Nghiên cứu các yếu tố tác động đến việc học tập tiếp tục của người làm thư viện đại học
Đặt vấn đề
Trong xã hội thông tin, rồi đến xã hội tri thức, lượng kiến thức và kỹ năng làm việc trở nên quá nhiều, hơn thế nữa lại được đổi mới liên tục. Điều này đã khiến cho không một trường đào tạo nào có thể kịp thời cập nhật nội dung đào tạo và trang bị đầy đủ cho người học mọi kỹ năng làm việc. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề ngày càng có khuynh hướng áp dụng đồng thời tri thức của nhiều lĩnh vực trong tác nghiệp, đổi mới liên tục và thậm chí thay thế các triết lý và nguyên tắc làm việc. Chính vì vậy, hoạt động học tập tiếp tục (HTTT) bao gồm việc tự học và được đào tạo tiếp tục (ĐTTT) trở thành yêu cầu mang tính thường xuyên, liên tục cho nhân sự của hầu hết các ngành nghề. Tại nhiều quốc gia, hoạt động ĐTTT đã mang tính bắt buộc trong nhiều lĩnh vực, như y tế, giáo dục, dịch vụ [7]. Ở đó họ quy định, mỗi chuyên viên, theo định kỳ, phải có chứng chỉ từ các khoá ĐTTT thì mới được tiếp tục hành nghề. Việc tổ chức ĐTTT cũng phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp bởi các đơn vị có năng lực và thẩm quyền.
Đối với hoạt động thư viện - thông tin, sự bùng nổ thông tin và việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức, lưu trữ, cung cấp thông tin diễn ra từ những thập niên cuối của thế kỷ XX, đã khiến HTTT trở thành nhu cầu cấp bách của người làm thư viện (NLTV) ở nhiều quốc gia [8]. Tại Việt Nam, nhu cầu này càng trở nên vô cùng cần thiết vì ngoài lý do vừa nêu, còn có những lý do khác như chương trình đào tạo đại học còn nhiều hạn chế [1,2], nhân sự trong thư viện có khi còn chưa được qua đào tạo chuyên ngành [9].
Trong một thời gian dài, các nước tiên tiến đã rất nỗ lực trong nghiên cứu lý luận và triển khai thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Hàng loạt nghiên cứu lý luận như công trình của Brine [5], hay Oldroyd [10] và nghiên cứu ứng dụng, triển khai như công trình của Allan [4] hay Wood [12] đã được công bố. Trong khi đó, ở Việt Nam thực hiện nghiên cứu và tổ chức hoạt động HTTT cho NLTV còn rất hạn chế.
Mặc dù chúng ta nhận thức được tầm quan trọng, thấy rõ được nhu cầu thực tiễn và trong một chừng mực nào đó cũng đã cố gắng thực hiện các hoạt động HTTT cho NLTV, tuy nhiên, các hoạt động này mang tính đơn lẻ, thiếu tính định hướng và hệ thống [3]. Các đơn vị tổ chức hoạt động ĐTTT thường dựa vào nguồn tài trợ ngắn hạn từ một vài dự án nào đó, chứ ít khi duy trì được ổn định, có kế hoạch, có tính đến nhu cầu, điều kiện, ưu tiên của đơn vị và NLTV. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân đáng kể là chúng ta còn thiếu các nghiên cứu, nhất là những nghiên cứu mang tính cơ bản để từ đó có được những hiểu biết cần thiết cho việc triển khai hoạt động HTTT. Rõ ràng, các nghiên cứu liên quan đến HTTT đã và đang là yêu cầu của thực tiễn hoạt động thư viện - thông tin của Việt Nam.
Ý tưởng nghiên cứu về các tác động đến việc học tập tiếp tục của người làm thư viện đại học
Ở Việt Nam, từ đầu những năm 2000 trở lại đây, công cuộc đổi mới giáo dục đại học được đặc biệt nhấn mạnh đã khiến các thư viện đại học phải đổi mới mọi hoạt động và áp dụng các tiện ích của công nghệ, cũng như các chuẩn nghiệp vụ tương đồng với các thư viện đại học của những quốc gia tiên tiến. Gần đây, việc đánh giá chất lượng giáo dục càng khiến các thư viện đại học phải phấn đấu có đủ năng lực tham gia vào quá trình học, tự học, nghiên cứu của cộng đồng người dùng tin đại học. Những năm qua, sự thay đổi trong thư viện đại học diễn ra mạnh mẽ nhất so với các loại hình thư viện khác. Nhìn chung, thư viện đại học đang được quan tâm đầu tư và những kỳ vọng của nhà trường đối với thư viện ngày càng cao. Do vậy, việc cập nhật, bổ sung, thậm chí là đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ và khả năng làm việc cho nhân sự của thư viện đại học trở thành yêu cầu thiết yếu; bởi lẽ năng lực nhân sự là yếu tố quyết định cho tính hiệu quả trong đầu tư cũng như cho khả năng đáp ứng kỳ vọng từ nhà trường.
