Top Banner

Tìm kiếm


Ngột ngạt Tam Đảo: Xu hướng bê tông hóa

TP - Càng lên đỉnh Tam Đảo, trung tâm thị trấn, con đường như nghẹn lại, đầy ổ voi ổ gà, nhà xây san sát, vật liệu ngổn ngang. Tam Đảo được ví với tiên cảnh một thời nay đã ngột ngạt vì quá tải…

Một số trang mạng tư vấn du lịch Tam Đảo mấy năm nay đã thêm phần lưu ý: Tắc đường vào cuối tuần, ngày lễ tết. Hình ảnh hàng nghìn người nối đuôi nhau trên xe máy, ô tô tưởng như chỉ xảy ra tại Hà Nội thì nay đã hiện hữu tại khu du lịch Tam Đảo.
Ngột ngạt Tam Đảo: Xu hướng bê tông hóa - ảnh 1Xe ô tô đỗ chật kín đường vì thiếu bãi đỗ xe

Xe của nhóm PV Tiền Phong phải khá vất vả để đi mấy vòng khảo sát trong thị trấn vì đường chỉ rộng 4-6m và thường bị lấn chiếm nên rất khó đi. 
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Đội CSGT huyện Tam Đảo cho biết: Tắc đường thường xảy ra vào thời điểm trưa hoặc chiều Chủ nhật, khi du khách quay trở về sau kỳ nghỉ cuối tuần. Vào ngày lễ, Tết, các kỳ nghỉ dài như 30/4 và 1/5, 2/9, Tết dương lịch…thì “tắc khủng khiếp”. Vào những ngày này, cả đội CSGT huyện phải căng mình phối hợp với Phòng CSGT tỉnh Vĩnh Phúc, Công an thị trấn tổ chức phân luồng, cử cán bộ đi từng khách sạn, nhà hàng thông báo nhắc nhở xe chở khách du lịch phải đưa khách xuống núi sớm hơn, hạn chế tắc đường.
Nguyên nhân chính gây tắc đường là hạ tầng tại thị trấn Tam Đảo bị quá tải, đường  quá nhỏ hẹp, chậm được cải tạo và thiếu bãi đỗ xe. “Bãi đỗ xe tạm thời quá nhỏ không đáp ứng được nhu cầu. Nhiều nhà hàng, khách sạn không thiết kế bãi đỗ xe, thậm chí còn đua nhau đỗ tràn lan ra lòng đường, vỉa hè”, vị CSGT nói.
Hạ tầng quá tải
Trong khi thiếu nghiêm trọng bãi đỗ xe và nhiều tiện ích khác phục vụ khách du lịch thì mảnh đất hiếm hoi còn sót lại tại trung tâm thị trấn đã được chuyển thành dự án khách sạn cao tầng mang tên Grand Victory Hotel. Diện tích khu đất là 6.876m2, diện tích đất xây dựng 3.215m2; 13 tầng + 1 tầng hầm. Thật dễ tưởng tượng ra hậu quả: Khi khách sạn này hoàn tất xây dựng, không gian khu trung tâm thị trấn vốn đã rất nhỏ hẹp bức bối sẽ tiếp tục bị thu hẹp đáng kể.
Chưa kể hàng chục công trình lớn xây dựng từ vài năm về trước, ngay tại thời điểm PV Tiền Phong khảo sát vào giữa tháng 11/2020, hàng chục khách sạn, công trình cao tầng vẫn đang được cấp tập xây dựng. Nhiều tuyến phố ngổn ngang vật liệu đổ tràn ra cả lối đi như một đại công trường. Ngay cả những tuyến đường nhỏ, ngóc ngách tại đây đã phủ kín công trình. Tại thôn 2 thuộc thị trấn Tam Đảo, hàng loạt công trình phục vụ khách du lịch được triển khai, bao gồm cả công trình xây dựng kiên cố và tạm bợ.
Ngột ngạt Tam Đảo: Xu hướng bê tông hóa - ảnh 2 Ùn tắc kéo dài tại khu du lịch Tam Đảo trong ngày 2/9
Thời gian gần đây, tình hình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng ở thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo diễn biến phức tạp với 71 trường hợp có dấu hiệu vi phạm liên quan đến lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích. Qua kiểm tra, UBND thị trấn Tam Đảo đã xử phạt hành chính 31 trường hợp vi phạm Luật Đất đai, 36 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng.
Ngay trong tháng 11/2020, đoàn công tác của huyện Tam Đảo đã có buổi làm việc với các địa phương và rà soát toàn bộ hồ sơ; kiểm tra thực địa để có cơ sở xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Trước mắt, đoàn công tác của huyện Tam Đảo thống nhất củng cố hồ sơ để giải quyết, xử lý triệt để hơn 10 trường hợp vi phạm Luật Đất đai ở thị trấn này.

