Top Banner

Tìm kiếm


Bí ẩn Đền Trần Thương: Huyền bí giếng khẩu

 Nhìn từ trên cao, đền Trần Thương có hình dáng như một người phụ nữ với đặc trưng là 5 giếng nước.

Giếng khẩu /// SƠN KHÊ
Giếng khẩu
SƠN KHÊ
Người phụ nữ này đầu gối lên gò đất và tóc xõa cao về phía bắc, mặt nhìn về phía nam. Hai giếng lớn phía nam có tên là giếng nhũ, được ví như hai bầu sữa, không bao giờ cạn dù trời hạn hay trời mưa. Hai giếng phía bắc gọi là hai giếng nhĩ, ví như hai cái tai, một bên luôn đầy nước và một bên luôn cạn. Ở giữa là giếng khẩu, ví như miệng và cũng là nơi trung tâm của ngôi đền, gìn giữ những huyền bí tâm linh, nước lúc nào cũng ở chừng mực, không đầy và không cạn.

Khám phá giếng khẩu

Đền Trần Thương được thiết kế hình chữ Quốc với ba cấp. Tiền đường (cung đệ tam) là cung công đồng, nơi tụ họp của công đồng dân chúng. Cổ lâu trước cung đệ tam vẫn còn những hàng chữ tượng hình mà ý nghĩa vẫn là những bí ẩn. Phía sau ban công đồng là nơi thờ ngũ hổ thần tướng. Trong số các di tích của nhà Trần, duy nhất nơi đây, ngũ hổ thần tướng được thờ bên trong nhà.
Ngay phía sau của cung thờ ngũ hổ thần tướng chính là hòn giả sơn, phía trên của hầm mộ quay ra giếng khẩu. Xung quanh hòn giả sơn là tượng linh vật được bài trí rất sinh động. Phía dưới chính là cửa hầm nơi có hai con nghê đá đứng canh cửa hầm. Ông Phạm Hải Hưng, thủ nhang nhà đền, dẫn lời các cụ già địa phương nói rằng trước hầm này là hầm mở, người ta tìm thấy có chóe sứ, than củi hay vỏ trấu - những dấu chỉ gần với chỉ dẫn trong Đại Việt Sử ký toàn thư nói về việc hỏa táng và chôn trong bình hình tròn.
Cửa hầm quay ra giếng khẩu với làn nước trong vắt, lắng đọng sự giao thoa của trời đất. Đó là một cái giếng thông giữa trời và đất với những thiết kế tuyệt vời. Đêm về, ánh trăng soi chiếu xuống không gian của giếng khẩu và tám nàng tiên bước ra trong những bức họa bên những cánh cửa gỗ tạo nên một cảnh tượng vô cùng độc đáo.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Nguyễn Quang Minh, việc cấu trúc giữa đền mà có một cái hố (giếng) là một dấu chỉ đặc biệt, hướng đến những tín hiệu đặc biệt. Theo tính toán của bố cục phong thủy, nơi giếng khẩu là vị trí miệng thì vị trí chôn cất xương cốt sẽ tương đương vị trí của mũi trên khuôn mặt. Vị trí đó tương ứng với cung cấm (cung đệ nhất) của ngôi đền.
Bí ẩn Đền Trần Thương: Huyền bí giếng khẩu1

Giếng khẩu nhìn từ trên cao

Trong tờ 10b, quyển 6, kỷ Nhà Trần của sách Đại Việt Sử ký toàn thư, đoạn nói về cái chết của Hưng Đạo Vương, có nói đến việc Ngài kêu gọi nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân. Tờ 11a và 11b có nói về việc sau khi ông qua đời và được lập đền thờ: “Đến nay, mỗi khi đất nước có giặc vào cướp, đến lễ ở đền ông, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng có thắng lớn”. Những thứ này đều thấy ở đền Trần Thương.
Tuy nhiên, tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên thì cho rằng việc xác định những giá trị lịch sử như thế này cần phải có những nghiên cứu khảo cổ nghiêm túc, những cuộc khai quật khảo cổ rộng lớn nhưng điều này đến giờ chưa thể thực hiện. Với những gì được dặn dò qua chính sử thì kể cả đào lên để thấy được những dấu hiệu khả tín cũng khó mà khẳng định tính chính xác, ngoại trừ xác định được niên đại.

Di sản kiến trúc độc đáo

Tổng thể ngôi đền là một sự độc đáo thì mỗi cung, mỗi góc, mỗi đường nét chạm khắc cũng là những chi tiết độc đáo và thú vị. Cung đệ nhị là nơi thờ các võ tướng công thần, những người đã đi cùng với Đức Thánh Trần trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông như Yết Kiêu, Dã Tượng. Cung cấm (cung đệ nhất) là nơi thờ Đức Thánh Trần. Tại đền còn lưu trữ hàng trăm cổ vật có giá trị nghệ thuật cao, 38 đạo sắc phong... Đặc biệt là một thanh kiếm bạc vỏ đồi mồi, hằng năm được đem ra lau chùi rồi lại đưa lên thờ. Tương truyền đó là thanh kiếm từ thời Đức Thánh Trần truyền lại. Những cổ vật tìm thấy khi khai quật khảo cổ có niên đại từ đời Trần và những đồ được thờ cúng nơi đây chính là những giá trị độc đáo của đền Trần Thương.
Phía sau tam cung với 15 gian của đền chính còn có một ngôi miếu nhỏ thờ mẫu. Nhưng ở đây, câu chuyện không hẳn là thờ mẫu theo tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ mà ở đó có bóng dáng huyền sử của người đàn bà đã giúp đỡ vua quan nhà Trần đánh giặc. Một kết cấu thờ cúng rất độc đáo, thể hiện đạo lý của người Việt khi đề cao vai trò của những người phụ nữ, uống nước nhớ nguồn. Đằng sau các chiến công, sự âm thầm đóng góp luôn được ghi nhận.
Theo ông Mai Thành Chung, Phó bí thư Huyện ủy Lý Nhân (Hà Nam), sự độc đáo của đền Trần Thương nhắc nhở rất nhiều điều với hậu thế. Cùng với ngôi miếu nhỏ ghi nhận công ơn của những người âm thầm đứng phía sau thì kho lương phía trước được mở hằng năm cũng là một sự độc đáo của đền Trần Thương. (còn tiếp)

Không có nhận xét nào