Trước yêu cầu vừa nêu, cùng những hạn chế trong nghiên cứu liên quan đến HTTT đã nêu trong phần đặt vấn đề, nghiên cứu các yếu tố tác động đến HTTT của NLTV đại học trở thành trọng tâm của nghiên cứu này. Ở đây, các tác động được hiểu là những cản trở và những khả năng có thể kích hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động HTTT. Việc hiểu rõ những yếu tố này là nền tảng để xây dựng các chính sách liên quan, thiết lập môi trường thúc đẩy việc HTTT, cũng như cơ chế gia tăng khả năng HTTT của NLTV đại học.
Phương pháp nghiên cứu
Trong khi những nghiên cứu liên quan đến các khía cạnh của quá trình học tập suốt đời và ĐTTT của người trưởng thành nói chung, của chuyên viên trong từng lĩnh vực nói riêng, đã được thực hiện khá công phu tại một số quốc gia, các nghiên cứu tương tự tại Việt Nam còn chưa được công bố. Để khám phá những vấn đề chưa được xác định, nghiên cứu định tính tỏ ra phù hợp hơn cả [11], do đó các phương pháp định tính bao gồm phỏng vấn cá nhân và nhóm tiêu điểm, quan sát, phân tích tư liệu đã được sử dụng trong nghiên cứu này. Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng như sau:
Giai đoạn 1: Nghiên cứu tài liệu
Để định hướng cho quá trình thu thập dữ liệu, một mô hình khởi đầu về các yếu tố tác động đến HTTT được tạo dựng trên cơ sở nghiên cứu tài liệu để tiếp thu kết quả đúc kết từ các nghiên cứu của nhiều tác giả phương Tây, có đối chiếu với quan sát từ thực tiễn Việt Nam khi quyết định tiếp thu.
Việc nghiên cứu tài liệu được thực hiện bằng cách tra tìm các tài liệu có nội dung về HTTT tại nguồn tài liệu in và cơ sở dữ liệu của nhiều thư viện trong và ngoài nước. Những tài liệu là tác phẩm của những tác giả uy tín trong lĩnh vực đào tạo người trưởng thành (adult education), những nghiên cứu nổi tiếng về HTTT của các lĩnh vực, những nghiên cứu về HTTT trong hoạt động thư viện được ưu tiên sử dụng.
Giai đoạn 2: Thu thập dữ liệu thực tế
Để xác định và lý giải các yếu tố tác động đến HTTT của NLTV đại học, các phương pháp phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn nhóm tiêu điểm được triển khai như sau.
Mẫu nghiên cứu: 11 thư viện đại học với 94 NLTV đã được mời tham gia vào nghiên cứu, trong đó có 01 thư viện với 7 NLTV được chọn làm thí điểm (pilot) để chỉnh sửa, bổ sung các câu hỏi phỏng vấn (dữ liệu phỏng vấn thí điểm không được chính thức sử dụng). Để đảm bảo cho tính đại diện, trong 10 thư viện mẫu, có 4 thư viện thuộc phía Bắc, 4 thư viện thuộc phía Nam và 2 thư viện của miền Trung, với quy mô nhân sự từ 25 đến 45 NLTV, với điều kiện phòng ốc và trang thiết bị từ mức rất hạn chế đến mức hiện đại khi so sánh giữa các TVĐH của Việt Nam.
