Nhìn từ triển lãm 'hỏi': 'Hỏi' là sáng thế
(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp mùa lễ hội cuối năm và đón chào năm mới, 9 nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam là Trần Văn An, Quách Bắc, Ngô Đình Bảo Châu, Nguyễn Trần Cường, Đỗ Hiệp, Trịnh Cẩm Nhi, Thái Nhật Minh, Vũ Bình Minh và Lương Văn Việt đã tham dự triển lãm Hỏi tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom - VCCA.
Do họa sĩ Lê Thiết Cương giám tuyển, triển lãm tập hợp 45 tác phẩm tiêu biểu thuộc nhiều hình thức nghệ thuật đa dạng như hội hoạ, điêu khắc, sắp đặt… Sự kiện nghệ thuật đẳng cấp này sẽ kéo dài đến 28/2/2021. Giám tuyển Lê Thiết Cương đã dành cho Thể thao và Văn hóa bài viết này.
1. Hội họa là gì? Điêu khắc là gì? Sắp đặt là gì?...
Nghệ thuật là gì? Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, câu hỏi chỉ có một, nhưng mỗi nghệ sĩ nên tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Như bất kể một tôn giáo, triết học nào thì cũng phải trả lời được câu hỏi chung về tồn tại là gì, ta là ai?…
Nghệ thuật nào cũng đều đi ra từ đời sống, nhưng đời sống chỉ là gợi ý, là cái ga khởi hành, là nguyên liệu, là đề tài, là nguồn cảm hứng. Tuy nhiên, nghệ thuật đâu chỉ là cảm hứng. Đích đến, ga đến thì nghệ thuật bắt buộc phải tạo ra một đời sống khác, một hiện thực khác. Hiện thực ấy vừa phải là nó mà lại là một nó mới, khác lạ và đẹp hơn, đẹp khác lạ hơn. Thậm chí rốt ráo và lý tưởng thì họ phải tạo ra một hiện thực hoàn toàn chưa có trong hiện thực hoặc đã có trước khi hiện thực này tồn tại. Hiện thực trong nghệ thuật phải song song với hiện thực trong đời sống.
Nghệ thuật chắc chắn chết khi nó bị trùng với đời sống, chạy theo cuộc sống, sao chép cuộc sống. Nghệ thuật và đời sống cách nhau 1% sợi tóc, nhưng nghệ thuật không bao giờ là đời sống cho dù nó đi ra từ chính đời sống rồi lại quay về với đời sống. Nói cách khác, sứ mệnh của kẻ sáng tạo là cá nhân hóa hiện thực ấy.
Hiện thực trước mắt nghệ sĩ là cái “thân” thôi, người vẽ phải đưa được, thổi được cái “tâm”, cái linh hồn vào cái “thân” ấy. Nếu không thì thân ấy mãi mãi vô tri. Tác phẩm là thân/ hiện thực chứa tâm/ nghệ sĩ. 1.000 họa sĩ cùng vẽ một hàng cây, một con phố… thì có nghĩa là họ phải “sáng thế” ra được 1.000 hàng cây, 1.000 con phố khác nhau, trăm người trăm tính là thế.
Người thưởng ngoạn nghệ thuật chỉ cần xem cách các họa sĩ “kể” về hàng cây ấy thế nào, con phố ấy ra sao. Không phải là vẽ gì mà phải là vẽ thế nào? Người nghệ sĩ phải đưa được, phải cấy được cái mã gen, cái ADN, cái vân tay của mình vào cái hình hài ấy thì mới có tác phẩm.
2. Người thì “kể” bằng màu, người “kể” bằng hình, người “kể” bằng đậm nhạt, bằng chất liệu, kích thước, bút pháp, hòa sắc, nhịp điệu, bố cục… Nghệ thuật là sáng tạo, là ánh sáng, là “sáng thế” ra ánh sáng. Các tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy đều có cách “kể” rất cá nhân, bảng màu của Lê Phổ, lụa của Nguyễn Phan Chánh, phố của Bùi Xuân Phái, sơn mài của Nguyễn Gia Trí, tạo hình của Nguyễn Sáng, màu bột và bút pháp của Nguyễn Tư Nghiêm, nét của Lưu Công Nhân… Tác phẩm của họ chính là câu trả lời cho câu hỏi vĩnh cửu “nghệ thuật là gì?”.
Nghệ thuật đủ dài rộng cho mọi cá tính. Nghệ thuật luôn cần tiếng nói cá nhân, nghệ thuật bao giờ cũng là câu chuyện cá nhân. Nếu họ gọi được cái tôi ở trong sâu thẳm lòng mình, tâm tính, tạng tính của mình thì sẽ có nghệ thuật, có tác phẩm. Đi đến tận cùng mình thì sẽ gặp nghệ thuật. Làm nghệ thuật là làm mình, là “đánh nhau với mình”. Làm nghệ thuật chính là hành trình trở về với mình, tìm mình, gọi mình, đi tìm cái “bản lai diện mục”, cái khuôn mặt vốn có của mình.
Văn học là nhân học, nghệ thuật là người, nghệ thuật là cá nhân, là độc bản nhưng lại “đa bản”, đa thanh, đa chiều vì cùng cất lên “tiếng nói người”, bởi lẽ không có bất kể một nghệ thuật nào không cược mình vào yếu tố người, vào tinh thần nhân văn, nhân bản.
Như đã ví dụ về hàng cây, con phố, dòng sông… đằng sau thế giới hữu thể, hữu vi, nhìn được ấy là một thế giới nữa chỉ cảm thấy, nó vô hình, vô vi, nó là chưa biết, là “bến lạ”, là khu vực của nghệ thuật, cho nghệ thuật, cho sáng tạo, là nơi mà nghệ sĩ có thể tìm ra câu trả lời.
Đằng sau một cái gương hoặc bóng đổ của một hàng cây cũng có rất nhiều chuyện, nhiều cổ tích, nhiều hoang đường, nhiều vô lý, nhiều giấc mơ, nhiều bất hạnh, hạnh phúc, buồn vui, được mất… Tất cả đều là dinh dưỡng, là sinh quyển cho nghệ thuật. Cuối cùng thì hiện thực là mảnh đất để nghệ sĩ đặt câu hỏi cho mình.
Cuộc hỏi đáp, đối thoại giữa hiện thực và nghệ sĩ thực chất là độc thoại. Độc thoại trong yên tĩnh, trong câm lặng vì chỉ tận cùng cõi yên lặng ấy mới có thể thấy câu trả lời, yên lặng có vàng ở trong nó, diện bích cũng chính là diện mình. Đối diện mình bao giờ cũng khó nhất. Đi mãi thành đường mà ngồi diện tường cũng sẽ thành đường, thành mình.
Làm nghệ thuật là tự vấn mỗi ngày. Nghi nhiều sẽ ngộ. Nghi hoặc, nghi ngờ cũng chính là hỏi.
Các tác phẩm của 9 nghệ sĩ trong triển lãm Hỏi chính là 9 câu hỏi.
Hỏi rằng nghệ thuật là gì? Tôi sẽ làm nghệ thuật thế nào? Thông điệp mà tôi muốn truyền tải đến người xem là gì?
Họa sĩ, giám tuyển Lê Thiết Cươn
Không có nhận xét nào