Top Banner

Tìm kiếm


Cõi điêu khắc Phạm Cung

 (Thethaovanhoa.vn) - Dù rất nổi tiếng với các bức họa vẽ chủ đề nhạc Phạm Duy (hơn 300 bức) và thiếu nữ (hơn 400 bức) suốt nửa thế kỷ qua, nhưng Phạm Cung lại vốn là dân điêu khắc, vì khan hiếm vật liệu đúng ý riêng, mà phải tạm dừng. Khi ông mất, nhìn lại hàng chục bức tượng mà Phạm Cung sáng tác, nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm nhận định: “Tượng đẹp ghê. Biểu lộ được tinh thần nhân vật một cách tuyệt vời”.

Còn nhớ, tại phiên đấu giá Hội họa Việt Nam thế kỷ 20 và đương đại của nhà Lý Thị hồi 13/1/2019, tượng đá thi sĩ Bùi Giáng của Phạm Cung đã gây ấn tượng mạnh. Nhất là với những người làm nghề sinh sau 1975, lúc này họ như tái phát hiện lại cõi điêu khắc Phạm Cung. Theo ước tính, ông đã sáng tác gần 200 bức tượng chân dung trong suốt cuộc đời làm nghề, kể từ năm 1956.
Khối, hình ấn tượng
Nói về bạn mình, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng chia sẻ: “Rất khó để nói về cõi điêu khắc Phạm Cung, dù chúng tôi biết nhau từ năm 1962 ở Quảng Ngãi. Ban đầu, Phạm Cung rất mê cách tạo hình của họa sĩ Duy Liêm. Sau bao biến đổi, anh vẽ nhiều hơn làm tượng, càng rất ít công trình điêu khắc. Anh chỉ thích mảng chân dung, với những bức tượng mang nét kỷ hà, tạo khối ấn tượng. Nhân vật chỉ là chất xúc tác để anh nhập vào khối mảng, bày tỏ suy tư. Phạm Cung ký tên ngược trên các tác phẩm, nên tính nết cũng khó, khi như trẻ thơ, khi như đạo sĩ, lúc vui lúc buồn… Dù làm việc không ngưng nghỉ, nhưng tôi tin rằng Phạm Cung chắc khó bằng lòng với chính mình, nên lúc nào cũng ray rứt, đau đáu về những tác phẩm trong dự định. Nay thì chỉ biết nói lời tiễn bạn, những gì bạn đã làm, sẽ còn nhiều người nhớ”.
“Điêu khắc chân dung của Phạm Cung hư hư thực thực, ở đó ông không đặc tả chi tiết, mà nhào nặn lấy cái thần của nhân vật. Ông không gọt giũa, trau chuốt, mà gom góp nên cái tình trong từng tác phẩm” - điêu khắc gia Thái Nhật Minh nhận xét.
Chú thích ảnh
Họa sĩ điêu khắc gia Phạm Cung. Ảnh: Phong Quang
Còn với điêu khắc gia Bùi Hải Sơn thì: “Tượng chân dung bán thân hoặc toàn thân cho người xem cảm nhận ngay tức thì về đặc thù của điêu khắc thời đại ông sống: phong cách điêu khắc Sài Gòn. Trực giác trong tạo khối, biểu hiện xúc cảm qua bề mặt chất liệu là tính chất riêng trong các tượng chân dung của ông - như ông tự nhận. Điều này rất hiếm gặp ở những người làm điêu khắc hiện nay".
"Điêu khắc vốn nặng nhọc, nên càng rất trân trọng hơn khi thấy một nghệ sĩ bước qua tuổi 80 mà vẫn còn ôm ấp sáng tác. Phạm Cung là đại diện của một thế hệ mà xã hội và lịch sử đã qua đi, nhưng dấu ấn cá nhân vẫn còn đậm nét”.
Cực đoan về vật liệu
Rất gần gũi với Phạm Cung lúc sinh thời, nhà thơ Trần Hoàng Nhân cho biết: “Phạm Cung rất cầu kỳ về mặt vật liệu, đồng phải là đồng lá nguyên chất, đất phải lấy ở Châu Ổ (Quảng Ngãi), đá phải lấy ở gần khu vực Mỹ Sơn (Quảng Nam)... Vì yêu cầu vật liệu cao, giám sát thi công thì khó khăn, ông gần như ăn ngủ cùng mâm với thợ, nên giá thành rất cao. Phạm Cung thì không thể làm tượng đài hoặc trúng thầu các công trình nhiều tiền, do tính cách ngông và cầu toàn, thấy thích mới làm, nên càng khó tái đầu tư cho các tác phẩm điêu khắc khác".
Chú thích ảnh
Thi sĩ Bùi Giáng theo cách nhìn của Phạm Cung
"Với ông, dường như điêu khắc mới là cõi mộng, nên chọn vẽ để nuôi điêu khắc. Ông vẽ trên tất cả các vật liệu, nhiều chủ đề, miễn đạt yêu cầu khách hàng và thẩm mỹ. Ông ít vẽ tranh khổ lớn, thậm chí vẽ rất nhiều bức bằng bàn tay để ai mua cũng được và dễ dàng mang đi".