Phỏng vấn cá nhân: Giám đốc hoặc Phó Giám đốc các thư viện được chọn làm đối tượng phỏng vấn cá nhân bởi vì họ là những người có tiềm năng nhất trong việc cung cấp thông tin một cách sâu sắc, toàn diện cho nghiên cứu. Họ là những người chịu trách nhiệm về tuyển dụng và đào tạo nhân sự, họ hiểu biết sâu sắc về các chính sách liên quan của Nhà nước, cũng như của cơ quan chủ quản, nhất là họ rất hiểu điều kiện, nhu cầu của đơn vị, cũng như đặc điểm của đội ngũ mà họ quản lý. Bên cạnh đó, họ thường có kinh nghiệm trong công tác thư viện, một vài người còn tham gia giảng dạy cho các chương trình đào tạo khác nhau. Mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 60 phút theo kiểu nửa cấu trúc (semi structure) bao gồm những câu hỏi đã được chuẩn bị và những câu hỏi phái sinh hoặc phát sinh từ ý kiến của người được phỏng vấn.
Phỏng vấn nhóm tiêu điểm: Hai cuộc phỏng vấn nhóm được thực hiện tại 7 thư viện, một dành cho NLTV giữ vị trí chủ chốt, một dành cho NLTV còn ít tuổi nghề, mỗi nhóm có 4 hoặc 5 thành viên. Việc phân thành hai nhóm như vậy nhằm đảm bảo tinh thần thoải mái, bình đẳng giữa các thành viên trong nhóm khi trình bày quan điểm của mình, hạn chế khả năng chi phối của những thành viên có vị trí công tác cao hơn. Tại 3 thư viện còn lại, do số lượng NLTV ít nên chỉ thực hiện 01 cuộc phỏng vấn nhóm. Mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 60 phút theo kiểu nửa cấu trúc (semi structure).
Nghiên cứu tư liệu: Các văn bản pháp lý bao gồm: Quy định chức danh nghề nghiệp, Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và tài liệu nội bộ như kế hoạch phát triển, chính sách, quy định của thư viện được thu thập và nghiên cứu. Các dữ liệu này giúp đối chiếu và hiểu rõ hơn các phát biểu của NLTV về tác động đến HTTT từ phía cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và thư viện.
Giai đoạn 3: Phân tích dữ liệu
Giai đoạn này tập trung phân tích và tổng hợp dữ liệu thu được nhằm xác định và lý giải các yếu tố tác động đến HTTT. Quy trình phân tích dữ liệu được thiết lập dựa theo hướng dẫn của Bryman [6]: đầu tiên, băng thu âm của 10 cuộc phỏng vấn cá nhân và 17 cuộc phỏng vấn nhóm được chuyển sang dạng văn bản; tiếp theo là quá trình đọc cẩn thận từng văn bản để tìm ra các ý tưởng và từ khoá quan trọng phản ánh những tác động đến HTTT; sau đó là quá trình tập hợp các ý tưởng và từ khoá tương đương hoặc liên quan thành từng nhóm, từ việc tập hợp này xác định các yếu tố tác động và nội dung của từng yếu tố.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu đã xác định ra 5 yếu tố chính có tác động đáng kể đến HTTT của NLTV đại học, trong 4 yếu tố đầu, các yếu tố cụ thể trực thuộc cũng được xác định (xem mô hình 1).
Yếu tố xã hội (các nhận thức của xã hội tác động đến HTTT): Nghiên cứu cho thấy nhận thức xã hội vẫn tiếp tục đề cao vai trò người phụ nữ trong việc chăm lo gia đình hơn là phấn đấu cho công việc. Việc học cao, biết rộng là kỳ vọng đối với nam giới hơn là đối với phụ nữ. Trong khi đó phần đông NLTV là phụ nữ và họ cảm thấy xã hội không cổ vũ họ tìm cách học tập để thành công trong sự nghiệp. Thêm vào đó, xã hội không đánh giá cao nghề thư viện, cũng như cơ hội trở nên thành đạt dành cho NLTV trong xã hội là rất ít. Tuy thế, có một số NLTV trẻ tuổi nhận thấy rằng công việc thư viện đang dần thay đổi và được cộng đồng ghi nhận, phụ nữ ngày nay cũng khao khát thành công và vì vậy họ đang được cổ vũ theo đuổi việc HTTT.
Như vậy, về cơ bản, yếu tố xã hội đang tác động không tích cực đến việc theo đuổi HTTT của NLTV. Tuy nhiên, những thay đổi trong nhận thức xã hội về vai trò phụ nữ và giá trị của nghề thư viện đang dần có tác động tích cực đến việc HTTT của NLTV trẻ.