Khi nào xóa “đại công trường”?
 Theo ông Nguyễn Anh Đào, Chủ tịch HĐND thị trấn Tam Đảo, hạ tầng thị trấn chậm được đầu tư dẫn đến quá tải cả về giao thông, bãi đỗ xe, xử lý nước thải. Cuối năm 2019, HĐND thị trấn đã họp góp ý vào dự thảo quy hoạch chung thị trấn Tam Đảo đến năm 2030, trong đó đã kiến nghị cần tăng cường đầu tư về hạ tầng. 
Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hệ thống thoát nước thải của thị trấn đi chung với nước mưa, đã xây dựng 2 trạm xử lý nước thải công suất 500m3/ngày đêm/trạm nhưng chưa đi vào hoạt động. Theo Huyện ủy Tam Đảo, về quy hoạch thị trấn Tam Đảo đã lấy ý kiến nhiều cơ quan nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều hạng mục, công trình, dự án  theo quy hoạch cũng chưa biết khi nào được triển khai.
Trong khi đó, tháng 12/2017, trả lời báo chí, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khu du lịch Tam Đảo được xác định là khu nghỉ dưỡng, vui chơi kết hợp với du lịch sinh thái thuộc tổng thể Quy hoạch vùng du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đã được Thủ tướng phê duyệt. Đề cập các hạng mục đang triển khai trên diện rộng, như: Mở rộng đường lên Tam Đảo; các khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao; khu tổ hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp; khu ẩm thực, thương mại; công viên vui chơi giải trí... được báo chí phản ánh là “đại công trường”, vị đại diện cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các nhà đầu tư phải hoàn thiện các hạng mục này trong vòng 3 năm. 

Mật độ xây dựng quá lớn

Theo bà Phạm Thị Lan Hương, trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Tam Đảo, trước tình trạng vi phạm về quản lý đất đai và trật tự xây dựng, Ban thường vụ Huyện ủy đã có kết luận về tăng cường quản lý đối với lĩnh vực này. Ngày 11/11, ông Lê Quý Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo đã dẫn đầu đoàn kiểm tra xử lý vi phạm về đất đai xây dựng làm việc với UBND thị trấn Tam Đảo, chuẩn bị lên phương án tháo dỡ công trình xây dựng homestay xây dựng trái phép trên địa bàn thị trấn.
Ngột ngạt Tam Đảo: Xu hướng bê tông hóa - ảnh 3Hàng loạt homestay có dấu hiệu vi phạm xây dựng tại thôn 2 thị trấn Tam Đảo

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc cho rằng: Hiện nay khu du lịch Tam Đảo đang thiếu một số cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ cho khách du lịch như bến xe, khu chợ, hạ tầng thông tin. Quy hoạch khu du lịch đang tiến hành nhưng chậm quá. Tỉnh Vĩnh Phúc đang xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp quốc gia. Cũng theo đại diện Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc, mặc dù Vĩnh Phúc có nghị quyết về phát triển du lịch-dịch vụ từ năm 2011 nhưng khởi động chậm. Đã từng có thời điểm nhiều công trình phá vỡ cảnh quan, mật độ xây dựng lớn quá. Đường giao thông chậm triển khai, nhất là đoạn gần đến đỉnh Tam Đảo. 

Cần rà soát lại quy hoạch

Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc “bê tông hóa” các điểm du lịch hiện không chỉ xảy ra ở Tam Đảo, mà còn đang diễn ra ở nhiều nơi như Đà Nẵng, Tây Nguyên…  Tất cả đều có điểm chung là việc địa phương coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được chú ý nhiều nhưng cảnh quan, bản sắc của khu vực lại bị phá vỡ. 
Theo ông Nghiêm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây yêu cầu các địa phương lựa chọn đối tác phù hợp, đặc biệt lựa chọn dự án cần tôn trọng cảnh quan thiên nhiên. Chủ trương là như vậy, nếu có hiện tượng bê tông hóa quá mức khu du lịch thì cần quan tâm, rà soát lại quy hoạch”, KTS Nghiêm nói.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Tam Đảo là khu vực rất đặc biệt, người Pháp từng rất chú trọng phát triển. Chính vì thế Tam Đảo có nhiều khu nghỉ dưỡng do Pháp xây dựng từ thế kỷ trước. Từ bài học kinh nghiệm quy hoạch của khu phố cổ Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc nên sớm rà soát khu vực Tam Đảo theo định hướng vừa xây dựng quy hoạch mới, vừa điều chỉnh quy hoạch cũ. Đây là vấn đề đã được Quốc hội đặt ra khi làm Luật Quy hoạch.
Việc tôn trọng cảnh quan thiên nhiên là để gìn giữ, bảo vệ cho thế hệ sau cùng được hưởng và phát triển, chứ không phải vì lợi ích trước mắt. 

Không có nhận xét nào