Giải pháp cho mô hình nhà ở chống lũ tại khu vực ven biển Việt Nam
(Xây dựng) – Các mô hình nhà ở chống bão lũ cho khu vực ven biển tại Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cần phải cải thiện để tăng cường khả năng hạn chế thiệt hại về người và của mỗi dịp bão lũ tràn về.
Các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam đang phải chịu tác động rất lớn của bão, lũ (Ảnh: VGP). |
Biến đổi khí hậu đang tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, đặc biệt là mô hình cư trú của người dân khu vực ven biển.
ThS.KTS Nguyễn Quốc Hoàng - Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) đánh giá, đây là mối quan hệ có tác động qua lại hai chiều. Lĩnh vực xây dựng, kiến trúc cần thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng các hoạt động cư trú, xây dựng cũng có tác động đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng mô hình nhà ở chống bão, lũ cho các khu vực ven biển tại Việt Nam là một nhiệm vụ rất cấp bách.
An toàn, bền vững và kinh phí hợp lý
Thực tế cho thấy, một số mẫu nhà được xây với kinh phí hàng trăm triệu đồng cho một hộ dân thì tính phổ biến và khả năng nhân rộng là rất hạn chế. Do đó, việc thiết kế và xây dựng nhà ở cho vùng bão lũ, ngập lụt sẽ phải giải quyết bài toán giữa nhu cầu sử dụng an toàn, bền vững với chi phí xây dựng mà người nghèo cũng có thể làm được, hoặc cộng đồng có thể vào cuộc để giúp đỡ nhiều người.
Người dân có thể lợi dụng địa hình, cây cối để giảm tác động trực tiếp của gió bão (Ảnh: Khoa học đời sống). |
Về giải pháp thiết kế, nhà ở vùng thiên tai sẽ mang sắc thái riêng biệt thay đổi theo tập quán, lối sống của dân cư từng vùng miền. Chính vì vậy, kiến trúc sư cần nghiên cứu các khối không gian chức năng cơ bản như không gian ngủ, sinh hoạt… nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng, đặc biệt là khả năng chống chịu trước thiên tai như gió, bão, lũ lụt.
Về kiến trúc, Viện Kiến trúc quốc gia có 8 lưu ý khi xây dựng nhà ở chống bão lũ ở khu vực ven biển. Một là chọn vị trí tốt, lợi dụng địa hình để giảm tác động trực tiếp của gió bão. Hai là xây dựng công trình có hình khối đơn giản như hình vuông, hình chữ nhật để giảm tối thiểu sự cản gió. Ba là thiết kế một khu vực kiên cố trong nhà làm chỗ trú ẩn. Bốn là thiết kế nhà có cửa sổ mái như một bộ phận của mái nhà để dễ dàng thoát hiểm.
Năm là xây dựng mái nhà bê tông cốt thép sẽ tốt nhất. Nếu làm nhà mái ngói thì mái không nên đua ra khỏi tường quá nhiều, trần phải có độ dốc mái trong khoảng 30 – 45 độ để hạn chế tối đa áp lực gió và đảm bảo thoát nước mái. Sáu là không nên làm mái hiên ở đầu hồi hay góc nhà, không làm mái hiên đưa ra rộng. Mái hiên cũng không nên xây liền với mái chính mà nên làm thêm trần phẳng và trần sát mái để gia cố cho mái hiên. Bờ mái rất dễ bị phá hoại nên cần xây bờ chắn mái.
Bảy là tránh bố trí các cửa lệch nhau, gió vào nhà không thoát ra ngoài, tạo gió quẩn trong nhà gây áp lực lên tường đối diện và mái. Tám là xây dựng gác lửng đóng vai trò làm nơi trú ẩn và cũng làm giằng tường tăng độ vững chắc cho khung nhà. Chiều cao của gác lửng phụ thuộc vào mực nước lụt cao nhất của khu vực có thể dâng tới trong những năm gần nhất.
Về kết cấu, có 3 nguyên tắc cơ bản áp dụng cho công trình vùng gió bão nhằm đảm bảo các bộ phận cùng chịu tải trọng khi chịu áp lực của gió bão, đó là “neo – giằng – liền khối”.
Nhà ở chống bão lũ vùng biển cần có liên kết chặt chẽ, liên tục cho kết cấu từ móng đến mái theo 2 phương ngang và thẳng đứng. Mẫu nhà này cũng phải sử dụng kết cấu khung chịu lực, hệ thống giằng cứng trong các mặt phẳng của khung để tăng khả năng chịu lực xô ngang và chống rung cho công trình, đặc biệt là tăng cường kết cấu xung quanh các phòng đòi hỏi an toàn cao nhất như phòng trú ẩn.
Trong khi đó, vật liệu xây dựng của nhà ở chống bão lũ nên áp dụng công nghệ và giải pháp xây dựng tiên tiến, thích hợp với điều kiện thi công và kỹ năng xây dựng của từng địa phương, ưu tiên sử dụng vật liệu sinh thái thích ứng với môi trường.
Ngoài ra, Viện Kiến trúc quốc gia cũng khuyến khích sử dụng vật liệu địa phương để giảm chi phí trong xây dựng và tạo ra sắc thái riêng, hạn chế sử dụng gỗ trong xây dựng. Hiện nay có 3 loại vật liệu phổ biến dùng để xây dựng nhà chống bão lũ ở vùng biển, đó là vật liệu chống gió, vật liệu chống lũ và vật liệu chống ẩm, chống ăn mòn, mối mọt.