"Ông lấy tiền bán tranh làm tượng. Tượng của ông thường chỉ là chân dung của bạn hữu và những nhân vật mà ông yêu thích. Trong căn phòng bé xíu của mình, mỗi ngày ông ngồi uống trà hoặc uống rượu rồi ngắm tượng, như đang ngồi với bạn bè ở phương trời xa hoặc đã khuất”.
Từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn năm 1956, Phạm Cung và thầy của mình là họa sĩ Duy Liêm đã làm rất nhiều việc liên quan đến mỹ thuật, từ gốm, sơn mài, phù điêu, vẽ bìa nhạc, bìa sách, bích chương quảng cáo, vẽ minh họa thơ văn. Phạm Cung đã kinh qua hầu hết các vật liệu, chất liệu, ngôn ngữ… rồi trụ lại với chủ nghĩa lãng mạn khi vẽ tranh, làm thơ. Ông rất tài tình khi lồng chủ đề thiếu nữ vào các ca khúc của Phạm Duy, từ đó vẽ nên những tác phẩm lãng mạn, với ngôn ngữ đặc trưng của hội họa miền Nam trước 1975.
Chú thích ảnh
Ngược lại sự mềm mại của hội họa, điêu khắc Phạm Cung thường không gọt giũa, trau chuốt
Nhưng với điêu khắc thì ông mạnh mẽ, gân guốc, riêng tư hơn, gần như không chiều chuộng nhân vật và thị hiếu. Như bức tượng Bùi Giáng chẳng hạn, đó là khoảnh khắc mà ông muốn nắm bắt, truyền tải, nên không cần điển hình hóa, đặc trưng hóa.
“Riêng về đất nung thì tôi chịu ảnh hưởng của người Chăm rất nhiều. Từ nhỏ, tôi đã say mê điêu khắc Chăm và khi có điều kiện tôi đã học hàm thụ ngành địa chất để hiểu rõ hơn về nguyên liệu mỹ thuật Chăm. Người Chăm được thiên nhiên ưu đãi và biết tận dụng thiên nhiên nên họ đã rất thành công trong điêu khắc thánh tượng” - sinh thời, Phạm Cung đã chia sẻ như vậy với nhà báo Hà Đình Nguyên.
Vĩnh biệt Phạm Cung
Sáng nay (9/12), vào lúc 6h, linh cữu của Phạm Cung được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa (TP.HCM). Ông mất lúc 11h ngày 5/12/2020, theo giấy tờ thì ông sinh năm 1936 tại Quảng Ngãi, nhưng thực tế sinh năm 1932 (Nhâm Thân). Ngoài vẽ tranh và điêu khắc, Phạm Cung còn làm thơ, viết văn... với một số tác phẩm đã xuất bản.
Văn Bảy

Không có nhận xét nào