Kinhtedothi - Đô thị hóa khu vực ven đô tại Hà Nội đang đặt ra những thách thức trong công tác quy hoạch xây dựng, đó là thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật và xã hội, ách tắc, ngập lụt, nhiều dự án treo... Sớm nhìn nhận những tác động của quá trình đô thị hóa, từ đó cho thấy sự cần thiết có các giải pháp quy hoạch kết nối đô thị - nông thôn phát triển bền vững.
Thách thức vùng ven đô trước đô thị hóaQuá trình mở rộng không gian đô thị, việc xuất hiện các khu ở dạng đô thị và khu công nghiệp thu hút cư dân từ đô thị, công nhân, gia đình từ những địa phương khác chuyển đến sinh sống, làm việc đã khiến dân số khu vực ven đô Hà Nội tăng nhanh chóng. Trong khi đó, hạ tầng chưa đáp ứng được, dẫn tới tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt về giáo dục, giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường…
Khu đô thị, nhà liền kề Nam An Khánh, huyện Hoài Đức. Ảnh: Thanh Hải
|
|
Theo KTS Đàm Quang Tuấn - Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển đô thị, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mới chỉ tập trung vào xây dựng đô thị. Đối với khu vực ven đô, khi triển khai chi tiết lại mang tính đáp ứng theo từng dự án, không có sự kết nối tổng thể giữa các khu vực nông thôn với xây dựng đô thị trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, khi vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh đã phát sinh nhiều vấn đề, điển hình là phát triển các khu đô thị mới khá tùy tiện. Bên cạnh đó, khu vực dân cư xuất hiện nhiều công trình xây dựng phát triển theo kiểu đô thị nhưng lại trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật của làng xóm nông thôn. Sự phát triển xây dựng điểm dân cư nặng về lợi ích kinh tế trong sử dụng đất đai gây mất cân bằng môi trường sinh thái, dẫn đến những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội…
Đồng quan điểm, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng, một số xã trên địa bàn các huyện ven đô Hà Nội đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng do đô thị hóa, dự án nhà ở phát triển mạnh trong khi cơ sở hạ tầng vẫn chưa đồng bộ dẫn đến nhiều hệ lụy. “Như trường hợp xã An Khánh, huyện Hoài Đức, hiện dân số khoảng 30.000 người, tăng gấp đôi so với cách đây 4 năm và dự kiến dân số của địa phương này sẽ tăng thêm khoảng 10.000 người nữa khi một loạt các khu đô thị hoàn thiện. Dân số đông trong khi hạ tầng chưa hoàn thiện dẫn đến quá tải về giáo dục, giao thông, đặc biệt là tình trạng ngập úng nặng nề mỗi khi mưa lớn” - TS.KTS Lê Thị Bích Thuận dẫn ví dụ.
Theo đánh giá của ông Lã Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng Quy hoạch - Kiến trúc II, Sở QH - KT Hà Nội, trong quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch xây dựng tại 18 huyện, thị xã của Hà Nội còn dàn trải, chưa có các phân tích, đánh giá tổng hợp và nhận diện đầy đủ những vấn đề mang tính đặc thù. Nhất là tại khu vực 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức có tốc độ đô thị hoá nhanh, tỷ lệ diện tích và dân số đô thị cao hơn rất nhiều so với các huyện còn lại. Trong khu vực đô thị tại 5 huyện này, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và khu dân cư hiện có (nằm trong các quy hoạch phân khu đô thị) chưa được triển khai đồng bộ với các dự án phát triển đô thị tiếp giáp xung quanh. Điều này dẫn đến những bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý theo quy hoạch trong tương lai gần, khi chuyển tiếp phân cấp quản lý từ huyện thành quận.
Bảo đảm kết nối đồng bộVùng ven đô có thể coi như một bộ phận quan trọng trong cơ thể sống của đô thị. Sự định hướng phát triển vùng ven đô tốt sẽ tạo điều kiện cho TP phát triển. Do đó, để quy hoạch phát triển bền vững khu vực phát triển mới vùng ven đô Hà Nội, theo KTS Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, yêu cầu đặt ra là phải có một mô hình quản lý và quy hoạch phát triển bền vững bao quát, phù hợp với các yếu tố văn hóa, lịch sử vùng, điều kiện kinh tế - xã hội, củng cố mối quan hệ với đô thị trung tâm cũng như hệ thống đô thị trong vùng Thủ đô.
Quy hoạch cần phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các khu vực, khai thác hiệu quả quỹ đất bằng cách khuyến khích phát triển đô thị “nén”, sử dụng đất hỗn hợp. Khu vực phát triển mới sẽ tạo điều kiện để người nông dân có thêm thu nhập từ nông nghiệp và các công việc phi nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch… tạo thêm việc làm, giảm nghèo và kết nối hài hòa cộng đồng dân cư mới với cộng đồng bản địa. Người dân sẽ được hưởng các dịch vụ an sinh xã hội tốt hơn về y tế, giáo dục, nhà ở, trường học… Bên cạnh đó, cần thiết lập hệ thống hạ tầng liên kết, tương tác giữa đô thị - nông thôn, tăng cường hiệu quả chức năng đô thị mới, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nâng cao chất lượng sống, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và nguồn nước. KTS Phạm Thị Nhâm nhấn mạnh, xây dựng mô hình quản lý có sự phối hợp với các quận, huyện, cộng đồng dân cư bản địa và nhà đầu tư sẽ giúp những khu vực phát triển mới vượt qua thách thức của thời kỳ chuyển đổi, hấp dẫn các nguồn đầu tư và tăng khả năng cạnh tranh.
Còn theo KTS Đàm Quang Tuấn, khu vực ven đô trong quá trình phát triển là sự đan xen giữa khu vực hiện có và khu vực xây mới hay nói cách khác là giữa nông thôn và đô thị. Để giải quyết tốt các vấn đề đang tồn tại cần có sự kết hợp giữa xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị tại khu vực ven đô. Sử dụng tài nguyên, nguồn lực hợp lý, ổn định đời sống người dân, hài hòa trong phát triển không gian quy hoạch, kiến trúc chung của TP, tránh sự phức hợp, lãng phí trong đầu tư mở mang cơ sở hạ tầng trong các điểm dân cư nông thôn.
"Trong quy hoạch xây dựng nông thôn khu vực ven đô phải có sự đồng bộ về mạng lưới hạ tầng kỹ thuật theo các giai đoạn quy hoạch giữa xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn, đặc biệt là mạng lưới giao thông. Trong quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn khu vực ven đô, phải hướng tới các tiêu chuẩn xây dựng đô thị, trừ các loại hình điểm dân cư nông thôn mang chức năng đặc biệt. " - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng, TS. KTS Lê Thị Bích Thuận |
Nguồn: http://kinhtedothi.vn/quy-hoach-cac-xa-ven-do-ha-noi-giai-quyet-bat-cap-do-thi-hoa-nhanh-400741.html
Không có nhận xét nào