Hệ kết cấu chịu lực và kết cấu nổi của mô hình nhà phao chống lũ. (Ảnh: Kiến Việt). |
4 mẫu nhà ở chống bão lũ
Theo phân loại của Viện Kiến trúc quốc gia, Việt Nam hiện có 4 mẫu nhà ở chống bão lũ phổ biến, đó là nhà chòi chống lũ có kết hợp phao nổi (chứa gia súc, gia cầm); nhà phao nổi; nhà sàn chống lũ, nhà tôn nền cao; nhà có gác xép lửng, không gian cứu trợ.
Trong đó, nhà chòi chống lũ có kết hợp phao nổi được làm bằng khung bê tông cốt thép ngay trong khuôn viên đất của gia đình, kinh phí xây dựng khoảng 15 triệu đồng. Khi lũ lụt đến, mọi đồ đạc cần thiết có thể vận chuyển lên nhà khung. Người và gia súc có thể ở trong đó an toàn khoảng 7 – 10 ngày.
Mẫu nhà phao nổi thì có thể giúp người và tài sản tránh lũ khi lũ về, còn khi trời tạnh ráo có thể sử dụng như nhà kho cất trữ đồ đạc, lương thực… Tùy theo kích thước mà chi phí xây dựng các ngôi nhà phao nổi sẽ dao động từ 15 – 30 triệu đồng. Nhưng tuổi thọ công trình này khá thấp và có khả năng nhà bị lật khi gặp dòng lũ xoáy.
Đối với nhà sàn chống lũ, nhà tôn nền cao, nền nhà sẽ được nâng lên trên mặt đất khoảng 3m (tùy thuộc vào mức lụt cao nhất tại địa phương). Khi không có lũ, người dân có thể dựng vách, liếp che tầng 1 để sinh hoạt hoặc chăn nuôi gia súc. Khi có lũ, tầng 2 được sử dụng là nơi sinh hoạt và tránh lũ.
Mẫu nhà cuối cùng là nhà có gác xép lửng, không gian cứu trợ. Độ cao của gác lửng hoặc sàn thường được thiết kế cao hơn mức ngập cao nhất tại địa phương. Gác lửng có thể linh hoạt lắp đặt thêm cho những ngôi nhà đang có sẵn.
Mô hình nhà sàn, nhà tôn nền cao để chống lũ (Ảnh: Kiến trúc giác quan). |
Hạn chế và kiến nghị
Về cơ bản, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong vùng thiên tai là các hộ nghèo không có nhà ở kiên cố. Để xây dựng nhà an toàn đúng quy trình, cần phải đầu tư khoảng 20 - 50 triệu cho xây mới và 10 triệu cho cải tạo, gia cố. Mỗi mẫu nhà sẽ có ưu nhược điểm riêng, nhưng hạn chế về kinh phí sẽ khiến các khu vực trú ẩn không tiện nghi cho sinh hoạt thường nhật.
Phần lớn các mẫu đang áp dụng trong thực tế chưa được nghiên cứu kỹ về giải pháp cấp điện, cấp nước, dự trữ thức ăn, điều kiện vệ sinh hay đi lại giữa các khu vực nếu ngập lụt dài ngày. Mặt khác, các tổ chức, cá nhân vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ mà vẫn diễn ra đơn lẻ, tự phát.
Dựa trên tình hình đó, Viện Kiến trúc quốc gia có đưa ra 6 đề xuất để cải thiện mô hình nhà ở chống bão lũ cho khu vực ven biển Việt Nam. Một là tiếp tục triển khai thiết kế mẫu, nhân rộng ra toàn quốc, giao cho Bộ Xây dựng ban hành mẫu thiết kế công trình công cộng và nhà ở nông thôn đảm bảo yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Hai là nghiên cứu thiết kế mẫu nhà ở cộng đồng tránh trú bão lụt tại các địa phương, đề xuất giải pháp thiết kế lồng ghép các công trình công cộng kết hợp điểm tránh trú bão như hội trường UBND xã, nhà văn hóa thôn, trường học các cấp... Ba là đưa ra giải pháp cho nhà phòng, chống lũ, lụt chủ động, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, có tuổi thọ cao hơn và tạo điều kiện cho người dân tự xây dựng nhanh chóng, đơn giản.
Bốn là đẩy mạnh các thiết kế điển hình, cấu kiện được lắp đặt sẵn tại công trình xây mới, đảm bảo rút ngắn thời gian thi công và hiệu quả kinh tế. Năm là đối với công trình được xây liền kề, nối với nhà ở đã có, đưa ra các giải pháp kết nối linh hoạt đảm bảo cảnh quan chung và tận dụng tối đa các công trình đã có. Sáu là kiến nghị Bộ Xây dựng tiến hành xây dựng thí điểm và hướng dẫn áp dụng cho người dân địa phương để thiết kế mẫu thực sự đi vào cuộc sống.
Dịch Phong
Nguồn: Giải pháp cho mô hình nhà ở chống lũ tại khu vực ven biển Việt Nam | Xã hội (baoxaydung.com.vn)
Không có nhận xét nào