Top Banner

Tìm kiếm


Phát hiện mới về 2 bức tượng cổ quý hiếm ở Việt Nam

 Bức tượng cổ được người dân phát hiện tại Quảng Ngãi và bức tượng trên ngói thời Trần ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia chứa đựng những thông tin thú vị.

Tượng trên ngói thời Trần (mặt trước và mặt bên)
Tượng trên ngói thời Trần (mặt trước và mặt bên)
Vừa qua, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, gửi một số hình ảnh về bức tượng rất hiếm mà bảo tàng đã tiếp nhận từ người dân vào năm 2011 khi họ phát hiện trong lúc đào huyệt mộ ở xã Phổ Thuận, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi). Tượng cao 36 cm, bằng đất nung, mô tả một vị tướng mặc áo giáp, tay cầm gươm, tuy nhiên do sơ ý nên người dân đã làm gãy cánh tay đó.
Tiếp đến, trên trang web của Bảo tàng Lịch sử quốc gia baotanglichsu.vn ở mục “Vật liệu trang trí kiến trúc thời Lý - Trần thế kỷ 11 - 14” có nói đến một bức tượng quan võ trên ngói bò bằng đất nung như sau: “Tượng mô tả một quan võ với dáng đứng thẳng, trên thân khắc ô hình thoi và hình lá đề. Đế là ngói bò hình chữ nhật cong, màu đỏ gạch. Tượng cao 27 cm, thuộc thời Trần, thế kỷ 13 - 14”. Được biết, bức tượng này do Viện Viễn Đông Bác cổ để lại.
Qua xem xét hình ảnh 2 tượng nêu trên, tôi nhận thấy 2 chiếc mũ ở 2 tượng rất giống với mũ ở bức tượng Kim Cương thời nhà Đường (618 - 907), hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Thượng Hải (Trung Quốc). Có thể thấy chúng đều được thể hiện phần đầu một con hổ và đây chính là loại mũ Đầu hổ của võ quan mà trong sử sách hay nói đến. Thế nhưng, đi vào chi tiết thì 3 chiếc mũ trên 3 tượng có phần khác nhau chút ít ở kiểu dáng. Cụ thể: chiếc mũ trên tượng Kim Cương đời Đường thì nguyên đầu con hổ; mũ ở tượng trên ngói thời Trần ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì nguyên đầu con hổ còn được thêm miếng vải che sau gáy phủ xuống tới vai tượng; mũ ở tượng được phát hiện ở Quảng Ngãi thì ngoài đầu hổ cùng miếng vải che sau gáy ra, còn được thêm phần vành mũ to và hơi thô, nhìn chung hai phụ kiện này (vành mũ, miếng vải che) khá giống với cách thể hiện ở mũ trụ trên các tượng võ quan thời Lê Trung Hưng. Dù vậy, rõ ràng 3 chiếc mũ có sự liên quan với nhau. Vấn đề được đặt ra là 2 bức tượng phát hiện ở Việt Nam có quan hệ như thế nào với tượng Kim Cương đời Đường, chúng thuộc niên đại nào, có phải cũng là Kim Cương hộ pháp hay không?
Phát hiện mới về 2 bức tượng cổ quý hiếm ở Việt Nam1

Tượng Kim Cương đời nhà Đường (Trung Quốc)

ẢNH: TƯ LIỆU CỦA VŨ KIM LỘC

Xét về lịch sử thì tỉnh Quảng Ngãi được thành lập vào năm 1471, thời vua Lê Thánh Tông đã cho lập đạo thừa tuyên Quảng Nam (nay là các tỉnh, thành: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định) gồm 3 phủ là Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhân và tỉnh Quảng Ngãi thuộc phủ Tư Nghĩa. Tiếp đến đầu thế kỷ 16 thuộc về thời chúa Nguyễn, rồi đến thế kỷ 19 là triều Nguyễn. Vì lẽ đó mà niên đại của tượng ở Quảng Ngãi không thể xuất xứ từ đời Đường, mà có lẽ khoảng cuối thời Lê Sơ hoặc thời chúa Nguyễn trước khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương. Còn tượng ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì đã được các nhà nghiên cứu xác định vào thời Trần.
Như vậy, 2 tượng được phát hiện ở Việt Nam có niên đại muộn hơn tượng Kim Cương đời Đường. Đồng thời, qua việc cùng là mũ Đầu hổ nhưng có các điểm khác nhau nêu trên cho thấy mũ ở 2 tượng của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng và tiếp thu mũ Đầu hổ của nhà Đường nhưng không phải là “sao y”, mà có sự thêm thắt mỗi thời mỗi khác. Để rồi đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đã dựa vào rồi chế ra một kiểu mũ Đầu hổ khác, mà hình tượng hổ chỉ còn là dạng phù hiệu gắn trên mũ, đó là mặt hổ phù và các trang sức tượng trưng cho bờm hổ. Kiểu mũ này được tiếp nối đến hết triều Nguyễn.
Về nhân vật thể hiện ở 2 tượng, ngoài chất liệu là đất nung, kích thước cũng rất nhỏ, vì vậy khó có thể cho là để tôn thờ một vị tướng nào đó, mà ở đây lại cho thấy một vấn đề khác. Như bức tượng trên ngói thời Trần có cách thể hiện tương tự bức tượng cầu mưa của Chămpa, nhất là phần dưới với một đầu Makara (thủy quái, biểu tượng của nước) hướng thẳng lên, còn miệng đang nhả ra một người (tượng cầu mưa của Chămpa thì Makara nhả ra con thú). Nếu đúng như vậy thì đây có lẽ là hình tượng Makara đang nhả ra chiến binh, bởi hình tượng này rất phổ biến trong điêu khắc đá của Chămpa và mỹ thuật thời Lý - Trần cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều. Hình tượng người chiến binh mà Makara nhả ra ở bức tượng thời Trần càng củng cố thêm bằng chứng là hình ảnh của Kim Cương hộ pháp (người bảo vệ Phật pháp) thì đúng hơn, và bức tượng ở Quảng Ngãi cũng không ngoại lệ. Đồng thời, nhân vật được gọi là người chiến binh của Chămpa chắc cũng là hộ pháp Dvarapala.

Nguồn: Phát hiện mới về 2 bức tượng cổ quý hiếm ở Việt Nam | Văn hóa | Thanh Niên (thanhnien.vn)

Không có nhận xét nào