Người thầy chiến đấu với ung thư để đứng lớp
Học xong lớp 12, Phạm Đông Phương nghỉ học vào TP.HCM đi làm kiếm tiền nuôi 7 em ăn học, đến năm 36 tuổi mới vào đại học.
Khi các em đều hoàn tất giấc mơ, 36 tuổi Phạm Đông Phương mới bắt đầu vào đại học và 4 năm sau đó bắt đầu đi dạy. Thầy đã dành hết tâm huyết và dùng chính câu chuyện cuộc đời gian khó của mình để dạy học sinh (HS).
Dạy học sinh như dạy con mình
Tại buổi lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vào sáng qua 25.11, câu chuyện của thầy Phạm Đông Phương (dạy môn vật lý, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.11) đã khiến nhiều người xúc động.
Hiện thầy đã 55 tuổi nhưng mới có 15 tuổi nghề do đi học đại học rất trễ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thầy cho biết sinh ra trong một gia đình ở Bình Định có tới 7 người con trai. Là anh lớn, học hết lớp 12 ông phải lựa chọn một trong hai con đường. “Nếu lúc đó tôi đi học tiếp lên cao thì các em tôi sẽ thiệt thòi, phải nghỉ hoặc học không đến nơi nên chốn. Và tôi quyết định vào TP.HCM với hai bàn tay trắng kiếm việc làm. Tôi làm đủ mọi việc, từ bưng bê ở quán, phụ hồ đến đạp xích lô, xe thồ... Làm nhiều đến mức 2 bàn tay toàn nốt chai sạn, vết sẹo. Nhiều lần đạp xích lô chở khách qua các trường đại học, tôi khát khao một ngày mình được vào đây viết tiếp giấc mơ dang dở”, thầy Phương chia sẻ.
Mãi đến khi các em của ông lần lượt tốt nghiệp các trường đại học lớn, như Sư phạm kỹ thuật, Bách khoa TP.HCM... ra trường có việc làm ổn định, ông mới nghĩ cho bản thân mình. Năm đó, ông thi đại học và đậu vào ngành vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
“Lúc đó tôi đi học với các em sinh viên tuổi chỉ bằng nửa tuổi mình. Nhưng để vào được giảng đường đại học, tôi đã đổ rất nhiều công sức và mục đích học là để đi dạy nên tôi học hành rất nghiêm túc và cố gắng để không thua kém lớp trẻ”, thầy Phương kể.
4 năm sau, ông Phương tốt nghiệp đại học và sau khi thi tuyển đã được phân về một trường phổ thông ở Q.9, mỗi ngày đều đặn đi hơn 20 km tới trường. Sau này ông được chuyển về Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.11).
Rất khó khăn để đến được với công việc mơ ước cả đời mình nên ông Phương cho biết ông dạy HS như dạy con mình. “Trước hết, để HS thích thú với môn học thì phải tạo được sân chơi cho các em. Môn vật lý khá khô khan và khó học, trong khi đó hai trường tôi dạy, đầu vào của HS khá thấp, do vậy để các em hứng thú với nghiên cứu khoa học, đam mê môn học này, tôi phải cho các em chơi trước, giống như khi cho trẻ uống thuốc đắng thì mình phải bọc đường bên ngoài để các em dễ uống”, thầy Phương cho biết.
Dạy học sinh biết yêu thương, trân quý những gì đang có
Chia sẻ về công việc của mình, thầy Phương nói: “Tôi rất nghiêm khắc với việc học vì tôi cứ ngẫm cuộc đời mình nếu không học thì không thể thoát ra được nghèo khó. Tôi đã trải nghiệm nhiều rồi nên tôi lấy chính cuộc đời mình để động viên, tạo khát vọng để các em vượt lên, thay đổi cuộc đời...”.
Thầy Phương đã tạo ra rất nhiều sân chơi để HS thỏa sức sáng tạo, như những cuộc thi chế tạo mô hình tên lửa, làm xe đua thế năng, máy rửa tay tự động... Khi được vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, HS không khỏi háo hức, đồng thời các em cũng học được cách làm việc nhóm.
Ông luôn động viên HS tự tin tham gia các kỳ thi, sân chơi lớn của thành phố. Và không ít HS của ông đã đoạt được nhiều giải thưởng lớn như huy chương vàng vật lý 10 Olympic không chuyên; giải nhất HS giỏi TP.HCM, huy chương đồng vật lý 11 Olympic chuyên...
Nhưng đằng sau nhiệt huyết của người thầy tóc đã ngả màu, ít người biết rằng hằng ngày ông vẫn phải chống chọi căn bệnh ung thư gan để được đứng trên bục giảng. “Tôi bị ung thư gan hơn 3 năm nay, hiện đã mổ cắt bỏ khối u nhưng vẫn bị tái phát liên tục. Nhiều khi đang đứng giảng bài, cơn đau ập đến, tôi lại phải ngồi xuống nghỉ ngơi dăm ba phút, khi cơn đau qua đi tôi lại đứng dậy cầm phấn tiếp tục bài giảng của mình. Nhiều người bảo tôi nghỉ làm đi để chuyên tâm chữa bệnh, nhưng với tôi đi dạy là công việc mơ ước cả đời, là niềm vui cuộc sống để tôi tiếp tục chiến đấu với bệnh tật”, thầy Phương nói.
Sáng 25.11, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức trao giải thưởng Võ Trường Toản cho 50 giáo viên, nhà quản lý giáo dục tiêu biểu. Họ là những người tích cực trong đổi mới, sáng tạo và có nhiều đóng góp cho nền giáo dục của TP.HCM. Đây là giải thưởng thường niên, năm nay là lần thứ 23.
Không có nhận xét nào