Cuốn sách “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng”: Tô đẹp hình ảnh người thầy giáo làng
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, cuốn sách “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” của thầy giáo, thương binh Đinh Đức Lâm như một món quà tinh thần ý nghĩa, giúp bạn đọc hiểu hơn về người thầy giáo, người chiến sĩ trên chiến trường với nhiệm vụ bảo vệ đất nước và cả nhiệm vụ trồng người.
“Nhật ký chiến trường” của thầy giáo thương binh
Những năm 1965 - 1968, Đế quốc Mỹ bắt đầu đưa quân đổ bộ vào miền Nam và cho không quân ném bom đánh phá miền Bắc, thầy giáo làng Đinh Đức Lâm (thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đã “xếp bút nghiên”, phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò để lên đường ra trận.
Đêm ngày 21.7.1969, sau một trận đánh phối hợp với đơn vị bạn, ông bị lạc. Sau đó, ông phát hiện ra chiến sĩ Lê Văn Thụ, quê Thái Bình cũng đang bị lạc như mình, thế nhưng gay go nhất là chiến sĩ Thụ bị đạn bắn gãy chân, không thể đi được. Thầy giáo Lâm đã cõng đồng đội, tìm cách vượt qua vòng vây của thám báo Mỹ trở về đơn vị.
Họ đã bị lạc tới 3 đêm liền trong khu rừng đầy thám báo Mỹ và những ổ phục kích của địch. Cuối cùng, nhờ dũng cảm và mưu trí, 2 người đã tìm thấy đồng đội và trở về đơn vị an toàn; và đây cũng chính là cái tứ cảm xúc, để sau này Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng đặt tên cho tác phẩm nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng”.
Nhật ký được thầy Đinh Đức Lâm ghi chép từ ngày 21.7.1969 và khép lại trang viết cuối cùng vào ngày 3.3.1973. Thầy Lâm chủ yếu thể hiện nhật ký bằng văn xuôi. Tuy nhiên, ở một số phần nhỏ phía cuối sách còn xuất hiện một số bài thơ. Ngày tháng sáng tác thơ vẫn được để lên trên tên bài, đúng như cách trình bày nhật ký. Qua những trang nhật ký, bạn đọc có thể hình dung ra phần nào cuộc sống, sinh hoạt của một chiến sĩ bộ đội quân giải phóng, được cứu chữa và chăm sóc như thế nào nếu không may bị thương.
Đặc biệt, nửa sau của cuốn sách đã mô tả rất rõ chặng đường hành quân bộ, từ chiến trường miền Đông Nam Bộ ra Bắc. Hơn 50 năm trước, khi viết những dòng chữ đầu tiên trong sổ tay nhật ký ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, người thầy giáo trẻ không thể ngờ được những trang sổ tay đã cũ nát với những dòng chữ đã nhòe mờ sau nửa thế kỷ, nay đã trở thành tài sản tinh thần của con cháu và sẽ là một di sản cho cả cộng đồng và xã hội.
Theo Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng: “Nếu như những tác phẩm nhật ký thời chiến mà chúng tôi đã biên soạn trước đây, hầu hết là mô tả những khó khăn, vất vả, gian nguy của người chiến sĩ khi vượt Trường Sơn hành quân vào chiến trường miền Nam thì đến nhật ký của thầy giáo, thương binh Đinh Đức Lâm đã mô tả tâm trạng của những người lính trên chặng đường ngược lại: Từ Nam ra Bắc!”.
Tình bạn đẹp của người thầy giáo
Cuốn sách “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” là những dòng cảm nhận chia sẻ chân tình, ghi lại thực tế những ngày chiến đấu oanh liệt của thầy Lâm và đồng đội, những người lính Cụ Hồ vĩ đại. Đây được đánh giá là cuốn sách có giá trị truyền dạy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc Việt Nam và có sức ảnh hưởng đến thế hệ sau.
Nhà giáo Đỗ Khánh Tặng - Trưởng ban Tuyên huấn, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Tư tưởng Văn hoá, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương - cho biết, “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” đã góp phần tô đẹp thêm hình ảnh người nhà giáo, cũng thông qua cuốn sách, độc giả được thấy phần nào tình cảm đẹp của những người chiến sĩ. Tình bạn giữa thầy giáo Đinh Đức Lâm và chiến sĩ Lê Văn Thụ là một hình ảnh chân thực, đẹp đẽ nhất.
GS-TS Đại tá Đinh Xuân Dũng đánh giá cao cuốn sách và cho rằng, đây chính là tài sản quý báu của văn học nghệ thuật nói riêng và cho toàn xã hội nói chung. “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” là câu chuyện thật của người thầy giáo làng, không có sự tô vẽ, hư cấu và khoa trương. Đó là nỗi đau, sự kiên cường của những người lính trong nhiều năm. Trong thời kỳ hiện nay, trước sự tác động phức tạp của xã hội đã khiến nhiều người quên đi quá khứ hào hùng của thế hệ đi trước và cuốn sách đã làm sống lại những gì đẹp đẽ nhất trong quá khứ.
“Có nhiều hoạt động được tổ chức vào ngày 20.11 nhưng để có những sản phẩm cụ thể về hình ảnh người thầy giáo như thế này thì có lẽ đây là lần đầu tiên. Trước đây, tôi từng gặp nhiều thầy giáo đại học, sinh viên sư phạm từ giảng đường đại học ra trận nhưng thầy giáo làng thì thì thầy giáoLâm là người đầu tiên. Một người thầy giáo thực sự, thầy giáo làng… ra trận và may mắn để lại sản phẩm quý giá” - Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết.
Không có nhận xét nào