Biết thêm “Nghê Việt tinh tuyển”
Ngày 15-11, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức ra mắt cuốn sách “Nghê Việt tinh tuyển” do TS Trần Hậu Yên Thế (Đại học Mỹ thuật) chủ biên. Công chúng còn được tham gia nhiều trải nghiệm với hình tượng Nghê và chiêm ngưỡng những tác phẩm ứng dụng hình tượng Nghê trong đời sống đương đại.
Biểu tượng linh thiêng mà gần gũi
Chúng ta đã quen với biểu tượng Nghê qua những câu thành ngữ “con Phượng thì múa, con Nghê thì chầu” hay “Phượng múa, Nghê cười”. Nhưng trước và trên hết, Nghê là một linh vật. Hình tượng Nghê được tích hợp, thẩm thấu tinh hoa từ nhiều nền văn hóa: Trung Hoa, Ấn Độ, Trung Á, Chăm Pa…
Nghê được hội tụ tạo hình từ nhiều con vật có thực để trở thành một linh vật vừa uy nghi, trang trọng, vừa gần gũi, thân tình. Nghê là linh vật huyền thoại được hư cấu bằng sự đan xen giữa văn hóa nên nó có nhiều biểu hiện rất khác nhau qua mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi đặc trưng vùng miền và đôi khi biểu hiện cá tính khác nhau của những người đã tạo nên linh vật này.
Nghê thường được chế tác thành một đôi và thường được ở các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Về sau, Nghê được thiêng hóa, không hề thua kém các linh vật trong bộ tứ linh trong văn hóa cung đình. Tất cả những điều đó khẳng định rằng: Nghê là vật linh quan trọng trong văn hóa Việt Nam.
Hình tượng Nghê xuất hiện trong đời sống từ dân gian cho tới cung đình, từ miền đồng bằng cho tới miền núi. Sự đa dạng về chất liệu, kích thước, kiểu dáng, màu sắc, hình thái… trong tạo hình Nghê cũng phản ánh sự đa dạng trong cách biểu đạt, minh chứng sắc nét về tính độc đáo, sự tự do trong cách biểu đạt văn hóa của người Việt.
PGS, TS Đinh Hồng Hải nhận xét: “Đặc tính văn hóa dân gian của người Việt được biểu hiện qua vẻ mặt của những con Nghê khiến cho chúng trở thành những “con vật” gần gũi, thân thương hơn là một linh vật đáng sợ hay chỉ để thờ. Đặc tính này giúp cho Nghê “ngấm” vào trong dòng suy nghĩ của các nghệ nhân dân gian - những người nghệ sĩ sáng tạo nên biểu tượng Nghê, để rồi chúng được tái hiện qua đôi bàn tay tài hoa của họ bằng những kiệt tác của nghệ thuật tạo hình dân gian .Từ đó hình tượng Nghê đã đi vào lòng người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội giống như hình ảnh quê hương với mái đình - cây đa - bến nước đã in sâu trong tâm trí người Việt”.
Để Nghê không còn là “linh vật bên lề”
Nghê là một linh vật sống động trong đời sống tinh thần của người Việt đã góp phần tạo nên “hồn Việt” trong nghệ thuật Việt Nam. Tìm hiểu sự tồn tại và phát triển của biểu tượng Nghê qua mỗi thời kỳ lịch sử sẽ cho chúng ta một góc nhìn cụ thể và đầy đủ hơn về văn hóa, xã hội và nghệ thuật của các giai đoạn lịch sử đó.
Với cách tiếp cận liên văn hóa, cuốn sách “Nghê Việt tinh tuyển” (nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long, NXB Thế giới ấn hành) là một chuyên khảo về vẻ đẹp trang trọng nhưng vẫn giản dị, vui tươi, sinh động của những hình tượng Nghê.
Cuốn sách không chỉ chọn lựa những “gương mặt” Nghê tiêu biểu nhất mà còn có những cập nhật những thông tin khoa học, bổ sung qua những tư liệu điền dã được sưu tầm công phu. Cuốn sách xinh xắn, dung lượng không lớn, chỉ 334 trang khổ nhỏ 12x12cm, in đen trắng, nhưng mang giá trị và ý nghĩa khoa học không nhỏ. Đặc biệt phần giới thiệu khái quát về Nghê đã được dịch sang tiếng Anh, giúp quảng bá nét tinh hoa của văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế trước thềm SEA Games 31 năm 2021.
Hôm nay, Nghê không chỉ xuất hiện trang trọng ở các không gian tâm linh, tín ngưỡng mà còn hiện diện đa dạng trong nhiều mặt của đời sống. Nghê không còn là “linh vật bên lề” mà đã đi vào cuộc sống đương đại.
Sự kiện ra mắt ấn phẩm “Nghê Việt tinh tuyển” còn được phối hợp cùng chuỗi hoạt động giáo dục di sản và trưng bày các sản phẩm ứng dụng hình tượng Nghê trên nhiều chất liệu.
Công chúng có thể thấy Nghê hiện diện trong những trình diễn thời trang của La Sen Vũ, trong thiết kế trang trí nội ngoại thất Trúc Chỉ, trong thiết kế linh vật cho SEA Games 31, trong tranh dân gian Kim Hoàng, trong các dự án giáo dục di sản ở Văn Miếu, Bảo tàng Mỹ thuật, trong chuỗi thương hiệu kiến trúc (Nghê house, Nghê Prana Villa & Spa)… Đây là những hoạt động mang ý nghĩa chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11) của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nguồn: https://nhandan.com.vn/di-san/-biet-them-nghe-viet-tinh-tuyen-624615/
Không có nhận xét nào