Nghệ thuật Đương đại rồi tạo ra một thư viện.

Ở thể loại hội họa, Amit Tejpal (Canada) với tác phẩm vẽ bằng chì mang tên” Welcome To My Boudoir” (Chào mừng tới hồ chứa nước) vừa có sự ẩn giấu mà lại có cả sự công khai của một người đàn bà khỏa thân. Anh bộc lộ quan điểm nghệ thuật: Nghệ thuật của tôi thể hiện sự gợi cảm của phụ nữ. Tôi xem xét giải phẫu nam và nữ để hiểu đúng cấu trúc cơ thể người khi tôi vẽ. Khi thực hiện loại nghiên cứu này, tôi bắt đầu tạo ra sự đồng thuận về những yếu tố khiến chúng ta là con người và chúng ta là sự cân bằng của tự nhiên trong một hình thức khác”.

Nữ nghệ sĩ Ana Bathe (sinh năm 1987 ở Belgrade) hiện đang sống và làm việc tại Berlin, vừa là nhiếp ảnh gia, họa sĩ, nhà điêu khắc, còn là nhà thiết kế trong các bộ trang phục trong tác phẩm của cô ấy, thực sự là một nghệ sĩ thị giác đúng nghĩa. Tác phẩm “Swimming in Oceans” (Bơi trong đại dương) mang dấu ấn của sự lãng mạn trong một nền xanh dịu mắt là bức chân dung tự chụp, phân tích những dấu hiệu nhận diện của giới tính qua màu sắc, chuyển động cơ thể.

Chris Bergquist Fulmer (Mỹ), một nghệ sĩ thị giác là Giáo sư danh dự của Trường Cao đẳng North Lake (Cao đẳng Dallas), nơi bà dạy vẽ và thực hiện các khóa học nghệ thuật khác. Ngoài ra, bà còn tạo ra các tác phẩm đa phương tiện trên giấy và bảng điều khiển, sử dụng các vật thể tìm thấy. Tác phẩm “Green Chair” (Chiếc ghế màu xanh) tạo ra một ám ảnh về những xáo trộn trong nội tâm, về những câu hỏi chưa có lời giải đáp của nhân vật.

Tiếng nói từ Việt Nam và sức mạnh của nghệ thuật “khỏa thân”

Mai Đại Lưu - một trong những họa sĩ trẻ sung sức của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam - có tác phẩm “Fly in the Flower Garden” (Chơi trong vườn hoa) được chọn. Lưu lý giải về bức tranh: “Tôi là chủ thể của tác phẩm, là nhân vật chính của trò chơi và muốn mọi thứ xoay quanh trò chơi của mình. Những ham muốn thể xác của con người được đẩy lên cao trào mạnh mẽ nhất, con người đôi khi trở nên hoang dã như bản năng của động vật, nhất là ở một nơi sâu trong rừng…”.

Việt Văn - Phóng viên Báo Lao Động là nghệ sĩ khách mời - với tác phẩm nhiếp ảnh “Basic Instinct 03” (Bản năng gốc số 3). Tác phẩm thuộc về bộ ảnh “Bản năng gốc” được thực hiện nhiều năm của tác giả. Thông điệp của bức ảnh: Thời đại công nghệ số, tốc độ cuộc sống ngày càng nhanh, con người ta đôi khi tham lam và muốn tận hưởng nhiều thứ cùng một lúc...

Nghệ thuật khỏa thân trong triển lãm Nude trực tuyến do Nepalian Art tổ chức, mang nhiều sắc thái khác nhau và triết lý. Một tác phẩm ấn tượng khác của nghệ sĩ thị giác Costa Gorelov (Nga) mang tên “Berlin Prelude” (Berlin, khúc dạo đầu) được anh bộc bạch trong tuyên ngôn nghệ thuật: “Tôi quan tâm đến việc xé bỏ lớp mặt nạ của nhân vật đối diện với gương khi anh ta bị bỏ lại một mình với những suy nghĩ, khao khát, cảm xúc của mình. Tôi sử dụng ảnh khoả thân như một công cụ để thể hiện sự tổn thương, bất an, đồng thời, niềm đam mê và khát khao cuộc sống, là những thứ vĩnh viễn không thể tách rời… Tôi muốn nói về các mức độ khác nhau trong việc chấp nhận bản thân và vượt qua những mặc cảm, nỗi đau, nỗi sợ hãi của con người, một mặt khiến bạn cảm thấy dễ bị tổn thương và bất lực, mặt khác làm cho bạn mạnh mẽ hơn”.

VIỆT VĂN

 Nguồn: Triết lý về cuộc sống qua nghệ thuật khỏa thân 

Không có nhận xét nào