TP - Theo báo cáo của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, bên cạnh yếu tố tự nhiên, các sự cố sạt lở đất nghiêm trọng vừa qua có nguyên nhân từ tác động của con người.
Mới đây, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam báo cáo Bộ TN&MT về nguyên nhân dẫn đến các sự cố sạt lở đất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người trong đợt mưa lũ thời gian qua. Cụ thể, tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), nơi xảy ra 2 đợt sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết, mất tích, các nhà khoa học nhận định, nhóm nguyên nhân rõ ràng nhất là mưa và cắt xẻ taluy cao và dốc để làm công trình, đường giao thông, lấy mặt bằng xây dựng nhà ở làm mất cân bằng sườn dốc, dẫn đến nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá. Khu vực này trước đó đã được cảnh báo có nguy cơ trượt lở đất đá cao và đề xuất điều tra hiện trạng trượt lở chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000.
Sự cố trượt lở tại Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 (bản Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có một điều khá đặc biệt. Năm 2018, khi điều tra hiện trạng sạt lở đất ở đây, các nhà khoa học chưa thấy dấu hiệu nào của hoạt động trượt lở, chỉ xác định được 1 điểm trượt lở quy mô nhỏ cách đó khoảng 650m về phía đông nam.
Nhóm chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến sự cố thương tâm tại Đoàn 337 liên quan mưa lớn kéo dài làm cho vật liệu vỏ phong hóa chảy nhão, mất liên kết. Phần thấp của sườn núi bị xói mòn (do dòng nước ở khe suối tác động) làm mất chân của sườn núi dẫn đến sạt lở ở phía trên. Đồng thời, dòng nước ở khe suối cũng làm cho vật liệu trượt lở di chuyển xa hơn, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn.
Quảng Nam là điểm đen trượt lở đất đá
Trước khi xảy ra hàng loạt sự cố sạt lở đất do bão số 9, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã nhận định Quảng Nam là điểm đen về sạt lở đất. Năm 2019, khi điều tra hiện trạng trượt lở đất đá ở đây, các nhà khoa học ghi nhận tới 1.286 vị trí đã xảy ra trượt lở đất đá, trong đó có 353 vị trí có quy mô nhỏ, 531 vị trí có quy mô trung bình, 389 vị trí có quy mô lớn, 12 vị trí có quy mô rất lớn và một vị trí có quy mô đặc biệt lớn. Các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn có nguy cơ rất cao về trượt lở đất đá. Các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang có nguy cơ cao.
Trượt lở đất đá ở Quảng Nam được ghi nhận thường xảy ra tại khu vực dọc các tuyến giao thông chính và khu vực dân cư, tập trung dọc đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 40B. Ngoài ra, còn xảy ra trên các sườn tự nhiên trồng cây lâm nghiệp, dọc các đường liên xã, liên thôn và đường lâm nghiệp. “Mức độ trượt lở đất đá nói chung trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Nam rất cao, cả về số lượng và mật độ, quy mô chủ yếu trung bình đến rất lớn”, báo cáo nêu.
Về tất cả các sự cố sạt lở đất vừa qua tại Quảng Nam cũng như các tỉnh khác, TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, nhận định, đó là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng. “Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày đã đủ khiến đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó, khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài”, ông Hòa nói.
Khu vực miền núi các tỉnh Trung bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ, bị dập vỡ, nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dày, giàu vật chất sét), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tự nhiên, theo TS Hòa, các hoạt động nhân sinh như xây dựng đường sá, thủy điện, hạ tầng, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại. TS Hòa nhấn mạnh, mất rừng tự nhiên cũng là nguyên nhân quan trọng. Nhiều nơi tỷ lệ che phủ của rừng lên tới 70-80%, nhưng là rừng tái sinh hoặc rừng trồng. “Rừng trồng đa phần là keo, sau một vài năm thu hoạch sẽ trồng lại, khiến liên kết đất yếu, hệ thống rễ cây trồng không phát triển để giữ lại nước”, TS Hòa nói.
Bão số 12 đã đổ bộ đất liền tỉnh Khánh Hòa hôm qua, gây mưa lớn diện rộng từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên. Dự báo, ngay sau bão 12, Biển Đông sẽ đón bão số 13, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Trung và Nam Trung bộ trong hai ngày 14-15/11, tiếp tục gây mưa lớn kèm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất.
NGUYỄN HOÀI
Nguồn: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/nhan-tai-lam-gia-tang-sat-lo-dat-1748267.tpo
Không có nhận xét nào