Top Banner

Tìm kiếm


Ba kịch bản kết nối xe buýt khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoạt động

 Sở GTVT Hà Nội lên kịch bản chi tiết điều chỉnh luồng tuyến mạng lưới xe buýt hiện hữu khi đường sắt Cát Linh vận hành…

Điều chỉnh tuyến kết nối dọc - ngang, tránh lộ trình trùng lặp

Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, để phục vụ cho sự liên thông, liên kết giữa xe buýt với đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động, trong Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo UBND Thành phố phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống VTHKCC bằng xe buýt với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đã được chấp thuận.

"Nhằm tăng hiệu quả kết nối giữa xe buýt và tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất bổ sung 17 điểm, di chuyển 09 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt trên cao. Sau khi tổ chức lại toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m".

Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý GTCC TP Hà Nội.

Theo ông Phương, có 3 kịch bản kết nối giữa các tuyến buýt hiện hữu và đường sắt đô thị trên cao.

Cụ thể, kịch bản thứ nhất (15 ngày đầu chạy miễn phí), Hà Nội sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt như phương án đang vận hành để đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn trong thời gian trải nghiệm miễn phí hệ thống đường sắt đô thị.

Kịch bản thứ hai (sau thời gian chạy miễn phí, đường sắt 2A hoạt động bình thường với 10 đoàn tàu), Hà Nội sẽ điều chỉnh lộ trình đối với 4 tuyến buýt (02, 21, 27, 33) trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông).

Trong đó, giai đoạn đầu khi tàu đi vào khai thác thương mại (trong 3 tháng đầu), tuyến buýt số 33 được điều chỉnh thành tuyến buýt kết nối ngang (Cụm công nghiệp Thanh Oai - Xuân Đỉnh) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại 2 ga (Hà Đông, Văn Khê); Cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Văn Quán đến ga Hà Đông và từ ga Văn Khê tới ga Yên Nghĩa (3km).

Giai đoạn sau 3 tháng tàu đi vào khai thác thương mại, 2 nhánh tuyến 21A và nhánh tuyến 21B sẽ được điều chỉnh hợp nhất thành một tuyến buýt ngang số 21 (KĐT Pháp Vân, Tứ Hiệp - Trần Vỹ) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại 2 ga (Thượng Đình, Vành đai 3); Cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ ga Vành đai 3 đến ga Yên Nghĩa (7,5km).

Giai đoạn sau 6 tháng tàu khai thác thương mại, Hà Nội dự kiến điều chỉnh tuyến buýt 27 (BX Yên Nghĩa - Nam Thăng Long) thành tuyến buýt kết nối ngang (KĐT Định Công - Nam Thăng Long) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại ga Láng.

Giai đoạn sau 9 tháng tàu đi vào khai thác thương mại, tuyến buýt 02 (Bác Cổ - BX Yên Nghĩa) được điều chỉnh thành tuyến buýt ngang (Bác Cổ - BX Mỹ Đình) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại ga Láng; Điều chỉnh thời gian hoạt động của tuyến buýt số 01, nâng tổng số lượt xe phục vụ từ 190 lượt lên 200 lượt/ngày.

ba kịch bản kết nối xe buýt khi đường sắt cát linh - hà Đông hoạt động

Tại các ga đầu - cuối tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng sẽ được tăng cường kết nối với việc điều chỉnh/bổ sung các tuyến buýt

Tăng cường kết nối tại điểm đầu, cuối

Cũng theo ông Thái Hồ Phương, bên cạnh công tác xây dựng lại mạng lưới xe buýt dọc tuyến đường sắt đô thị đi qua, Hà Nội cũng lên phương án điều chỉnh các tuyến buýt tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Cụ thể, tại ga Cát Linh, Hà Nội sẽ duy trì hoạt động của 5 tuyến buýt: 18, 23, 50, 99 và BRT01 kết nối. Đồng thời, điều chỉnh lộ trình 2 tuyến buýt tăng cường kết nối tại Ga Cát Linh gồm: thay đổi điểm đầu cuối tuyến 90 (Kim Mã - Nội Bài) thành tuyến (Hào Nam - Nội Bài); Điều chỉnh lộ trình tuyến 25 (Bệnh viện bệnh nhiệt đới TƯ CS2 - BX Giáp Bát).

Tại ga BX Yên Nghĩa, các tuyến buýt số: 01, 37, 57, 62, 72, 89, 91, 102, CNG02, BRT01 và 75, 213, 214 sẽ được duy trì hoạt động và mở mới đưa vào hoạt động 5 tuyến buýt từ BX Yên Nghĩa đi: Phùng; Hoài Đức; Miếu Môn; Hồng Dương; Chúc Sơn - Thị trấn Kim Bài.

“Ngoài ra, Hà Nội dự kiến duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang, lộ trình trùng với tuyến đường sắt đô thị 2A, gồm: 105, 19, 22B, 22C, 39, 103, 106, 85, 29, 60A, 05, 44, 60B, 104, 16, 24, 51, 30, 84, 09”, ông Phương thông tin.

ba kịch bản kết nối xe buýt khi đường sắt cát linh - hà Đông hoạt động

Các phương án kết nối xe buýt khi đường sắt đô thị trên cao gặp sự cố gián đoạn cũng được Sở GTVT Hà Nội đưa chi tiết vào kịch bản kết nối

Linh hoạt mạng lưới xe buýt khi đường sắt trên cao gặp sự cố

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, nhằm bảo đảm mạng lưới VTHKCC tại Thủ đô được xuyên suốt, Sở GTVT Hà Nội cũng giao các đơn vị lên phương án vận hành xe buýt khi tuyến đường sắt đô thị trên cao gặp sự cố (kịch bản thứ 3).

Trong đó, phương án này xác định rõ, trường hợp đoàn tàu gặp sự cố dừng hoạt động trên 2 tiếng trong 3 tháng đầu vận hành khai thác thương mại, Hà Nội sẽ tổ chức vận hành các tuyến buýt như phương án đã điều chỉnh trong 3 tháng đầu đoàn tàu đi vào khai thác thương mại tại kịch bản 2; Tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga (nếu cần).

“Trường hợp đoàn tàu gặp sự cố dừng hoạt động trên 2 tiếng trong thời gian sau 3 tháng trở đi khi đưa vào vận hành khai thác thương mại, Hà Nội sẽ điều chỉnh một phần tuyến buýt số: 02, 21, 27 đang chạy theo tuyến ngang trở lại lộ trình ban đầu (chạy dọc trục Nguyễn Trãi từ Ngã Tư Sở về Yên Nghĩa); Đồng thời, tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga (nếu cần)”, ông Phương cho hay.

Nguồn: Ba kịch bản kết nối xe buýt khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoạt động (baogiaothong.vn)

Không có nhận xét nào