Yếu tố nghề nghiệp (các đặc điểm liên quan đến tổ chức, quản lý công tác thư viện tác động đến HTTT): Mặc dù xã hội đánh giá chưa cao công tác thư viện, nhưng những người trong nghề rất ý thức rằng công việc này đòi hỏi nhiều khả năng và phẩm chất, bao gồm sự hiểu biết rộng, kỹ năng đa dạng và khả năng thích ứng với thay đổi, nhất là những thay đổi trong công nghệ thông tin và nhu cầu người dùng tin. Điều này khiến NLTV phải không ngừng nâng cao năng lực làm việc. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo đại học ngành Thư viện - Thông tin mà họ đã theo học chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác thực tiễn. Điều này khiến NLTV phải HTTT để bổ sung và cập nhật kiến thức, kỹ năng làm việc. Như vậy, đòi hỏi của công việc và hạn chế của chương trình đào tạo đang là sức ép khiến NLTV theo đuổi việc HTTT.
Ngoài ra, sự chỉ đạo, quy định từ cơ quan lãnh đạo, quản lý hoạt động thư viện và các hiệp hội nghề nghiệp cũng được nhìn nhận như là có tác động đến HTTT của NLTV. Nhiều người tham gia phỏng vấn cho rằng về mặt nguyên tắc, các quy định về chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghiệp vụ sẽ giúp định hướng cho việc xác định nội dung cũng như kế hoạch HTTT của NLTV. Tuy nhiên, các chuẩn nghiệp vụ của Việt Nam chưa đầy đủ và các quy định về chức danh hiện nay không đủ rõ ràng, vì vậy chưa có giá trị định hướng cho NLTV lên kế hoạch phấn đấu.
Yếu tố cá nhân (tính cách, đặc điểm, mục tiêu, hoàn cảnh cá nhân tác động đến việc HTTT): Tính cách cá nhân bao gồm lòng tự trọng, sự tự tin, sự đam mê, tính sáng tạo, cùng với các đặc điểm về tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn và các điều kiện gia đình, kinh tế cá nhân, có tác động (thúc đẩy hoặc làm lơ là) rất lớn đối với việc HTTT của NLTV. Đặc biệt, tình cảm, thái độ đối với công việc và mục đích phấn đấu của cá nhân tác động mạnh mẽ đến quyết tâm HTTT của NLTV. Có thể thấy, những động lực bên trong mỗi cá nhân có tác động lớn đến quá trình HTTT của họ.
Yếu tố cơ quan (chính sách và các yếu tố từ môi trường làm việc, cơ hội học tập tác động đến việc HTTT): Các chính sách của nhà nước, nhà trường và thư viện liên quan đến đề bạt, thu nhập, khen thưởng đều có tác động đến động lực HTTT của NLTV. Các chủ trương của Chính phủ, nhà trường và thư viện đến việc phát triển hoạt động thư viện - thông tin đều tác động đến nhu cầu HTTT. Cơ hội, điều kiện, sự hỗ trợ về tài chính và thời gian, quy định liên quan đến HTTT, điều kiện làm việc, ảnh hưởng từ đồng nghiệp cũng tác động đáng kể đến HTTT. Đặc biệt, sự gương mẫu, sự hỗ trợ, phong cách làm việc và ứng xử với nhân viên và quan điểm về HTTT của người quản lý, nhất là Giám đốc thư viện có tác động rất mạnh mẽ đến NLTV. Những ảnh hưởng từ người quản lý có thể thúc đẩy hoặc triệt tiêu việc theo đuổi HTTT của NLTV.
Tính tương tác giữa cơ quan và cá nhân: Khi xem xét các tác động từ phía cơ quan đến việc HTTT của NLTV, một yếu tố đồng thời hiện diện đó là sự tác động qua lại, có ảnh hưởng lẫn nhau giữa cá nhân và cơ quan, giữa cá nhân với cá nhân. Những chính sách, quy định, điều kiện, thái độ của đồng nghiệp và cấp quản lý tác động đến quá trình HTTT của từng cá nhân; ngược lại điều kiện, thái độ, năng lực và việc thực hiện HTTT của từng cá nhân cũng tác động đến quy định, điều kiện của cơ quan, thái độ và hành động của đồng nghiệp và cấp quản lý.
