Kỳ thú công viên địa chất toàn cầu
Việt Nam hiện có 3 công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận và một công viên khác đang trên đường xét duyệt. Tuy nhiên, việc khai thác mới chỉ ở bước chập chững.
Ở nơi đá cũng thành hoa
TS Nguyễn Xuân Nam, Viện Địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT), vẫn nhớ hình dáng của những khối san hô hóa thạch đẹp kỳ lạ mà ông gặp ở Lý Sơn (Quảng Ngãi). Hiện tại, đó là một trong những yếu tố để làm hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu ở Lý Sơn. Hồ sơ hiện đang trong giai đoạn chờ UNESCO xét duyệt. “Khối san hô đầu tiên tôi gặp ở chùa Hang cao gần 2 m, rộng 1,5 m. Nó giống cái cối xay ở đồng bằng Bắc bộ nên chúng tôi đặt tên là san hô cối xay. Nhưng về sau nhìn lại thì thấy nó cũng giống bông hoa hồng. Đẹp lắm”, ông Nam nhớ lại.
Ở Đắk Nông, hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu đã được UNESCO công nhận. Bên cạnh những đặc điểm độc đáo về địa chất, nơi đây còn mang giá trị khảo cổ to lớn sau khi các nhà khoa học tìm thấy di cốt người cổ ở hang núi lửa Krongno. “Đắk Nông có hệ thống hang động núi lửa với hàng trăm hang, mang giá trị nghiên cứu khoa học vô cùng lớn. Bộ KH-CN cũng công nhận đây là một di chỉ khảo cổ học và việc tìm thấy nó là sự kiện lớn”, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho hay.
Hiện tại, Việt Nam có 3 công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, và mới nhất là Công viên địa chất Đắk Nông vừa được UNESCO công nhận hồi tháng 7 với tiềm năng du lịch rất lớn. “Chúng tôi đang cùng các nhà khoa học xây dựng nội dung tour du lịch nghiên cứu khoa học về địa chất. Từ đó, có thể phát triển sinh kế bền vững để tạo sự chủ động trong xóa đói giảm nghèo”, bà Hạnh nói.
PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, cho biết loại hình du lịch khoa học về địa chất có tên tiếng Anh là geotourism. Trong đó, công viên địa chất là nơi để giới thiệu với du khách về khoa học địa chất và khoa học trái đất nói chung. “Trong một tuyến tham quan, ví dụ 100 điểm một ngày thì người ta sẽ cho vào đó một số điểm di sản địa chất. Thí dụ như miệng núi lửa, hang núi lửa hoặc một thác nước. Sau đó người ta mới giải thích nguồn gốc, cơ chế hình thành, các nghiên cứu liên quan này kia. Những cái đấy nói chung khá mới mẻ với khách du lịch và các tour bình thường ít ai biết để giới thiệu”, theo ông Văn.
Gieo mầm đại sứ
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, các tour du lịch ở Đắk Nông đã xác định 44 điểm đến, hình thành 3 tuyến du lịch có tên Trường ca của lửa và nước, Bản giao hưởng của làn gió mới và Âm vang từ trái đất. Trong đó có những điểm đến là hang động núi lửa hình thành từ 3,5 triệu năm trước của công viên địa chất hay các thác nước như Đray Sáp, Gia Long, thác Lụa, Lưu Ly, Bảy tầng... và những vườn quốc gia Tà Đùng, Nam Cát Tiên cũng như Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung.
Tại Cao Bằng, ông Vi Trần Thùy, Phó giám đốc Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, cho biết hiện chương trình Đại sứ công viên địa chất đang được triển khai ở 6 trường trung học. Đây là mô hình được UNESCO thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới. “Năm nay chúng tôi triển khai ở 3 trường trung học cơ sở, 3 trường trung học phổ thông. Các bạn được trang bị kiến thức về quê hương, đi đâu đó thì góp phần giới thiệu. Mỗi bạn sẽ trở thành một đại sứ có vai trò giới thiệu về công viên”, ông Thùy nói.
Nội dung về công viên địa chất mang nhiều tính học thuật nên cách triển khai mô hình đại sứ cũng rất linh hoạt. Học sinh và thầy cô dựa trên điểm thực tế để thành lập kế hoạch trải nghiệm. Sau đó, các em thu thập hình ảnh, clip từ thực tế rồi tự tuyên truyền theo hình thức, ngôn ngữ mà các em thích. “Chuyên gia cũng đánh giá đó là cách để đạt mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc”, ông Thùy nói.
Bên cạnh đó, vẫn có các chương trình đào tạo hướng dẫn viên cộng đồng để hướng dẫn tại điểm đến. “Với các tour công viên địa chất, hiện giờ các ban quản lý có một số thuyết minh viên. Ngoài ra, các công viên địa chất cũng tổ chức tập huấn cho hướng dẫn viên của các hãng lữ hành. Chuyên gia UNESCO cũng sẽ hỗ trợ. Về chất lượng, cái này hiện cũng không đòi hỏi khắt khe lắm, và khắt khe cũng không làm được ngay nên làm từ từ thôi. Mọi chuyện sẽ tốt dần”, PGS-TS Trần Tân Văn cho biết thêm.
Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO là danh hiệu dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội... Tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Một công viên địa chất toàn cầu UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
Nguồn: Kỳ thú công viên địa chất toàn cầu | Văn hóa | Thanh Niên (thanhnien.vn)
Không có nhận xét nào