Kết luận và đề xuất
Việc xác định và lý giải sự tác động của 5 yếu tố kể trên đến hoạt động HTTT của NLTV đại học giúp các đối tượng liên quan (cơ quan quản lý hoạt động thư viện, nhà trường, thư viện, cán bộ quản lý và cá nhân NLTV) hiểu được những cản trở và những khả năng có thể kích hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động HTTT. Từ kết quả nghiên cứu có thể đưa ra một vài đề xuất sau.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước về công tác thư viện:
- Thành lập/ giao trách nhiệm cho những đơn vị chủ trì các hoạt động ĐTTT dành cho NLTV.
- Các quy định về chức danh nghề nghiệp nên làm rõ yêu cầu về các kiến thức và kỹ năng giúp NLTV, đơn vị ĐTTT, đơn vị đào tạo đại học làm căn cứ phát triển các nội dung học tập.
- Đầu tư cho việc biên soạn và phổ biến các tài liệu dùng cho quá trình HTTT của NLTV.
Đối với các thư viện
- Định kỳ xây dựng và triển khai các kế hoạch chiến lược cho hoạt động HTTT của đơn vị.
- Có chính sách quy định và hỗ trợ cho việc HTTT, đồng thời có cơ chế theo dõi, động viên, ghi nhận quá trình HTTT của từng NLTV.
- Ủng hộ việc áp dụng những yếu tố mới tiếp thu được từ việc HTTT vào hoạt động thực tế.
Đối với cấp quản lý thư viện
- Gương mẫu trong học tập nâng cao trình độ vì cán bộ quản lý là hình mẫu thuyết phục nhất của NLTV.
- Không ngừng động viên, thúc đẩy và tạo cơ hội cho nhân viên HTTT.
- Bày tỏ thái độ, sự ghi nhận trước nỗ lực, cũng như sự thoái thác đối với hoạt động HTTT của cấp dưới, coi hoạt động này là một tiêu chí đánh giá nhân viên.
Đối với cá nhân NLTV
- Tự giác thiết lập mục tiêu phấn đấu, từ đó định ra kế hoạch và tìm cách thực hiện hoạt động HTTT để đạt được mục tiêu.
- Chủ động thu xếp thời gian và duy trì các hình thức tự học phù hợp với bản thân.
- Mạnh mẽ thể hiện mong muốn tiếp tục học tập nâng cao năng lực; khi có cơ hội HTTT cần tận dụng và cam kết theo đuổi. Đây là cơ sở để được tiếp tục nhận các cơ hội mới cho việc HTTT và thành đạt trong công việc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hữu Hùng.Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ thông tin thư viện ở Việt Nam // Thông tin và Tư liệu. - 2003. - Số 2. - Tr. 1-5.
2. Nguyễn Thị Lan Thanh.Đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo: Những giải pháp chủ yếu để phát triển giáo dục đại học ngành Thư viện -Thông tin // Tham luận tại Hội thảo Đảm bảo chất lượng đào tạo chuyên ngành khoa học Thông tin -Thư viện, Hà Nội 12/12/2001.
3. Ngô Thanh Thảo.Hoạt động đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tin - Thư viện ở Việt Nam: Hiện trạng và khả năng phát triển // Khoa học xã hội và Nhân văn. - 2004. - Tháng 10. - Tr. 32-41.
4. Allan, B. Supervising and leading teams in ILS. - London: Facet, 2007.
5. Brine, A.Continuing professional development: A guide for information professionals. - Oxford: Chandos Publishing, 2005.
6. Bryman, A.Social research methods. - Oxford: Oxford University Press, 2004.
7.Cervero, R.M.Effective continuing education for professionals. - San Francisco: Jossey-Bass Inc, 1988.
8. Conroy, B.Library staff development and con- tinuing education: Principles and practices. Littleton, Colorado: Libraries Unlimited, Inc., 1978.
9. Denison, T., and Robinson, M.Breaking gro- und: Library systems implementation in Vietnam. http:// www.vala.org.au vala2004 2004pdfs 38DenRob.PDF.
10. Oldroyd, M.Staff development in academic libraries: Present practice and future challenges. - London: Library Association Publishing, 1996.
11. Rubin, H.J. and Rubin, I.S.Qualitative interviewing: The art of hearing data. - Thousand Oak: Sage Publication, 2005.
12. Wood, A.Acomprehensive library staff training programme in the information age. - Oxford: Chandos, 2007.
____________________
TS. Nguyễn Hồng Sinh
Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Tp. HCM
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 3. - Tr. 24-28,36.
Không có nhận xét nào